Môi trường

Giải pháp xử lý chất thải điện tử

Hoàng Ngân 27/02/2024 - 11:26

(TN&MT) - Những năm trở lại đây, lượng rác thải điện tử trong nước ngày càng tăng nhanh, tạo ra những áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm có luật về quản lý chất thải điện tử và có nhà máy tái chế chất thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có thể thu hồi kim loại quý.

Rác thải điện tử có xu hướng gia tăng

Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0 cùng sự đổi mới sáng tạo công nghệ đã khiến việc sản xuất các thiết bị điện, điện tử phát triển mạnh mẽ, nhu cầu thay đổi các sản phẩm điện, điện tử ngày càng cao dẫn đến gia tăng lượng lớn rác điện tử. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi lượng rác thải điện tử trong nước ngày càng tăng nhanh, tạo ra những áp lực đối với công tác xử lý loại chất thải đặc thù này.

Theo Báo cáo "Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020" của Liên hợp quốc công bố, trên thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (13,1 triệu tấn) và châu Âu (12 triệu tấn). Châu Phi và châu Đại Dương tạo ra lần lượt là 2,9 và 0,7 triệu tấn. Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn.

6f.jpg
Công nghệ càng phát triển, lượng rác thải điện tử thải ra môi trường ngày càng nhiều

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cũng chỉ ra, hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti vi có thể lên tới 250.000 tấn.

Rác thải điện tử gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe con người do chúng thường không được phân loại, đôi khi bị bỏ chung với những loại rác khác. Trong rác thải điện tử chứa rất nhiều kim loại nặng độc hại từ vỏ và các linh kiện bên trong thiết bị điện tử. Do đó, nếu không xử lý rác điện tử đúng cách, các loại rác thải điện tử có thể giải phóng các chất độc hại như thủy ngân, chì, niken,... vào môi trường. Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động có tiếp xúc trực tiếp với rác thải.

Đầu tư công nghệ tái chế rác điện tử

Đánh giá về hiện trạng xử lý, tái chế chất thải điện tử ở Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc Dung - Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam nhận định, hiện nay, tỷ lệ xử lý chất thải điện tử còn đang ở mức độ thấp (dưới 10% tổng lượng chất thải điện tử phát sinh). Cả nước có khoảng 68 công ty được cấp phép xử lý chất thải, linh kiện điện tử quy mô nhỏ với công suất từ 0,25 - 30 tấn/ngày. Các công ty được cấp phép phần lớn tập trung tháo dỡ, phá dỡ thủ công, chỉ có một số nhỏ công ty có đủ dây chuyền xử lý được cấp phép xử lý bảng mạch điện tử. Bên cạnh đó, Việt Nam mới chỉ tái chế được một phần các vật liệu thông thường như sắt, đồng, chì, thiếc, nhựa bằng các công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu và chưa thể tái chế được các kim loại quý, vốn có hàm lượng cao trong chất thải điện tử.

Chính vì vậy, bà Dung đề xuất Việt Nam cần có nhà máy tái chế chất thải điện tử công nghệ hiện đại, quy mô lớn, có thể thu hồi kim loại quý để giải quyết được lượng rác thải phát sinh trong nước và dần dần nâng cấp các mô hình tái chế tự phát thành mô hình thu gom, phân loại có kiểm soát.

Đồng quan điểm đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có mạng lưới thu gom chất thải điện tử hiệu quả hơn, thực hiện bởi những đơn vị có chuyên môn. Đồng thời, cần triển khai từ nghiên cứu khoa học sang ứng dụng kỹ thuật thực tiễn ở quy mô công nghiệp, trong đó, cơ sở xử lý được cấp phép tái chế rác thải điện tử phải thiết lập quy trình chung cho tất cả vật liệu được đưa vào tái chế.

Việt Nam cần sớm có luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế; xây dựng hệ thống thu hồi sản phẩm điện tử thải bỏ theo đúng quy định pháp luật nhằm truy xuất nguồn gốc chất thải điện tử và tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển sản phẩm thải bỏ. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của rác thải điện tử để phân loại, thu gom, xử lý đúng cách.

Ngoài ra, để phục vụ hệ thống EPR tại Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường Nguyễn Đức Quảng đề xuất cần đưa hệ thống thu gom tư nhân vào các hoạt động của EPR. Điều chỉnh quy định pháp luật (tỷ lệ tái chế, quy cách tái chế, định mức tái chế) kịp với thời điểm ban hành các quy định liên quan. Phát triển các cơ sở tháo dỡ, phân loại chất thải điện tử chính quy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp xử lý chất thải điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO