Rừng thông phòng hộ tại xã Ia Kênh, huyện Chư Prông (Gia Lai) xen lẫn là rẫy cà phê mới trồng của người dân. Bên cạnh những gốc thông đã bị khoét vỏ dưới gốc, đốt gốc chờ chết hoặc đã bị đốn hạ ngã nghiêng là những cây cà phê, tiêu mới trồng đang phát triển xanh tươi. Nhiều khoảng rừng khác trơ trọi các gốc thông bị cháy đen, thân cây vẫn còn ngổn ngang.
Trao đổi với chúng tôi, anh Ver (trú tại làng Sor, xã Ia Kênh) đang cùng vợ tưới nước cho diện tích cây cà phê mới trồng, thừa nhận: Mấy cây thông xung quanh rẫy do anh chặt đẽo gốc, sau gần 1 năm thông sẽ chết dần, khi đó anh sẽ chặt hạ lấy đất làm rẫy. Cán bộ bảo vệ rừng có nhắc nhở, nhưng anh Ver vẫn chiếm đất rừng vì hiện gia đình anh đang thiếu đất sản xuất.
Việc phá rừng thông để lấy đất sản xuất là thực tế đã xảy ra ở nhiều rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Chỉ riêng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đến nay đã phát hiện có 26 ha rừng thông bị người dân lấn chiếm để lấy đất sản xuất. Đặc biệt, việc phá hoại rừng thông được các đối tượng thực hiện lén lút nên không bị ngành chức năng phát hiện, bắt quả tang để xử lý.
Ông Nguyễn Tất Thành - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cho biết: Việc cây thông bị đẽo gốc chết để chiếm đất đã được nhân viên đi tuần tra phát hiện từ nhiều năm trước. Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để tuyên truyền đến người dân về lợi ích của rừng và tác hại khi lấn chiếm đất rừng.
“Giải pháp trước mắt, Ban Quản lý sẽ lập biên bản hiện trường, sau đó sẽ đến từng nhà vận động để các hộ trả lại đất lấn chiếm. Theo kế hoạch, trong 3 năm 2016 - 2019, Ban phải thu hồi 26ha đất rừng bị lấn chiếm. Đến nay, Ban đã thu hồi được hơn 3ha. Số diện tích còn lại sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện trả. Cuối cùng mới tiến hành cưỡng chế thu hồi”, ông Thành cho biết thêm.