Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí nhưng EVN vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến, kết quả năm 2022 EVN lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng. Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức . Để hoàn thành 2 nhiệm vụ hết sức nặng nề đó là đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính, EVN đã đề ra chủ đề năm là "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí".
Trong bối cảnh biến động giá nhiên liệu trên thị trường có tần suất và biên độ ngày càng lớn, theo chiều hướng gia tăng; tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến khó lường; những cơ chế, chính sách về phát triển các loại hình nguồn điện, huy động và sử dụng tài chính có nhiều thay đổi… EVN đã quán triệt sâu sắc định hướng chung của Đảng và Chính phủ đó là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chỉ tính riêng năm 2022, EVN đã tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20 - 30% chi phí sửa chữa lớn… nhờ đó đã tiết giảm chi phí là hơn 9.700 tỷ đồng; thực hiện các giải pháp tối ưu hóa dòng tiền, đạt hơn 7.900 tỷ đồng; vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nhà máy điện có chi phí thấp, giúp giảm chi phí mua điện gần 15.845 tỷ đồng… Tổng các khoản EVN đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí là 33.445 tỷ đồng. Mặc dù đã nỗ lực cố gắng nhưng EVN vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến, nên kết quả năm 2022, EVN vẫn mất cân bằng tài chính rất lớn.
Theo Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân, năm 2022 tổng doanh thu của EVN đạt hơn 460.000 tỷ đồng. Mặc dù sản lượng và doanh thu đều tăng trưởng khá tốt, các nguồn thủy điện giá rẻ được huy động phát rất cao, cùng với việc EVN và các đơn vị đã triệt để tiết kiệm chi phí, nhưng EVN vẫn ước lỗ hơn 31.000 tỷ đồng. Nguyên nhân khách quan do giá than nhập khẩu tăng cao đột biến khiến chi phí mua điện tăng rất cao. Sau 10 năm sản xuất kinh doanh có lợi nhuận, đây là năm EVN lỗ lớn gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam trong thời gian tới.
Năm 2023 và những năm sắp tới dự báo sẽ có nhiều thách thức đối với ngành điện. EVN đã xác định năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là hết sức nặng nề trong cả 2 khía cạnh đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Vì vậy EVN sẽ tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo các dự án đầu tư nguồn lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; đẩy nhanh chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian tới, EVN đã lựa chọn chủ đề năm 2023 là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” với mục tiêu tiếp tục là một trong các đơn vị đi đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và thực hành sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đến khách hàng và cộng đồng. Phát huy cao nhất mọi nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để đảm bảo khả năng cân đối tài chính năm 2023, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước. Phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, thiên tai, bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 về thực hiện lộ trình đạt phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Theo đó, 5 lĩnh vực trọng tâm EVN đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 gồm: sản xuất kinh doanh; đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng tài sản; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.
Bên cạnh đó, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII; Sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Đông thời Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chấp thuận cho EVN được ký hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn cho Dự án NMNĐ Quảng Trạch I.
Để giảm bớt khó khăn, đảm bảo cân bằng tài chính, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định, áp dụng cơ chế thị trường với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi. Tăng cường khai thác than trong nước đáp ứng cho nhu cầu sản xuất.