Gia Lai: Cảnh báo lừa chiếm đoạt quyền sử dụng đất trong đồng bào dân tộc thiểu số

Quế Mai| 04/03/2022 10:47

(TN&MT) - Tin tưởng giao "bìa đỏ" đất cho một cá nhân để nhờ làm thủ tục vay vốn, cho thuê đất sản xuất, nhiều hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah (Gia Lai) đứng trước nguy cơ mất đất, khi toàn bộ giấy tờ đất đai đã được sang tên cho người khác.

20220224_171122.jpg
Vợ chồng ông Don chưa được đứng tên nhà mới, trong khi đất và nhà cũ đã được chuyển sang tên người khác


Được bố mẹ cho mảnh đất rộng 4.600m2, vợ chồng ông Hưch (làng Xóa, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) đã làm bìa đỏ đứng tên mình và canh tác cà phê trên đất nhiều năm nay. Đến năm 2018, do điều kiện gia đình khó khăn nên ông Hưch đã cho bà Vũ Thị Hằng (làng Xóa, xã Chư Đăng Ya) thuê 5 sào đất trồng cà phê trong 10 năm với giá 100 triệu đồng.

Đến ngày 12/01/2022, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Pah xuống kiếm tra và thông báo, ông Hưch mới biết thửa đất trên của ông đã được chuyển quyền sử dụng đất sang tên của bà Hằng từ tháng 8/2020 và hiện đang tiếp tục làm hồ sơ sang nhượng cho người khác.

“Chúng tôi quen biết bà Hằng từ lâu. Năm 2016, chúng tôi có đưa bìa đỏ nhờ bà Hằng làm thủ tục vay vốn ngân hàng, nhưng sau đó bà Hằng trả lại bìa đỏ và báo không làm được. Vì vậy, tôi vẫn tin tưởng, đưa bìa đỏ cho bà Hằng để nhờ đổi bìa mới. Đến khi, cán bộ xã và huyện về làm việc, tôi mới biết bà Hằng đã nhờ bố mẹ vợ của tôi là ông Ký và bà HNgut lăn vân tay để chứng thực hợp đồng chuyển nhượng đất của tôi sang tên bà Hằng”, ông Hưch bức xúc nói.

Cũng tại làng Xóa, gia đình ông Don cũng bất ngờ khi biết mình bị bà Hằng lừa mất đất. Ông Don kể, ông có thửa đất rộng 972,6m2, trong đó có 400m2 đất ở, nằm ngay tuyến đường chính của xã Chư Đăng Ya. Nhưng khu vực đất này nhiều đá, không thể đào giếng nên rất khó khăn về nước sinh hoạt.

Đầu năm 2020, khi bà Hằng ngõ ý muốn đổi đất với ông Don ở vị trí khác, cách nhà cũ 2km nhưng thuận lợi việc đào giếng nước, ông Don đồng ý. Theo thỏa thuận, bà Hằng xây 01 căn nhà cấp 4, đào giếng và đưa thêm cho ông Don 30 triệu đồng. Mặc dù đã chuyển về nhà mới ở vào 6/2020, nhưng đến nay ông Don vẫn chưa được bà Hằng chuyển quyền sử dụng đất mới. Trong khi đó, bìa đỏ đất và nhà cũ của ông Don đã được chuyển tên sang cho bà Hằng và đang được bà Hằng làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho người khác.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Chư Pah đã xảy ra nhiều trường hợp người đồng bào DTTS bị lừa mất đất. Ông Hoàng Anh Tuệ - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai (ĐKĐĐ) huyện Chư Pah cho biết, đầu năm 2022, Văn phòng ĐKĐĐ phát hiện có 04 trường hợp tại xã Chư Đăng Ya bị cùng một đối tượng là bà Vũ Thị Hằng lợi dụng thuê đất, hoán đổi đất để chuyển quyền sử dụng đất sang cho mình.

20220224_163653.jpg
Bà HMyưm đã đưa hơn 10 triệu đồng và bìa đỏ của gia đình nhờ bà Hằng đổi tên nhưng mấy năm nay vẫn chưa nhận lại bìa đỏ

“Trong năm 2021, bà Hằng rất nhiều lần thực hiện các giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất và các lô đất đều không chính chủ. Ngày 17/01/2022, bà Hằng tiếp tục làm hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất đối với các lô đất trên nên Văn phòng ĐKĐĐ huyện Chư Pah đã tiến hành xác minh thực tế. Qua đó, phát hiện các lô đất này đều là đất của người đồng bào DTTS bị bà Hằng lợi dụng, lừa để chiếm đất. Ngoài ra, bà Hằng còn làm giả 01 bìa đỏ đất của mình đem đi thế chấp bên ngoài để vay tiền. Chúng tôi đã báo cáo lên UBND huyện Chư Pah để có hướng xử lý”, ông Tuệ nói.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Nay Kiên - Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết: Liên quan đến vụ việc làm giả sổ đỏ và lừa người DTTS xã Chư Đăng Ya cho thuê đất, hoán đổi đất rồi chiếm đất, UBND huyện Chư Pah đã chỉ đạo dừng mọi giao dịch liên quan đến các thửa đất trên; đồng thời, chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xác minh.

Theo ông Kiên, người dân khi thực hiện các giao dịch về đất đai phải có người bản địa hiểu rõ về quyền và lợi ích của các bên để đọc lại nội dung hồ sơ trước khi chứng thực, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa chiếm đất. Các giao dịch cũng nên thực hiện thông qua cơ quan nhà nước; không sử dụng giấy tờ ký tay; người dân có nhu cầu vay vốn nên thực hiện qua kênh chính thống, ngân hàng để đảm bảo an toàn.

“Văn phòng ĐKĐĐ cũng cần nâng cao hoạt động kiểm tra, xác minh trước khi làm các thủ tục liên quan đến đất đai, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những đối tượng xấu, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người đồng bào DTTS địa phương, thông qua việc thuê đất, hoán đổi đất để lừa chiếm đoạt quyền sử dụng đất trái pháp luật”, ông Kiên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Cảnh báo lừa chiếm đoạt quyền sử dụng đất trong đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO