z4047883633465_0197ab239afbc8f2bd69a88e96b99d19.jpg

1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định là: Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trọng tâm là phát triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy để hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống.

z4047883753997_0fb7840452092f7eeb990b31b1dd4f1b(2).jpg

Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững

Trấn Yên là huyện đầu tiên của khu vực Tây Bắc được Thủ tướng công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Thực hiện Nghị quyết số 20 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Trấn Yên đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 34 cụ thể hóa Nghị quyết số 20 thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ, biện pháp để triển khai trên địa bàn huyện.

Ông Trần Đông - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân tham gia, đầu tư phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM”.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trấn Yên xác định chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Huyện đã xây dựng Đề án Phát triển các sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Đến hết năm 2022, Trấn Yên đã phát triển được 33 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; trong đó, đạt tiêu chuẩn 4 sao 1 sản phẩm (Quế điếu thuốc của Hợp tác xã Quế hồi xã Đào Thịnh), 32 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. 100% xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP.

Huyện cũng đã xây dựng Đề án huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM nâng cao gắn với đô thị hóa, giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM, huyện NTM; kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện. Huyện tiếp tục duy trì 100% xã đã đạt chuẩn NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2022, thực hiện 25 thôn NTM kiểu mẫu, 4 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025. Trấn Yên đặt mục tiêu phấn đấu sớm đưa huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM nâng cao gắn với đô thị hóa vào năm 2024.

z4047883676469_a216342f01f06490cde6d68910839ac2.jpg

Phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường

Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 29 ngày 24/1/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường, giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Mai Mộng Tuân - Bí thư Huyện ủy Văn Chấn cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 29, Huyện ủy, UBND huyện Văn Chấn đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động; chỉ đạo phòng Kinh tế và Hạ tầng, Công an huyện, Đội Quản lý thị trường, Chi cục Thuế, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những doanh nghiệp công nghiệp vi phạm pháp luật, buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về môi trường… tạo môi trường lành mạnh, an toàn để doanh nghiệp công nghiệp sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật”.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 của huyện Văn Chấn ước đạt 1.463 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010) - tăng 3,0% so với năm 2021, đạt 103,0% kế hoạch được giao. Chế biến chè là một ngành chủ yếu và mang tính bền vững trong phát triển công nghiệp nông thôn, chiếm 32,5 % tổng giá trị sản xuất công nghiệp của huyện hằng năm.

Giá trị năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 423,9 tỷ đồng, năm 2022 ước đạt 430 tỷ đồng. Đến hết tháng 11 năm 2022, trên địa bàn huyện có 80 đơn vị tham gia lĩnh vực sản xuất chế biến chè (bao gồm: 8 công ty cổ phần, 22 công ty TNHH, 27 doanh nghiệp tư nhân 27 và 23 hợp tác xã) - tăng 7 đơn vị so với năm 2020.

Năm 2021, trên địa bàn huyện có 12 dự án thủy điện (5 dự án đã đi vào hoạt động, còn lại đang thi công và khảo sát lập dự án), tổng công suất thiết kế 224,7 MW. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn có 13 dự án thủy điện với tổng công suất thiết kế 240,5MW. Sản lượng điện thương phẩm năm 2022 ước đạt 570 triệu kW.

Văn Chấn sẽ tiếp tục tập trung phát triển, khuyến khích tổ chức lại mô hình sản xuất theo hướng chế biến sâu, gắn với vùng nguyên liệu như sản xuất, chế biến nông, lâm sản, khoáng sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào những lĩnh vực có thế mạnh, lợi thế, gắn với bảo vệ môi trường

z4047883734733_45da8c7286a3bcbf43ba2c69964a154e.jpg

Phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn

Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX ban hành Nghị quyết số 28 ngày 24/2/2021 về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Nghị quyết, một trong những quan điểm đặt ra là: Phát triển du lịch bền vững, trên nền tảng tăng trưởng xanh… Một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là tiếp tục đầu tư xây dựng, hình thành và phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Vùng du lịch miền Tây của tỉnh là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm đó.

Để cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết một cách có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, Huyện ủy Mù Cang Chải đã chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên và các di sản văn hóa trên địa bàn huyện.

Cùng đó, Huyện ủy Mù Cang Chải đã chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan chuyên môn bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện các giải pháp cơ bản có tính chất nền móng, động lực cho phát triển du lịch huyện nhà, xây dựng các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các xã, thị trấn làm cơ sở để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và định hướng phát triển du lịch nói riêng.

“Có thể thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 28 của Tỉnh ủy trên địa bàn huyện Mù Cang Chải được triển khai rất bài bản, khoa học, thống nhất từ trên xuống dưới. Các quan điểm và mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định rõ ràng, sát thực và có tính khả thi cao, đó chính là xương sống đảm bảo quan điểm phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh theo định hướng của Nghị quyết 28 của Tỉnh ủy Yên Bái” - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết.

Những nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết 28 của Tỉnh ủy Yên Bái trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho du lịch huyện nhà. Chính vì vậy, trong năm 2022, năm đầu tiên trở lại sau Covid-19, huyện đã đón được trên 350.000 du khách, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 270 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn huyện, giảm nghèo bền vững, hướng tới mục tiêu xây dựng huyện Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, là điểm đến “Bản sắc, an toàn, thân thiện”.

z4047883726551_19a478596fedef7e71eb1276facb05ce.jpg

Bài: Thanh Ngà

Thiết kế: Trần Hanh

Ảnh: Thanh Miền

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
[Emagazine] Yên Bái phát triển nhanh, bền vững - nền tảng xây dựng chỉ số hạnh phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO