(TN&MT) - Ngày 20/3, tại Hà Nội, Hội chủ rừng Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển tổ chức tọa đàm “Giải pháp quản lý và sử dụng 3,3 triệu ha rừng chưa giao do UBND xã quản lý”.
Theo thống kê Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2021, hiện còn 3.337.770 ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng chưa giao (không có chủ) hiện tạm để UBND xã quản lý. Số diện tích này có chất lượng rừng thấp, hạ tầng rất kém hoặc không có hồ sơ rừng do UBND cấp xã không đủ nguồn lực về con người, tài chính, kỹ thuật để quản lý rừng và đất rừng.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam cho biết: Việc tồn tại một diện tích lớn đất rừng do UBND xã quản lý trong thời gian dài, mà chưa giao cho cộng đồng dân cư, các hộ gia đình cá nhân và các chủ rừng quản lý, là do thể chế giao đất của ngành tài nguyên môi trường có những khác biệt với việc giao rừng của ngành lâm nghiệp. Trong khi đó, việc giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý mang lại nhiều lợi ích. Không những có một lực lượng bảo vệ rừng cốt lõi mà còn giúp người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế, tạo động lực cho họ tham gia công tác bảo vệ rừng.
Chia sẻ về hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã quản lý ở Quảng Nam, ông Lê Thành Dương - đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện chất lượng rừng còn thấp, hiện trạng nghèo kiệt cần phục hồi. Bên cạnh đó, rừng và đất lâm nghiệp thuộc đối tượng ít được đầu tư trong công tác quản lý. Một trong những khó khăn trong việc giao, cho thuê đất rừng cho cộng đồng, người dân là do còn nhiều bất cập về vị trí pháp lý; quyền lợi, quyền sở hữu, trách nhiệm của cộng đồng như một chủ rừng thực sự.
Ông Quang Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, Sơn La chia sẻ, địa phương cũng chung tình trạng này. Theo đó, xã có 74ha, trong đó, rừng chiếm 1/3 diện tích và đã giao một phần cho các bản quản lý. Tuy nhiên, khi triển khai phát sinh các vấn đề khó khăn vì không thể đo lường cụ thể, không có căn cứ pháp lý khiến các bản có diện tích rừng được giao xâm lấn lẫn nhau. Bên cạnh đó, một số chủ rừng chưa quan tâm sát sao đến việc thăm nom, bảo vệ, chăm sóc. Vẫn còn mặc định đây là rừng của chung, thù lao chỉ hơn 500 nghìn cho mỗi ha/năm, nên các nông hộ thiếu động lực.
Trước thực trạng trên, PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam đã đưa ra một số khuyến nghị để quản lý và sử dụng một cách hiệu quả trên 3,3 triệu ha rừng do UBND xã tạm quản lý hiện nay.
Đó là, khuyến khích cộng đồng thành lập Tổ hợp tác cộng đồng quản lý rừng theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về giao đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng tín ngưỡng được giao cho cộng đồng dân cư vào Luật đất đai; bổ sung vào các văn bản dưới luật của Luật đất đai quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, quyền sở hữu rừng trồng và tài sản khác gắn liền với đất rừng cho cộng đồng dân cư nói riêng và các chủ rừng khác nói chung.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phép mở rộng quyền sử dụng rừng đặc dụng và một số quy định về hợp tác quản lý rừng, trong đó quy định rõ nội dung đồng quản lý, thành lập Hội đồng quản lý rừng và cơ chế chia sẻ lợi ích. Đặc biệt là phải xây dựng, thực hiện Chương trình quản lý, sử dụng có hiệu quả trên 3 triệu ha đất rừng và rừng đang được UBND cấp xã quản lý.