(TN&MT) - Thời gian gần đây, do nguồn nước mặt bị ô nhiễm và nhiễm mặn nên hâu hết người dân tại tỉnh Sóc Trăng đều khai thác nước ngầm sử dụng. Việc khai thác với công suất vượt mức đã khiến nguồn nước bị suy kiệt và mực nước dần bị hạ thấp. Điều đó càng làm tăng thêm áp lực về nguồn nước tưới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong tương lai.
Suy kiệt nguồn nước, do đâu?
Theo “Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất (NDĐ) tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020” tổng số công trình khai thác sử dụng NDĐ trong toàn tỉnh hiện có khoảng 80.000 giếng.
Trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất là các giếng khoan do người dân tự khai thác với số lượng gần 59.000 giếng, tiếp đến là các công trình do Nhà nước và Quốc tế tài trợ khoan giếng cho người dân với hơn 16.000 giếng. Các giếng còn lại do Công ty TNHH MTV Cấp nước Sóc Trăng, Chi cục Phát triển nông thôn và 1 số cơ sở sản xuất kinh doanh khai thác và sử dụng. Nguồn nước dưới đất (NDĐ) ngoài mục đích khai thác sử dụng cho sinh hoạt còn được người dân khai thác sử dụng phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp, nông nghiệp (trồng hành tím, trồng màu khác tại Vĩnh Châu, trồng mía Cù Lao Dung,…) và nuôi trồng thủy sản.
Theo Phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng), do khai thác một cách tràn lan, thiếu thiết kế, thiếu quy hoạch hợp lý đã dẫn đến sụt giảm mực nước ngầm và suy giảm áp lực nước trên toàn tỉnh, nghiêm trọng nhất là mạch nước ngầm tại 3 huyện ven biển như: Mỹ Xuyên, Long Phú và Vĩnh Châu.
Sử dụng nước ngầm tưới rau cải tại huyện Vĩnh Châu |
Theo kết quả nghiên cứu động thái nước dưới đất của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam: Bình quân mỗi năm mực nước ngầm của Sóc Trăng giảm từ 0,5 – 1 m ở tầng 90m và giảm từ 3 – 4 m ở tầng nước sâu hơn. Kết quả quan trắc mực nước dưới đất tại thành phố Sóc Trăng tháng 5 năm 2013 cho thấy: Các tầng chứa nước từ Pleistocen cho đến tầng chứa nước Miocen trên đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2003. Trong đó, mực nước giảm nhiều nhất ở tầng Pliocen giữa (với độ sâu tầng chứa nước từ 157,5 đến 307,5m) và Pliocen dưới (độ sâu tầng chứa nước từ 307,5 đến 376,7m). Cụ thể, tại tầng chứa nước Pliocen giữa, quan trắc công trình có chiều sâu giếng 234,20m cho thấy: Mực nước trung bình từ mặt đất là -11,21m, thấp hơn so với tháng 4 năm 2013 là -0,45m và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2003 là -7,56m.
Còn ở tầng chứa nước Pliocen dưới, quan trắc tại công trình có chiều sâu giếng là 360,90m cho thấy: Mực nước trung bình từ mặt đất là -12,35m, cao hơn so số liệu quan trắc tháng 4 năm 2013 là 0,06m, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2003 là -7,30m.
Đối với tầng chứa nước Pleistocen trên (chiều sâu từ 17,2 đến 76,0m), quan trắc tại công trình có mực nước trung bình từ mặt đất là -8,61m, thấp hơn so với tháng 4 năm 2013 là -0,07m và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2003 là -1,58m. Còn ở tầng chứa nước Pleistocen giữa trên (chiều sâu tầng chứa nước từ 62,0 đến 105,0m), quan trắc tại công trình có mực nước trung bình từ mặt đất là -9,21m, thấp hơn so với tháng 4 năm 2013 là -0,07m và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013 là -6,81m.
Như vậy, có thể khẳng định nguồn nước dưới đất ở Sóc Trăng hiện đang suy giảm ở mức đáng báo động. Đặc biệt, cùng với đó, chất lượng nguồn nước ở nhiều nơi cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Đồng bộ các giải pháp trong đó chú ý đến quản lý liên vùng
Trước tình hình nguồn nước ngầm đang có nguy cơ cạn kiệt như hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện các giải pháp tạm thời là tiết kiệm nguồn nước. Trước mắt, Sở TN&MT sẽ quản lý chặt và kêu gọi người dân tiết kiệm nước tưới cho cây trồng, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu để giảm lượng nước thất thoát, rò rỉ bằng giải pháp bê-tông hóa và kiên cố hóa kênh mương nhằm giảm áp lực cho nguồn nước ngầm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nghiên cứu các công nghệ tưới tiêu khoa học, vừa tiết kiệm nước vừa nâng cao năng suất cây trồng.
Do đặc thù của tỉnh Sóc Trăng là địa phận nằm trong vùng hạ lưu của sông Mê Công và cũng là nơi cuối cùng dòng sông đổ ra biển. Vì vậy, chế độ thủy triều biển Đông và chế độ thủy văn của sông Mê Công cũng ảnh hưởng đến tài nguyên nước ngầm của tỉnh. Các cửa biển này cũng là điều kiện để hàng năm nước biển xâm nhập mặn vào sâu khu vực nội đồng tỉnh Sóc Trăng gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân. Trước thực tế đó, hiện nay, tỉnh đã xây dựng và sẽ hoàn chỉnh hệ thống đê ngăn mặn dọc biển trong thời gian tới đây, tuy nhiên cần hợp tác nghiên cứu, điều tra quy hoạch trên quan điểm liên vùng, đặc biệt là các tỉnh ven biển như: Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu và Cà Mau cũng như các tỉnh thượng nguồn các con sông lớn. Việc bố trí phát triển các công trình khai thác NDĐ mới phải bảo đảm không vượt quá trữ lượng có thể khai thác của từng vùng từng tầng chứa nước và gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh cũng như trong mối quan hệ chung với các địa phương lân cận.
Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân biết và bảo vệ nguồn nước mạch thông qua việc hạn chế khai thác sử dụng nước dưới đất để phục vụ bơm tưới. Các ngành chức năng cần tổ chức thanh tra hoạt động của các nhà máy cấp nước và cách khai thác giếng khoan ở mỗi địa phương, có quy định cách sử dụng nước hợp lý nhằm bảo đảm nguồn nước, tránh thất thoát, gây ô nhiễm.
Minh Trang