Chúng tôi gọi những ngày này ở Yên Bái là những ngày dọn lụt. Khắp nơi, người người nhà nhà dọn hậu quả của trận lụt lịch sử. Dù bão lòng chưa thể nguôi ngoai nhưng bão rác, bão bùn… thì nhất định phải sớm đẩy lùi để phố phường nhanh chóng nhất trở lại sạch đẹp, để cuộc sống, sinh hoạt bình thường sớm trở lại.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm sớm đưa cuộc sống ổn định trở lại, khắc phục các vấn đề về môi trường, hạn chế tối đa nguồn phát sinh dịch bệnh…, những ngày qua, cùng với công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, Yên Bái đang huy động và chỉ đạo các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương, ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và nhân dân… tập trung triển khai vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt để phòng, chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả sau thiên tai, bão lũ.
Ngày 15/9/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh ký Công văn số 3320/UBND-VX. Công văn yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ, ngập lụt; xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt để phòng, chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả sau mưa lũ, ngập lụt, góp phần nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.
Như chúng ta chứng kiến, những ngày qua, những cơn lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt bao trùm lên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Sau khi lũ yên, nước rút, lượng bùn đất để lại rất lớn, bùn dày hàng chục xăng ti mét, cộng với rác thải, bùn lũ cũng biến rất nhiều đồ đạc trở thành rác khiến lượng rác thải tăng đột biến, tạo áp lực rất lớn lên công tác vệ sinh môi trường. Vì vậy, sau công tác cứu hộ cứu nạn thì một trong những nội dung cần ưu tiên lúc này là huy động tổng lực tập trung dọn vệ sinh môi trường.
Những ngày qua, tỉnh Yên Bái đã huy động lực lượng chính quy gần 105.000 người phục vụ cho công tác vệ sinh môi trường. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Hạnh - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái (đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của TP. Yên Bái) cho biết: Máy móc cũng được huy động tối đa để hỗ trợ sức người. Ngoài sử dụng 4 xe chuyên dụng sẵn có, Công ty đã thuê thêm 10 xe có trọng tải từ 6 - 10 tấn để vận chuyển rác. Về nhân lực, đơn vị đã huy động toàn bộ 200 công nhân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, mỗi ngày công nhân của Công ty thay nhau làm việc từ 6 giờ sáng cho đến 9, 10 giờ đêm.
Cũng như nhiều gia đình trên địa bàn thành phố, 80% cán bộ, công nhân viên của Công ty cũng trong tình cảnh bị ảnh hưởng, nhiều nhà bị ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, họ luôn xác định ưu tiên tất cả cho việc công, việc chung, vì thế, mỗi người đều phải tự sắp xếp công việc riêng tư của mình, nỗ lực cùng thành phố dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Dọn tới đâu, các đơn vị y tế của tỉnh tổ chức phun thanh khiết môi trường tới đó, ưu tiên các tuyến phố ngập úng lâu, các khu vực chợ, trường học… thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước sinh hoạt; Cấp phát Clorramin B và hướng dẫn người dân khử trùng nước sinh hoạt. Tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng tại các khu vực bị ngập sâu, hướng dẫn người dân vệ sinh nhà cửa, vệ sinh cá nhân và ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sát cánh cùng anh chị em công nhân Công ty CP Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái đang làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải, Giám đốc Sở TN&MT Trần Ngọc Luận đề nghị đơn vị cố gắng phân loại bùn đất riêng và rác thải, đồ dùng sinh hoạt riêng để thuận tiện cho việc thu gom và vận chuyển. Ông cũng lưu ý anh em công nhân sau khi thu gom, cố gắng tập kết tại các địa điểm phù hợp thuận lợi cho việc bốc xúc, vận chuyển, đặc biệt tránh khu dân cư, khu công cộng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Với phương pháp nước rút đến đâu tập trung thu gom, vận chuyển và xử lý môi trường đến đó, một số tuyến đường khi nước rút đã được đơn vị khắc phục khẩn trương. Tuy nhiên, công tác dọn dẹp thu gom không tránh khỏi khó khăn, bởi nhiều tuyến đường sau khi dọn xong lại xuất hiện rác và bùn đất do người dân thu dọn, vệ sinh nhà cửa. Trước thực trạng đó, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường đường phố được Công ty điều tiết lại, một mặt huy động nhân dân phối kết hợp cùng tham gia, dọn nhà dân trước dọn phố sau, dọn chỗ cao trước dọn chỗ thấp sau, Công ty và nhân dân cùng làm, vì thế đã khắc phục phần nào tình trạng loay hoay trong dọn dẹp.
Ghi nhận tại một số tuyến đường trên địa bàn phường Hồng Hà, tại tuyến đường Thanh Niên, Yết Kiêu, người dân vẫn đang cố gắng dọn dẹp bên trong nhà, tuy nhiên việc dọn dẹp đang rất khó khăn vì chưa có nước.
Bà Nguyễn Thị Ngọc ở đường Yết Kiêu chia sẻ: “Yết Kiêu hiện giờ vẫn ngổn ngang trong bùn đất. Tuyến đường này bị ngập sâu và ngập lâu, trước mắt đang lo đồ ăn nước uống chứ chưa có tâm trạng và điều kiện lo dọn dẹp vì cũng chưa thể dọn được như các khu phố khác. Tuy nhiên chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn tinh thần khi nước và bùn rút là chúng tôi tổng vệ sinh ngay, nhìn các phố khác làm thì Yết Kiêu cũng sốt ruột lắm, mong mỏi lắm”.
Trừ những tuyến phố ngập lâu như Yết Kiêu, còn thì khắp nơi trên các tuyến đường, người dân đang tập trung dọn dẹp. Một vài chợ trung tâm mới lác đác họp, và dụng cụ đẩy bùn, xẻng, chổi ở đây đang trở nên khan hiếm và cần thiết vô cùng.
Những ngày qua, đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh và các địa phương trên cả nước hướng về vùng tâm lũ Yên Bái; rất nhiều lương thực, thuốc men cùng nhu yếu phẩm cần thiết đã đến với đồng bào Yên Bái sau lũ; nhưng lại thiếu dụng cụ đặc chủng như trang, cào, xẻng, chổi… để dọn bùn. Và nước, nước là thứ không thể mang từ nơi khác đến trừ nước sạch để ăn, uống, sinh hoạt, còn nước dùng cho lau rửa nhà, rửa đường và dụng cụ quả là hiếm hoi không kém gì đồ ăn nước uống lúc này.
Hôm nay, một số con đường ở Yên Bái vẫn phủ một lớp bụi mờ.
Hôm nay, nhiều con đường bùn đất và rác thải vẫn ngổn ngang.
Xe nhìn thấy nhiều nhất ở Yên Bái những ngày này là xe của các đoàn thiện nguyện trên khắp mọi miền đất nước và xe xử lý môi trường, khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ.
Không cấp tập như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, 11, 12 giờ đêm, người dân đã thu xếp nghỉ ngơi, xe cộ, máy móc cũng được thu dọn về vị trí tập kết. Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Đồng Tâm bảo, trai trẻ như các anh công nhân kia mà còn thở ra đằng tai nữa là cánh phụ nữ, thế nên phải giữ sức để dành cho ngày mai.
“Cuộc chiến đấu” này còn dài lắm. Giữ sức hôm nay và dưỡng sức cho ngày mai. Thế nhưng tiếng sáo ở đâu cứ vang lên trong đêm da diết. Sáo thổi khiến tôi không ngủ được, tôi hình dung lại cảnh bộ đội, công an, dân quân tự vệ, cán bộ chính quyền mắt trũng sâu, dầm mình trong lũ, tôi hình dung những đoàn người từ khắp mọi miền về trao hàng cứu hộ cho người dân. Hàng trao đi, người nhận khóc, người trao khóc, người chứng kiến cũng khóc.
Sáng, tôi cùng mấy anh em đồng nghiệp đi ra phố. Chợ Đồng Tâm còn đóng nhưng một số chợ chính đã mở, như chợ Yên Thịnh (km6), chợ Bến Đò. Các chợ tạm cạnh cầu Bách Lẫm cũng mở mấy ngày nay.
