Giải mã động đất ở Điện Biên và Lai Châu

17/01/2018 18:05

(TN&MT) - Chỉ trong hai ngày đầu năm 2018, tại huyện Mường Ảng (Điện Biên) đã liên tiếp xảy ra hai trận động đất với cường độ 3,9 đến 4,3 độ Richter. Để hiểu rõ...

(TN&MT) - Chỉ trong hai ngày đầu năm 2018, tại huyện Mường Ảng (Điện Biên) đã liên tiếp xảy ra hai trận động đất với cường độ 3,9 đến 4,3 độ Richter. Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
1 Giải mã động đất ở Điện Biên và Lai Châu
Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

PV: Trong ngày 8, 9/1, tại huyện Mường Ảng (Điện Biên) liên tiếp xảy ra 2 trận động đất với cường độ 3,9 đến 4,3 độ Richter. 

Tiến sĩ Trần Tân Văn:
 Nếu nói một cách hình ảnh, nhân cách hóa, coi Trái đất như là một cơ thể sống, động đất chính là những nhịp thở, sự “cựa mình” của nó, tức là rất bình thường, một hình thức giải phóng năng lượng sau một thời gian tích lũy. Trên thế giới hàng ngày, hàng giờ đều xảy ra động đất, có đến hàng ngàn trận mỗi ngày, đặc biệt là dọc theo các đứt gãy lớn. Tuy phần lớn đều được ghi nhận bằng các thiết bị quan trắc hiện đại nhưng chỉ một số ít trong chúng là con người có thể cảm nhận được và một số rất ít hơn nữa là có khả năng gây ra thiệt hại về người và cơ sở vật chất.

Các nhà khoa học có nhiều thang biểu để đánh giá sức mạnh, khả năng gây thiệt hại của một trận động đất, trong đó, thang Richter là phổ biến nhất, theo đó, động đất lớn cỡ 5 độ Richter trở lên thông thường mới bắt đầu có khả năng gây hại. Tuy vậy, nói thế cũng chưa thực sự chính xác, vì còn phụ thuộc vào mức độ kiên cố của nhà cửa, cơ sở vật chất. Nếu chỉ xây tạm thì có khi động đất chỉ cỡ 3 - 4 độ Richter là đã gây nứt vỡ. Còn nếu rất kiên cố thì có thể an toàn kể cả khi động đất cấp 7 - 8.

Trong quá khứ, ở khu vực tỉnh Điện Biên đã từng xảy ra động đất lớn hơn hiện tại như: Động đất Điện Biên năm 1935 cường độ 6,75 độ Richter, động đất Tuần Giáo năm 1983 cường độ 6,8 độ Richter. Khi đó, đúng là có thiệt hại.
2 Giải mã động đất ở Điện Biên và Lai Châu
Khu vực đã xảy ra 2 trận động đất với cường độ 3,9 đến 4,3 độ Richter. Ảnh: MH

PV: Tỉnh Điện Biên nằm trong khu vực có 2 dải đứt gãy địa chấn lớn là Điện Biên - Lai Châu và Sông Mã - Sơn La nên thường xuyên xảy ra động đất. Với kinh nghiệm của một nhà địa chất, ông có thể nhận định những trận động đất về sau có mạnh lên không và khu vực này có xuất hiện thêm những dải đứt gãy nào không?

Tiến sĩ Trần Tân Văn: Chính xác thì khu vực tỉnh Điện Biên là nơi giao nhau của một số đứt gãy lớn như đứt gãy Điện Biên - Lai Châu, đứt gãy Sơn La, đứt gãy Sông Mã, đứt gãy Sông Đà... Việc xuất hiện đứt gãy ở một địa điểm, vị trí nào đó cũng không phải là ngẫu nhiên, mà thường chỉ ở những nơi xung yếu nhất của vỏ Trái đất. Một đứt gãy xuất hiện không phải ngay lập tức, mà đó là cả một quá trình dài, có khi hàng triệu, hàng trăm triệu năm. Vì thế, nỗi lo rằng, ở khu vực này có thể xuất hiện thêm những đứt gãy mới không có cơ sở, nếu có biểu hiện thì các nhà khoa học cũng đã nhận ra.

Mặt khác, trong số những đứt gãy đã kể trên, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều biểu hiện, trong đó, động đất cũng là một trong những bằng chứng rõ rệt nhất, cho thấy đây phần lớn đều là những đứt gãy đang hoạt động, đang dịch chuyển, đang cụ cựa, đang thở. Vì thế, chắc chúng ta sẽ tiếp tục phải sống chung với động đất ở khu vực này.

Tuy vậy, động đất là quá trình giải phóng năng lượng mà lòng đất đã tích lũy lại sau một thời gian dài, có khi đến hàng chục, hàng trăm năm. Giải phóng ra càng thường xuyên thì khả năng có động đất lớn lại càng có xu hướng ít đi. Các nhà khoa học còn sợ hơn đối với những đứt gãy được coi là đang hoạt động mà lâu lâu lại không thấy động đất. Vì thế, chúng tôi tin rằng, trong tương lai, những trận động đất ở khu vực này chỉ ở mức nhẹ.

PV: Ông có thể cho biết, hiện tượng động đất xuất hiện là do những tác động nào, trong đó, có tác động của con người hay không 

Tiến sĩ Trần Tân Văn:  Đúng là ngoài những trận động đất có nguồn gốc tự nhiên mà như trên đã nêu, là hiện tượng giải phóng năng lượng từ trong lòng đất ra ở những vị trí yếu nhất, động đất còn do tác động nhân sinh, phần lớn là do xây đập, tích nước, làm thủy điện. Gần đây, người ta có nói thêm đến một số hoạt động khác tác động vào lòng đất như: Khai thác khoáng sản, khai thác nước dưới đất, tích trữ CO2 trong lòng đất, hoặc khai thác khí đá phiến bằng công nghệ thủy phá... Các nhà khoa học gọi đó là động đất kích thích. Tưởng tượng là khi ta tích một lượng nước lớn ở hồ thì mặt đất nơi đó sẽ chịu thêm một tải trọng lớn, phát sinh thêm ứng suất trong lòng đất. Cộng thêm với ứng suất tự nhiên hiện có, nếu như vượt quá sức bền của đất đá thì sẽ xảy ra gãy vỡ, xảy ra động đất. Tuy vậy, động đất kích thích thường nhỏ, ít khi lên đến 4 - 5 độ Richter và sau một thời gian ngắn sau khi tích nước lòng hồ, có xu hướng giảm dần và hết hẳn.

PV: Ông cho biết, nước ta có những vùng nào có nguy cơ chịu động đất nhiều nhất?

Tiến sĩ Trần Tân Văn: 
Ngoài khu vực trên, các nhà khoa học đã chỉ ra một số khu vực khác. Các nhà địa chất đã vạch ra một số đứt gãy lớn đang hoạt động và các nhà địa chấn đã tính toán, dự báo được chấn cấp cũng như cường độ của chúng. Có thể kể đến một số khu vực như: Dọc đứt gãy sông Hồng - sông Chảy, dọc đứt gãy sông Cả, sông Rào Nậy, thậm chí cả ngoài biển như đứt gãy kinh tuyến 109o30... Tuy vậy, mạnh nhất, thường xuyên nhất có lẽ vẫn là vùng Điện Biên - Lai Châu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải mã động đất ở Điện Biên và Lai Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO