Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chưa hạ nhiệt
Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên bắt đầu từ giữa năm 2020 và càng đến gần cuối năm, giá càng tăng mạnh. Đến nay, giá nhiều loại ngũ cốc như: ngô, đậu tương chưa có dấu hiệu đi xuống. Theo số liệu thống kê, trong tháng 4/2021, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho ngành công nghiệp chế biến tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2020, tính chung 4 tháng đầu năm nay tăng 8,79%; giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tăng 1,26% và tăng 5,09%, tính chung 4 tháng tăng 3,6%.
Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó. Ảnh minh họa |
Các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu, tiếp đến là những người nông dân, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt với người chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
Theo Tổng cục Thống kê, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm; chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao từ việc thiếu tàu biển và container ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; biến đổi khí hậu làm mất mùa.
Bên cạnh đó, một số nước chuyển hướng đầu tư nông sản và Trung Quốc tăng thu mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi làm cho giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng. Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ nhập khẩu (chiếm khoảng 80%-85%), giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2021 tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2020 nên ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước.
Để khắc phục những khó khăn hiện tại, Tổng cục Thống kê cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường dự trữ nguyên liệu cho sản xuất, tránh trình trạng thiếu hụt khi giá tăng cao. Mặt khác, kết hợp với việc dự trữ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cần chủ động tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có cho thức ăn chăn nuôi trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu như khô hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu cũng như giảm chi phí vận chuyển, lưu kho bãi để giảm giá thành, đảm bảo nguồn cung, ổn định sản xuất trong nước.
Giá sắt, thép tăng vọt
Cùng với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, các nhà thầu, doanh nghiệp ngành xây dựng, người dân đang xây nhà cũng phải đối mặt với giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, chưa có dấu hiệu giảm.
Chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép đã tăng 23,15% trong 4 tháng đầu năm 2021. Ảnh minh họa |
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất công nghiệp tháng 4/2021 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 4 tháng đầu năm nay tăng 0,8%. Trong đó, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm kim loại tháng 4/2021 tăng 2,25% so với tháng trước và tăng 11,18% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 4 tháng tăng 7,7%. Trong nhóm sản phẩm kim loại, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4/2021 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 23,15%.
Nguyên nhân tăng giá nhóm sản phẩm sắt, thép được cho là do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng. Tính đến ngày 6/4/2021, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020, tác động làm tăng giá sắt, thép trong nước.
Bên cạnh đó, nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng tại khu vực Đường Sơn kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt. Đồng thời, chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường phế liệu toàn cầu năm 2021 sau khi Trung Quốc kiểm soát được dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng mở đầu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), theo đó nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng và tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, sản xuất phục hồi, hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép, các công trình xây dựng gấp rút triển khai, đồng thời tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình… Những yếu tố này tác động giá sắt, thép trong nước tăng mạnh. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng sắt, thép trên thị trường cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá thép tăng cao cộng với nguồn cung khan hiếm khiến tiến độ xây dựng các dự án bị chậm, giá thành xây dựng cao ngoài dự tính, hiệu quả xây dựng của nhà thầu giảm. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng đột biến sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí nhiều đơn vị lâm vào cảnh thua lỗ.