Triển khai Luật Đất đai 2024

Gia tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp: Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Trường Giang - (thực hiện) 13/06/2024 - 09:44

(TN&MT) - Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

8alvb.jpg
Ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai

PV: Xin ông cho biết là Luật Đất đai 2024 đã có những chính sách nào về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại?

Ông Lê Văn Bình: Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội Khóa XV ngày 18/1/2024 với rất nhiều những chính sách mới, trong đó có các quy định về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp.

Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 định hướng cho việc sửa đổi Luật Đất đai đã xác định, đối với lĩnh vực nông nghiệp sẽ giữ ổn định chính sách giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp cho người sử dụng đất; mở rộng đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; quy định về hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như các quy định liên quan đến sử dụng đất để bảo đảm việc sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất lớn, xã hội chủ nghĩa.

Thể chế quan điểm của Nghị quyết, Luật Đất đai 2024 quy định giữ ổn định chính sách giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; nâng thời gian sử dụng đất của đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối là 50 năm bằng với đất trồng cây lâu năm, đất rừng và không còn phải phân biệt thời hạn giữa các loại đất nông nghiệp với nhau.

Đặc biệt, Luật quy định đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất nông nghiệp trong hạn mức có thời hạn 50 năm khi hết thời hạn không phải đi gia hạn, tức là khi hết thời hạn thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng mà không phải làm thủ tục gia hạn.

Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng hạn mức sử dụng đất nông nghiệp. Cụ thể, được sử dụng đất nông nghiệp không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp để người dân có thể tập trung tích tụ đất đai để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn.

Một đổi mới của Luật là về việc nhận chuyển quyền sử dụng đất lúa, Luật Đất đai 2013 hiện hành quy định chỉ những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển quyền sử dụng đất lúa, còn những người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển quyền sử dụng đất lúa. Qua tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy có rất nhiều tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vào sản xuất trồng lúa nhưng lại không có đất. Do đó, Luật lần này quy định đối với các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân mà không trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

Tuy nhiên, đối với các tổ chức kinh tế, Luật yêu cầu doanh nghiệp lập dự án sản xuất nông nghiệp thì phải có phương án sử dụng đất và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận thì mới được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp bằng các hình thức như là nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để làm dự án. Nếu chuyển mục đích thì Nhà nước sẽ xử phạt rất nghiêm khắc, thậm chí là thu hồi đất.

Đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, Luật quy định được nhận chuyển quyền sử dụng đất lúa nhưng phải sử dụng đúng mục đích và bằng hạn mức giao đất của Nhà nước. Trường hợp vượt quá hạn mức giao đất thì phải thành lập doanh nghiệp và có phương án sử dụng đất.

Ngoài ra, Luật còn có quy định về khu nuôi trồng thủy sản, hải sản, lâm sản, thủy hải sản tập trung; đất chăn nuôi tập trung; khu nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp công nghệ cao; rà soát việc sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp có nguồn gốc từ các nông, lâm trường…

PV: Luật Đất đai 2024 đã có quy định về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng đa mục đích nhằm nâng cao giá trị từ đất đai và góp phần tăng thêm thu nhập, giá trị kinh tế cho người dân, ông có thể cho biết cụ thể các quy định này?

Ông Lê Văn Bình: Đây là một quy định mới của Luật Đất đai 2024 vì trong quá trình sử dụng đất trước đây chúng ta quy định mục đích sử dụng đất hơi cứng, tức là đất nông nghiệp phân ra nhiều loại là đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng cây lâu năm…. Ví dụ: đất trồng lúa phân ra là đất chuyên trồng lúa, một vụ, hai vụ… trong khi thực tiễn cuộc sống hiện nay các quan hệ xã hội và phương thức sản xuất thay đổi rất là nhanh chóng. Người sử dụng đất được giao một mảnh đất, người ta có thể sử dụng rất nhiều mục đích để phát huy khả năng sinh lợi của đất, làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Như vậy, nếu cứ quy định cứng vào một mục đích sẽ không phát huy được khả năng của đất.

Do đó, tại Điều 218, Luật Đất đai 2024 đã quy định về đất kết hợp đa mục đích. Đối với đất nông nghiệp, quy định này có ý nghĩa rất lớn, tạo sự chủ động cho người nông dân, doanh nghiệp được sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với một số mục đích khác như: chăn nuôi, trồng cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản, thậm chí, thương mại, dịch vụ.

Ví dụ, một người nông dân có cánh đồng đẹp, nhiều khách du lịch đến tham quan, người dẫn có thể là xin sử dụng một diện tích nhỏ để kết hợp làm một cái nhà tạm, một quán cà phê, hay một nơi phục vụ ngắm cảnh, quay phim, chụp ảnh... Hoặc trên cánh đồng, khu rừng, một doanh nghiệp muốn trồng một cột ăng ten có diện tích chỉ 10m2 nhưng phải xin thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thì rất phức tạp. Do đó, theo quy định này thì doanh nghiệp có thể ký hợp đồng thuê đất với người dân để dựng cột và không ảnh hưởng gì đến mục đích chính của thửa đất.

Tôi cho rằng, những quy định này sẽ tạo thuận lợi cho người sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, làm gia tăng giá trị quyền sử dụng đất cũng như phát huy các khả năng sinh lời của đất.

8a.jpg
Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp

PV: Được biết, Bộ TN&MT được Chính phủ giao xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, trong đó có hướng dẫn cụ thể về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Ông có thể cho biết, Dự thảo đã có những hướng dẫn cụ thể nào để các tổ chức, cá nhân thực hiện?

Ông Lê Văn Bình: Bộ TN&MT Dự thảo Nghị định theo hướng khẳng định việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp là quyền dân sự mà Luật Đất đai ghi nhận và thực hiện theo thỏa thuận của các bên chứ không phải quan hệ hành chính và Nhà nước chỉ tác động vào quan hệ bằng những biện pháp khuyến khích.

Ví dụ, nếu ở địa phương có một dự án đất nông nghiệp lớn, doanh nghiệp muốn tập trung đất nông nghiệp thì địa phương sẽ tuyên truyền, vận động người dân tham gia dự án và doanh nghiệp thực hiện dự án cũng phải giới thiệu, quảng bá về dự án và những lợi ích mang lại để người dân thỏa thuận tham gia bằng các hình thức như: chuyển đổi, góp quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất…

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định khi tập trung đất nông nghiệp phải có phương án sử dụng đất gồm các nội dung cụ thể và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Còn Nhà nước sẽ xử lý các diện tích đất công trong khu vực tập trung đất nghiệp. Như tại dự án nông nghiệp, doanh nghiệp được thiết kế lại hệ thống giao thông thủy lợi nhưng không làm ảnh hưởng tới hệ thống chung, phải thỏa thuận với người dân về diện tích thừa, hoặc thiếu khi gom các đường nhỏ thành đường lớn thì người dân phải đóng vào bao nhiêu m2. Khi Nhà nước đo đạc cấp lại giấy chứng nhận theo phương án mới, như vậy khi dự án không hoạt động nữa, người dân được trả lại đất vẫn có những thửa đất lớn, hệ thống giao thông, thủy lợi hiện đại.

Còn đối với tích tụ (nhận chuyển nhượng, góp vốn) thì người dân không còn quyền sử dụng doanh nghiệp có thể thiết kế theo yêu cầu và không ảnh hưởng tới hạ tầng chung thì được Nhà nước cho phép.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp: Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO