Giải pháp nào cho quy hoạch công viên cây xanh thành phố?

20/03/2019 15:33

(TN&MT) - TP.HCM có quy mô dân số đông đúc nên rất cần những mảng xanh. Tuy nhiên, những năm qua, công tác quy hoạch công viên cây xanh bộc lộ một số hạn chế, khiến những mảng xanh ở TP vô cùng hạn hẹp. Với dân số có chiều hướng ngày càng tăng thêm, việc đầu tư xây dựng những công viên cây xanh cần được chính quyền TP lưu tâm, triển khai sớm.

x2
TP.HCM đang rất cần các mảng xanh để hài hòa đô thị.

Công viên cây xanh là điều "xa xỉ"

TP.HCM hiện có tốc độ đô thị hóa rất cao, các quỹ đất trống trên địa bàn TP hầu như không còn nhiều. Cùng với đó, mức tăng trưởng dân số của TP được xem là cao nhất nước, TP hiện có khoảng 13 triệu dân. Những năm gần đây, mỗi năm TP lại có thêm gần 300.000 người dân nhập cư. Ở chiều ngược lại, có thể thấy tốc độ triển khai thực hiện các khu cây xanh tập trung quy mô lớn còn rất chậm so với tốc độ gia tăng dân số.

Từ sau năm 2000 đến nay, ngoại trừ một số công viên đã có từ trước như: Tao Đàn, Lê Văn Tám, Thảo Cầm Viên, Hoàng Văn Thụ, Đầm Sen, Suối Tiên, Kỳ Hòa…, việc đầu tư xây mới công viên có quy mô lớn còn khá hạn chế. Theo đó, TP.HCM chỉ phát triển thêm công viên Gia Định (quận Phú Nhuận) giai đoạn 1 và 2, với khoảng 21ha và công viên 23/9 (quận 1), khoảng 9ha.

Theo Sở GTVT TP.HCM, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại TP hiện đạt mức bình quân 1,6m2/người, chỉ bằng 1/10 so với tiêu chuẩn chung của một TP hiện đại, văn minh. Con số này cũng còn thấp xa so với quy hoạch được phê duyệt là khoảng 6,3m2/người theo Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025.

Qua khảo sát của ngành chức năng cho thấy, các khu công viên cây xanh công cộng của TP được quy hoạch nhưng chưa thực hiện. Hầu hết là những khu đất trống rậm rạp, ẩm thấp, ao hồ… không thể tiếp cận sử dụng hoặc đất trống xen cài với các công trình xây dựng (như nhà ở xây dựng không phép, nhà xưởng, bến bãi cần phải di dời, đất hành lang ven sông, kênh rạch), thuộc quyền sử dụng của người dân hoặc các tổ chức kinh doanh.

Một số ít là đất công thuộc quyền sử dụng của Nhà nước. Đơn cử như khu công viên cây xanh 100ha ở phường Thạnh Xuân (quận 12), khu công viên mũi Đèn Đỏ khoảng 100ha ven sông Sài Gòn, tại phường Phú Thuận (quận 7). Trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện và quản lý khai thác quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng tập trung quy mô lớn đều trông chờ vào nguồn ngân sách của TP. Song TP lại cần dành ngân sách cho các nhu cầu cấp bách hơn như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, hạ tầng xã hội thiết yếu.

Một thực tế là cùng với sự thiếu hụt công viên trầm trọng, khiến người dân không có nơi thư giãn dịp cuối tuần, thì quy hoạch cây xanh đã trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc của người dân có đất bị quy hoạch, vì họ không được cấp phép xây dựng bất cứ công trình nào và bán cũng không ai mua. TP chưa có kế hoạch đền bù để triển khai thực hiện dự án công viên cây xanh, nhiều khu đất người dân phải chờ đợi đến nay đã gần 20 năm, kể từ lúc chính thức quy hoạch.

x1


Cần có kịch bản “hút” vốn tư nhân

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho biết, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt năm 2010, chỉ tiêu công viên cây xanh là 7m2/người, được chia ra 3 khu vực. Cụ thể, 13 quận nội thành cũ là 2,4m2/người; 6 quận mới là 7,1m2/người; khu vực 5 huyện ngoại thành là 12m2/người. Tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh toàn TP lên đến hơn 11.400ha.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thực hiện được 491ha, chiếm tỷ lệ 4,3%; trong đó 13 quận nội thành cũ 55,6%; 6 quận mới 35% và 5 huyện ngoại thành 9,4%. Nhìn vào các thông số này, một số chuyên gia đô thị cho rằng đây là một nghịch lý. Bởi các huyện ngoại thành có quỹ đất lớn nhưng việc đầu tư công viên cây xanh lại ít hơn nội thành. Thời gian qua, nhiều quận, huyện chưa có công viên đúng chuẩn, người dân tận dụng đường giao thông nông thôn để đi bộ, có khi gây ra tai nạn giao thông.

Trong tình hình hiện nay, TP.HCM đang cần rất nhiều nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết các vấn nạn kẹt xe, ngập nước kinh niên. Và rõ ràng, TP cũng thiếu vốn để thực hiện các quy hoạch công viên cây xanh tập trung. Lúc này, TP cần có một giải pháp thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực của xã hội tham gia vào việc đầu tư, quản lý, khai thác công viên cây xanh một cách hiệu quả.

Kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa, người có nhiều năm đóng góp vào công tác quy hoạch - kiến trúc của TP.HCM nêu giải pháp rằng, theo quy hoạch hiện nay, quanh các khu công viên cây xanh ở vùng ven TP thường là những khu dân cư thấp tầng. Người dân và nhà đầu tư thường mua làm nhà ở hay làm dự án một cách manh mún, họ không có động lực kinh tế để đầu tư thực hiện các khu đất được quy hoạch là đất công viên cây xanh.

Vì vậy, TP.HCM nên chủ động điều chỉnh quy hoạch để hình thành các dự án quy hoạch khu nhà ở phức hợp cao tầng, ưu tiên chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, bãi đậu xe, hạn chế chức năng ở làm tăng dân số, kết hợp khu công viên cây xanh - thể dục thể thao tập trung phục vụ công cộng, với phần lõi trung tâm là các khu công viên cây xanh trên phạm vi toàn TP, như là các dự án trọng điểm để mời gọi đầu tư.

TP sẽ đền bù giải tỏa toàn bộ diện tích các dự án nêu trên bằng nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, kết hợp phát hành trái phiếu với cam kết mức lãi suất ưu đãi cao hơn lãi suất trần của ngân hàng. Đồng thời, mời gọi các nhà đầu tư bất động sản có năng lực, kinh nghiệm tham gia đấu giá để thực hiện dự án. Khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư sẽ bàn giao toàn bộ khu công viên cây xanh - thể dục thể thao công cộng cho TP để quản lý, khai thác, vận hành.

TP.HCM đang phấn đấu trở thành một đô thị thông minh và văn minh, hiện đại. Song một đô thị với mật độ dân số quá cao nhưng mật độ cây xanh lại thấp thì cuộc sống người dân ở TP đó sẽ thấy rất ngột ngạt, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội; không gian công cộng quá ít sẽ tạo sự ức chế về tâm lý người dân rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào cho quy hoạch công viên cây xanh thành phố?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO