Suối Hội Phú bắt đầu từ xã Diên Phú chảy về xã Trà Đa (TP. Pleiku) với tổng chiều dài 15,89 km. Trong đó, đoạn suối chính dài 6,25 km chảy qua trung tâm TP. Pleiku bắt đầu từ cống Ia Sol (đường Lê Thánh Tôn, phường Ia Kring) chảy xuyên qua các phường trung tâm như: Hội Phú, Hội Thương, Hoa Lư, Phù Đổng. Năm 2004, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Dự án Quy hoạch xây dựng suối Hội Phú để cải tạo môi trường, tạo cảnh quan đô thị và tăng thêm quỹ đất cho thành phố…
Tuy nhiên, đến nay đã nhiều năm trôi qua nhưng dự án mãi vẫn chưa được triển khai, còn dòng suối thì đứng trước nguy cơ trở thành dòng suối “đen” giữa lòng Phố núi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước ngầm, nước mặt và môi trường sống của hàng ngàn hộ dân.
Tiêu biểu như đoạn suối chảy qua con hẻm 226, đường Quyết Tiến (phường Ia Kring, TP Pleiku). Nơi đây chỉ có khoảng gần chục hộ gia đình sinh sống nhờ chăn nuôi heo, gà và trồng rau nhưng cả đoạn suối đã bị phủ đầy bởi rác thải sinh hoạt. Hơn thế, nước phân heo từ khu chăn nuôi của người dân chưa qua xử lý cứ thế được dẫn cho chảy thẳng xuống suối, đây cũng là nơi đặt nhiều ống xả hầm cầu nhà dân, khiến nước suối đã chuyển màu và sủi bọt thành mảng trên mặt nước.
Bà Ngô Thị Bình, một người dân ở gần đoạn suối trên than phiền: “Ngày nào chúng tôi cũng phải ngửi mùi phân heo hôi thối, nhất là những ngày nắng nóng, mùi lại càng nặng. Con suối giờ chỉ thấy toàn là rác. Mùa khô, suối ít nước, rác không trôi theo dòng được nên tắc lại, bốc mùi khủng khiếp. Cứ vài ngày tôi lại phải ra cống để khơi thông, cực lắm!”.
Theo bà Bình, rác thải tại khu vực này bị người dân xả hết xuống cống chứ không hề thu gom và đổ theo quy định. “Họ không chịu nộp tiền thu gom rác nên hiện nay, khu vực này xe rác không thu gom nữa. Ngày nào tôi cũng phải canh giờ người ta nhặt rác để đem rác đi đổ. Còn những hộ khác, họ cứ đẩy hết xuống cống thôi”.
Sự thiếu ý thức của nhiều hộ dân khiến môi trường xung quanh suối bị ô nhiễm, còn người dân phải sống chung với ô nhiễm nhưng dường như vẫn chưa thể nhận thức hết những tác hại của nó. “Nước giếng nhà tôi mới đây đã bốc mùi y như mùi phân heo và không thể sử dụng được nữa. Khu vực này lại chưa có hệ thống nước máy nên hiện tại, gia đình tôi phải kéo ống xin nước ở nhà hàng xóm. Nếu cứ tình trạng xả rác vô tội vạ như hiện nay, trong tương lai gần các giếng khác cũng sẽ không thể dùng được nữa. Nguy cơ mắc bệnh tật là rất cao”, bà Bình lo lắng.
Theo nhiều người dân, trước đây suối rất rộng, chỉ có một dòng chảy từ thượng lưu khu vực phường Ia Kring xuôi xuống phía Hoa Lư. Nhưng vài năm trở lại đây tình trạng người dân xả rác bừa bãi, cộng thêm với lượng nước thải sinh hoạt và nước mưa thu từ các cống trong thành phố đều đổ dồn về đây, nhất là tình trạng một số hộ cố tình xây dựng lấn chiếm khiến lòng suối ngày càng thu hẹp, cây cối mọc um tùm xung quanh. “Mưa xuống thì ngập úng, nước bẩn tràn cả vào nhà. Còn mùa nắng, nếu lượng nước thải quá nhiều suối có thể đổi dòng chảy ngược về thượng nguồn, gây ô nhiễm môi trường sống của nhân dân trong khu vực”, một người dân chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Tấn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring (TP. Pleiku) thừa nhận: “Vấn đề ô nhiễm suối Hội Phú đã có từ nhiều năm nay mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của các hộ dân xung quanh khu vực suối. Phường đã nhiều lần kiểm tra và lập biên bản xử lý những hộ vi phạm, bắt họ phải có hệ thống xử lý nước phân heo trước khi thải ra môi trường nhưng vì đời sống người dân còn nghèo, nhận thức về môi trường lại không cao nên mãi mà vẫn chưa thực hiện. Phường cũng thường xuyên đến vận động bà con giữ gìn nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường và đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định nhưng hiệu quả chưa cao”.
“Suối Hội Phú nằm tại vị trí giáp ranh giữa phường Ia Kring và một số phường trung tâm thành phố nên việc bảo vệ con suối khỏi ô nhiễm môi trường cần phải có sự phối hợp giữa các đơn vị. Đặc biệt, chúng tôi rất mong tỉnh Gia Lai sớm triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch cải tạo con suối này để thành phố thêm đẹp, môi trường thêm xanh”, ông Nghĩa nói thêm.
Suối tự nhiên giữa thành phố đáng ra là một lợi thế để cải tạo môi trường, phát triển đô thị xanh, tạo cảnh quan đẹp mắt. Thế nhưng, nếu không biết tận dụng và để nó biến thành một dòng chảy “đen” thì thật đáng tiếc. Mong rằng ngành chức năng tỉnh Gia Lai sớm có giải pháp nạo vét, khơi thông khắc phục tình trạng ô nhiễm tại con suối này. Trên hết, cần lắm ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta.
Bài & ảnh: Quế Mai