Biển đảo

Duyên hải miền Trung: Phát triển đột phá từ kinh tế biển

Lan Anh - Đỗ Vương - Đông Duy (thực hiện) 19/06/2024 - 19:53

(TN&MT) - Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung được ví là mặt tiền biển của Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển. Để hiện thực ý tưởng, mục tiêu phát triển này, trong quy hoạch thời kỳ mới của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung đều thiết lập không gian biển dựa trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh

1(3).jpg
kinhtebien4.jpg

Dư địa lớn

Vùng Duyên hải miền Trung gồm 8 tỉnh, thành là: TP. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây là nơi tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như: Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định); có nhiều hệ thống cảng biển nước sâu như: Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn.

kinhtebien4.jpg
Bình Định có lợi thế lớn trong phát triển các ngành dịch vụ cảng biển - logistics, đô thị biển

Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, kinh tế biển khu vực duyên hải miền Trung đã có được những chuyển biến tích cực đặc biệt là các định hướng bảo vệ môi trường biển, đảo, vùng ven biển, theo tinh thần của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thay đổi tích cực đầu tiên có thể kể đến là hạ tầng cho kinh tế biển đã được cải thiện đáng kể, góp phần phá thế cô lập, tạo đà kết nối kinh tế ven biển giữa các vùng miền. Bước đầu hình thành chuỗi đô thị ven biển Nam Trung Bộ và hứa hẹn một số đô thị mới trong tương lai.

Đây cũng là khu vực có khả năng kết nối phát triển kinh tế giữa các vùng biển của Việt Nam và các trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực và thế giới; có nhiều vùng biển đẹp có tiềm năng phát triển du lịch biển; là nơi tập trung các mỏ khoáng sản như cát thủy tinh, sa khoáng tin tan, sa khoáng vàng, sắt nội sinh, vật liệu xây dựng; là đầu vào cho một số ngành công nghiệp. Tiềm năng phát triển thủy sản cả nuôi trồng và đánh bắt hải sản của khu vực này cũng rất đáng kể. Ngoài ra, còn phải kể đến tiềm năng năng lượng gió biển và sóng biển rất phù hợp để phát triển các ngành năng lượng sạch.

Thủy sản (bao gồm khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ nghề cá) là ngành kinh tế tốp đầu của vùng duyên hải miền Trung, góp phần giải quyết công ăn việc làm và ổn định đời sống cho khoảng 4% dân số của cả vùng.

Điển hình có thể kể đến tuyến đường ven biển nối TP. Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam được hình thành, kết nối từ Sơn Trà qua Điện Ngọc đến tận biển Cửa Đại (TP. Hội An). Về sau, tuyến đường biển này được ví von là “con đường 5 sao”, không chỉ vì quy mô xây dựng mà còn có sức hút đầu tư các khu resort, khách sạn biển, sân golf đẳng cấp. Hay tuyến đường kết nối ven biển từ Quy Nhơn đi Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), dài 33km mở “mạch máu” phát triển cho Quy Nhơn, về sau hình thành hàng loạt khu resort đẳng cấp quốc tế, kết nối với “thủ đô” nuôi trồng thủy sản miền Trung - thị xã Sông Cầu.

Bên cạnh đó, du lịch biển đảo duyên hải miền Trung đã có bước tiến rất rõ rệt. Tổng lượng khách đến các địa phương tăng theo hàng năm, trở thành nguồn thu quan trọng của các địa phương ven biển. Một số điểm đến hấp dẫn du khách như: Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận)…. Với các loại hình du lịch cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch lặn. Đặc biệt du lịch cộng đồng với homestay ở các đảo ven bờ là loại hình du lịch mới tạo sinh kế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Đây là những tiềm năng, lợi thế rất lớn để kinh tế biển duyên hải miền Trung phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển hiện còn nhiều vấn đề đặt ra như xung đột về lợi ích giữa kinh tế - xã hội và môi trường, giữa việc khai thác, sử dụng tài nguyên và cạn kiệt nguồn tài nguyên, giữa các ngành, giữa các địa phương với phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định…

Động lực tăng trưởng

Theo Quy hoạch Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực này tập trung phát triển kinh tế biển nhanh, bền vững, nhất là các ngành về dịch vụ, công nghiệp, du lịch biển, kinh tế hàng hải; phát triển các đô thị ven biển gắn kết hài hòa với khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản đi đôi với bảo vệ môi trường biển; phát triển công nghiệp ven biển và ngoài khơi, chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng biển, đặc biệt là từ nguồn năng lượng tái tạo gió ven bờ, gió ngoài khơi gắn kết với phát triển hệ thống cảng biển, nuôi biển giá trị cao ngoài khơi và một số lĩnh vực năng lượng mới. Nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển lên khoảng 50% GRDP của vùng.

kinhtebien-3.jpg
Tỉnh Quảng Nam sẽ định hướng phát triển kinh tế biển là động lực chính với một số ngành công nghiệp biển, du lịch biển và dịch vụ biển có tiềm năng.

