Mô hình đô thị kiểu mẫu
Ngày 3/10 vừa qua, cử tri quận Thủ Đức (TP.HCM) đã đến các trụ sở khu phố để bỏ phiếu cho ý kiến về việc thành lập “thành phố Thủ Đức”. Theo đó, 99,35% cử tri của quận Thủ Đức đã tham gia bỏ phiếu về việc thành lập “thành phố Thủ Đức”. Kết quả, đối với việc sắp xếp quận 2, 9 và quận Thủ Đức thành “thành phố Thủ Đức” là 98,11% cử tri đồng ý, đối với việc đặt tên là “thành phố Thủ Đức” là 97,68% cử tri đồng ý.
Đề án cũng điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP.HCM và quy định nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận, phường. Nghị quyết của Quốc hội được ban hành sẽ cơ cấu tổ chức của các quận, phường gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt, cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi trị trí việc làm.
Nhân sự của UBND cấp quận, cấp phường đều thực hiện chế độ bổ nhiệm nên thuận lợi trong chỉ đạo điều hành các công việc hành chính trên địa bàn, linh hoạt hơn trong công tác cán bộ. Thực hiện tinh giản biên chế, giảm phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND và phụ cấp đại biểu HĐND ở quận và ở phường; góp phần cải cách hành chính, giảm bớt trình tự, thủ tục trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương quận, phường, giảm thời gian giải quyết công việc.
Bất động sản các quận được sáp nhập trong Đề án thành lập “thành phố Thủ Đức” đang có hiện tượng “sốt” giá |
Giá đất khu Đông tăng “nóng”
Từ giữa năm 2019, thông tin thành lập “thành phố Thủ Đức” đã khiến giá đất ở các quận 2, 9 và quận Thủ Đức (TP.HCM) rục rịch tăng. Người dân ở các quận nói trên háo hức chờ ngày chính thức được công nhận trở thành một thành phố mới trong tương lai. Còn giới đầu cơ nhà đất đã ráo riết “săn” lùng và giao dịch các khu đất, căn hộ, nhà phố để chờ thời bán lại với giá hời. Điển hình, giá đất tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức nằm trong Kế hoạch sẽ làm khu đô thị trung tâm của “thành phố Thủ Đức” đã xuất hiện hiện tượng tăng giá nhà, đất lên từng ngày.
Ông Trần Văn Thời (42 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) - chủ một công ty môi giới nhà đất có tiếng ở khu vực này cho biết: Trước đây, tại phường Trường Thọ, ít được chủ đầu tư, giới đầu cơ chú ý đến do nằm gần các nhà máy, cụm cảng. Cơ sở hạ tầng thì chưa phát triển, nên nhiều khu đất có diện tích lớn vẫn còn khá nhiều. Nếu như trước đây, một căn “nhà nát” tại khu vực này có diện tích khoảng 100 m2 thì giá chỉ dao động khoảng 5 tỷ đồng nhưng nay đã tăng lên hơn 7 tỷ đồng.
“Còn ở khu vực lân cận quận Thủ Đức là quận 9 thì tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Oai, Lò Lu, Nguyễn Xiển…, giá đất trước kia nằm ở mức khoảng 30 triệu đồng/m2 thì nay đã gần 70 triệu đồng/m2. Riêng tại quận 2 thì không bàn tới, bởi hầu hết các khu vực quận này lâu nay chỉ dành cho giới nhà giàu tới ở. Có thể nói, giá đất ở quận Thủ Đức và quận 9 hiện đang biến động theo từng ngày và không có một “ba rem” nào nhất định” - ông Trần Văn Thời cho biết thêm.
Chuyên gia Kinh tế Lê Chí Nhân cho rằng: Việc sáp nhập 3 quận trở thành một thành phố mới trong tương lai sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, hạ tầng, nhà đất tăng là điều hiển nhiên. Song, người mua cũng cần cân nhắc trước khi xuống tiền “gom” nhà, đất và nhà phố theo kiểu chạy theo phong trào. Trước đây, đã có không ít bài học “nhãn tiền” về hiện tượng sốt giá đất rất nhiều khu vực ở TP.HCM và các tỉnh lân cận một thời gian rồi chững lại, “chết lâm sàn”, khiến người mua “dở khóc dở cười”.