Hàng hóa thiết yếu đã cơ bản, chỉ hiếm rau xanh, thứ nhìn thấy nhiều là măng, trái đu đủ, chuối xanh, su su, bí đỏ bí xanh, khoai tây, cà rốt. Hiếm hoi là thế nhưng không có chuyện tăng giá. Nếu có chỉ là một chút tăng nhẹ không đáng kể. Cho nhau còn chẳng hết, nỡ lòng nào lại đẩy giá lên lúc này. Mà nữa, nếu địa phương nào để các cửa hàng, các chợ tăng giá đến tai quản lý, chính quyền thì chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm, không đùa được. Hàng phở cũng đã mở bán lại. Bà chủ tay gắp thêm bánh cho khách, miệng nói như dỗ: “Ăn thêm tí bánh đi. Phải ăn mới có sức khỏe mà làm việc, bùn đất thế này phải cật lực cả tuần chứ chả chơi”.
Nhưng, mỗi ngày, 1 con đường lại được bóc đi lớp bùn, lộ ra lớp nhựa trải đường màu ghi xám. Có những thứ màu vô cùng quen mắt, chỉ đến khi một sự kiện nào đó diễn ra và thay nó bằng một thứ màu khác thì ta mới nhận ra. Cũng như tình người trong bão lũ, bấy nay cứ ủ yên, mà khi gặp khốn khó, đã bật ra, bung ra, chia sẻ khó khăn, lao vào nguy hiểm, những ân tình trong bão lũ, Yên Bái xin mãi mãi biết ơn, ghi lòng tạc dạ. Hứa với cả nước, Yên Bái sẽ kiên cường trong bão lũ, kiên cường sau bão lũ. Đó là cách người Yên Bái thể hiện ơn mưa móc này…
Nhóm phóng viên Báo TN&MT chúng tôi lại tiếp tục đi thực tế trên “những tuyến đường đau khổ” của Yên Bái sau những ngày ngập lụt lịch sử. Máy móc, phương tiện đều thấm mệt, đang tạm nghỉ ngơi. Dù mới hơn 11 giờ đêm nhưng thành phố tịnh không một tiếng xe cẩu, tiếng máy ủi, tiếng xe rác gấp gáp như ban ngày. Chỉ còn những tiếng loẹt roẹt của lốp ô tô xe máy rẽ bùn vội vã trên các con phố. Những âm thanh não lòng trong đêm phố núi.
“Sao đi muộn thế, mệt rồi về nghỉ ngơi thôi em. Về giữ sức mai còn làm tiếp…” - câu nói của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái qua điện thoại khiến nước mắt tôi trào ra, nhòe ướt. Tôi phải tấp vội xe vào lề đường mấy phút vì nghẹn lòng, vì đôi chân không còn cảm giác, và vì bàn tay không còn có thể xoa nổi vô lăng để lái xe đi tiếp.
Nỗi vất vả của nhóm phóng viên Báo TN&MT từ Hà Nội được Ban Biên tập cử lên phố núi đưa tin sao thấm nổi với một đồng nghiệp của tôi là phóng viên thường trú Yên Bái khi nhà của cô dù trên đồi cao nhưng cũng bị nước tràn vào ngập gần hết tầng 1 khiến nhiều tài sản bị hư hỏng do không thể chạy kịp - điều mà cả gia đình cô và hàng xóm không bao giờ nghĩ đến. Và chúng tôi càng không thể đem chút vất vả của mình để so với hàng vạn người Yên Bái đã đang và còn rất vất vả để vượt qua trận lụt lịch sử này.
Sáng Chủ nhật 15/9, chúng tôi gọi nhau dậy thật sớm, ra đường tác nghiệp, ngỡ mình ra đường trước mọi người. Nhưng không, người Yên Bái, máy móc của Yên Bái, máy móc của Hà Nội và của nhiều nơi từ miền xuôi, miền ngược, từng đoàn người, đoàn xe từ thiện cả nước… lên hỗ trợ Yên Bái đã dậy từ lúc nào.
Tất cả đều hối hả, nối đuôi nhau mang theo cả tình cảm sự sẻ chia và hơn cả là Nghĩa đồng bào để vì một ngày mai, vì Yên Bái sớm trở lại như bản năng kiên cường của đất và người Yên Bái.
Ghi chép của VIỆT HÙNG - THANH NGÀ
Ảnh, video: THANH MIỀN - VIỆT HÙNG - ĐỨC TÂM
Trình bày: TÙNG QUÂN