Đến nay các khu, cụm công nghiệp ở 6 địa phương ven biển của tỉnh Quảng Nam đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong đó, Khu kinh tế mở Chu Lai được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, sân bay Chu Lai được quy hoạch theo tiêu chuẩn 4F, Cảng biển Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là cảng biển loại I, các Khu bến Kỳ Hà và Tam Hiệp đang được đầu tư mở rộng nhằm đảm bảo tiếp nhận các tàu vận tải có trọng tải lớn… đã thực sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân khu vực ven biển của tỉnh.

“Với đường bờ biển dài hơn 125km, Quảng Nam có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, địa phương không đánh đổi tài nguyên để phát triển kinh tế. Việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh được thực hiện theo hướng ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, hạn chế các dự án sản xuất gia công, khuyến khích các dự án ứng dụng thiết bị và công nghệ hiện đại và xuất khẩu, không chấp thuận đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thay đổi định hướng bố trí các ngành phù hợp với việc phân bố dân cư, sử dụng lao động hợp lý.”- ông Võ Như Toàn - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

Với chủ trương hướng mạnh ra biển, làm giàu từ biển, trong Quy hoạch tỉnh Bình Định, các ngành kinh tế biển được xác định là trụ cột của nền kinh tế tỉnh trong giai đoạn mới. Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của tỉnh. Nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển - logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh.

Hoạt động logistics sẽ được gắn với quá trình đô thị hoá, đồng bộ hóa kết nối giao thông và phát triển kinh tế. Trong đó, các tuyến đường sắt đô thị kết nối Quy Nhơn - Nhơn Hội - Phù Cát và vùng phụ cận sẽ được đầu tư và khai thác hiệu quả. Tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có; nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng. Khai thác tốt vận tải hàng không, xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử bán dẫn gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của sân bay Phù Cát…

Cùng với Bình Định, Ninh Thuận có đường bờ biển dài 105km và vùng lãnh hải rộng trên 18.000km2 với đặc điểm nhiều nắng và gió có nhiệt độ cao, cường độ bức xạ lớn, thời tiết nắng quanh năm cùng với hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng. Tài nguyên biển Ninh Thuận thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; nuôi trồng, khai thác hải sản; sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn; phát triển năng lượng sạch: điện gió, điện mặt trời; xây dựng cảng nước sâu; phát triển công nghiệp ven biển.

Những năm qua, địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ để thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược. Đến nay, Ninh Thuận đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là ở vùng biển và ven biển; đặc biệt là khu vực phía Nam của tỉnh với các dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná; trung tâm điện khí LNG Cà Ná (quy mô 1.500MW giai đoạn 1); khu đô thị ven biển...

Những góc nhìn lạc quan:

Ông Hồ Quang Bửu - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:

Quy hoạch không gian biển tạo đòn bẩy mới cho khu vực phát triển bền vững

ong-ho-quang-buu-quyen-chu-tich-ubnd-tinh-quang-nam.jpg
Ông Hồ Quang Bửu -
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh từ biển trong thời kỳ mới, tỉnh Quảng Nam chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Các quy hoạch phân khu trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai, các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện phải được thực hiện trên tiêu chí quy hoạch sử dụng không gian biển gắn với mục tiêu quản lý liên kết vùng, giữa các địa phương có biển và không có biển, giữa Quảng Nam với các tỉnh, thành lân cận (Đà Nẵng, Quảng Ngãi) tạo đòn bẩy mới cho khu vực ven biển phát triển bền vững.

Địa phương tập trung huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vùng Đông theo hướng dịch vụ du lịch - công nghiệp - kinh tế biển - nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển vùng Đông nhằm thu hút các dự án trọng điểm, chiến lược quốc gia, làm động lực để thúc đẩy phát triển cho cả tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Chiến lược khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 48/NQ-CP, ngày 03/4/2023 của Chính phủ. Tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, đáp ứng yêu cầu vươn xa để đánh bắt, khai thác hải sản và mua sắm các trang bị, phương tiện cần thiết nhằm phục vụ thông tin, liên lạc kịp thời để tránh bão.

Thực hiện kế hoạch hành động bảo vệ môi trường biển, đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, địa phương sẽ triển khai xây dựng các công trình hạ tầng vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế, vừa bảo đảm quốc phòng - an ninh và có khả năng đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để các nguồn thải lớn; triển khai các chương trình, kế hoạch bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý, bền vững các hệ sinh thái của tỉnh như: Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh, hệ sinh thái rạn san hô xã Tam Hải, Tam Tiến; hình thành các khu bảo tồn mới: Khu bảo tồn biển Tam Hải; Khu dự trữ thiên nhiên Cù Lao Chàm….

Ông Hồ Xuân Ninh - Giám đốc Sở TN&MT Ninh Thuận:

Kinh tế biển là động lực tăng trưởng

ong-ho-xuan-ninh-giam-doc-so-tn-mt-ninh-thuan.jpg
Ông Hồ Xuân Ninh -
Giám đốc Sở TN&MT Ninh Thuận

Mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2030, Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều hòa, phân phối hợp ly, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, địa phương đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển Ninh Thuận, gồm khu bến Cà Ná và khu bến Ninh Chữ là cảng tổng hợp quốc gia, đóng vai trò đầu mối khu vực với chức năng bến cảng tổng hợp, hàng rời, hàng container, hàng lỏng/khí. Đến năm 2030, du lịch biển phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh.

Ngoài ra, địa phương phấn đấu đến năm 2030 ngành năng lượng, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng khoảng 12% GRDP của tỉnh, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong toàn tỉnh. Tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng, gió để phát triển điện mặt trời, điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng, nguồn năng lượng mới (hydro, thủy triều, sinh khối,…).

Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi):

Đưa du lịch biển trở thành kinh tế mũi nhọn

ba-pham-thi-huong-chu-tich-ubnd-huyen-ly-son-2.jpg
Phạm Thị Hương -
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi):

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện đảo Lý Sơn phấn đấu trở thành Trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia. Huyện đảo Lý Sơn cũng xác định, du lịch biển, đảo sẽ trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của địa phương và đến năm 2025, sản phẩm du lịch mũi nhọn trở thành sản phẩm có vị trí quan trọng trong khu vực miền Trung, thúc đẩy tối ưu các sản phẩm du lịch khác thành những mũi nhọn mới. Đây là thời cơ lớn để Lý Sơn phát triển du lịch biển đảo, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững bằng ngành công nghiệp “không khói”, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân trong vùng, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuy nhiên, môi trường đang là vấn đề nan giải trong phát triển kinh tế biển ở Lý Sơn. Những năm gần đây, do hoạt động khai thác ồ ạt của người dân cùng với việc môi trường biển ô nhiễm đã làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học trên địa bàn huyện. Ô nhiễm môi trường biển và sự suy giảm của đa dạng sinh học ở Lý Sơn đang đe dọa lớn đến chiến lược phát triển du lịch bền vững của địa phương. Thời gian qua, song song với các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa đại dượng, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ tài nguyên biển, phục hồi và tái tạo đa dạng sinh học.

Tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn quy hoạch trên diện tích gần 8.000ha và được phân thành 3 vùng chức năng gồm: vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng phục hồi sinh thái; vùng phát triển. Ngoài ra, nhiều mô hình phục hồi, tái tạo sinh vật biển tại Lý Sơn cũng được triển khai nhằm bảo vệ và phát triển các loài sinh vật nguy cấp, quý hiếm. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ, bảo tồn các loài nguy cấp quý hiếm, lan tỏa rộng rãi để ngư dân tham gia cùng đồng hành với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn trong việc bảo vệ và phát triển các loài sinh vật nguy cấp, quý hiếm.

Như vậy, với lợi thế tiềm năng du lịch biển, đảo cùng lượng du khách ngày càng đông, việc giải quyết được bài toán rác thải và môi trường biển ở đây không chỉ bảo vệ môi trường mà còn có ý nghĩa tạo vẻ đẹp cảnh quan, tạo tiền đề cho phát triển du lịch bền vững-

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duyên hải miền Trung: Phát triển đột phá từ kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO