Duy Xuyên (Quảng Nam): Đồng lòng để đổi thay vùng quê nông thôn mới

Võ Hà| 06/11/2020 15:20

(TN&MT) - Đường sá rộng rãi, trường học, y tế khang trang; người dân hồ hởi với công việc, ruộng đồng; tiếng cười, lời nói, diện mạo vùng quê đổi thay, bừng sáng… Những đổi thay ở vùng quê Duy Xuyên (Quảng Nam) khi đi lên nông thôn mới chính là thước đo để khẳng định cho cách làm hiệu quả, sự đồng lòng đồng lòng, đồng sức của người dân và chính quyền nơi đây.

Nếu có dịp về Duy Xuyên chắc hẳn ai cũng đều ấn tượng với các tuyến đường ngõ xóm được đổ bê tông kiên cố, hai bên đường là những hàng rào cây xanh đẹp mắt, nhà cửa được người dân xây dựng kiên cố.

Ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng NT&PTNT huyện Duy Xuyên chia sẻ rằng, những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Duy Xuyên luôn được các cấp chính quyền quan tâm. Trong đó, giai đoạn 3 năm (2017 - 2019), chương trình đã được các cấp, các ngành của huyện triển khai quyết liệt, tạo những chuyển biến tích cực.

Làng quê xã Duy Trung (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã “thay áo mới”.

Những năm qua, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống trường lớp, trạm y tế, chợ, điện,... ở Duy Xuyên được đầu tư xây mới, nâng cấp rất khang trang. Từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp chương trình và các nguồn vốn khác, nhất là sự đóng góp hết sức tích cực của nhân dân nên thời gian qua hạ tầng giao thông ở Duy Xuyên được xây dựng khá đồng bộ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, sản xuất nông nghiệp ổn định, ngành công nghiệp phát triển đạt mức tăng trưởng khá, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Duy Xuyên có 11/14 xã, thị trấn thực hiện chương trình Nông thôn mới. Gồm Duy Phú, Duy Thu, Duy Tân, Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Trung, Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh; còn lại 3 địa phương là thị trấn Nam Phước và 2 xã Duy Nghĩa, Duy Hải phát triển theo hướng đô thị.

Cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng hoàn thiện, nhất là y tế và trường học.

Những năm qua, 11 xã xây dựng Nông thôn mới rất linh hoạt trong việc huy động và lồng ghép các nguồn lực để đầu tư thi công hệ thống thủy lợi, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, trường học, trạm y tế...

Từ một huyện dựa vào sản xuất nông nghiệp là chủ yếu thì đến năm 2015 sản xuất công nghiệp đã trở thành nền kinh tế mũi nhọn với mức tăng trưởng bình quân trên 16%/năm và cho đến nay với việc chuyển hướng trong phát triển kinh tế dựa trên lợi thế, tiềm năng và cơ hội phát triển, ngành thương mại, dịch vụ nhất là dịch vụ du lịch đã có bước phát triển khá nhanh với mức tăng trưởng năm 2019 là 18%; đến nay đã vượt giá trị ngành sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, việc phát triển mạnh thương mại, dịch vụ và công nghiệp không chỉ giải quyết tốt bài toán “ly nông bất hương” mà còn tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho cư dân lao động của huyện cũng như các huyện lân cận.

Người dân sẵn sàng hiến đất làm đường mà chẳng nề hà đòi đền bù bao nhiêu

Từ năm 2011 - 2019, tổng nguồn vốn Duy Xuyên đầu tư cho chương trình xây dựng Nông thôn mới là hơn 2.459 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước các cấp gần 997 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 456 tỷ đồng, huy động từ các doanh nghiệp và hợp tác xã hơn 259 tỷ đồng, nhân dân đóng góp quy ra giá trị xấp xỉ 711 tỷ đồng, còn lại là những kênh vốn hợp pháp khác.

Trong tổng số 11 xã tham gia xây dựng Nông thôn mới thì đến năm 2015 có 4 xã điểm về đích gồm Duy Trinh, Duy Hòa, Duy Sơn, Duy Phước và giai đoạn 2016 - 2019 có thêm 5 xã là Duy Thành, Duy Châu, Duy Trung, Duy Vinh, Duy Phú được công nhận đạt chuẩn.

Tính đến thời điểm này 2 xã còn lại của huyện Duy Xuyên là Duy Thu, Duy Tân cũng đã thực hiện hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí theo quy định. Hiện nay, chính quyền 2 địa phương này gấp rút hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định và công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Cùng với đó, UBND huyện Duy Xuyên cũng đang khẩn trương hoàn tất những thủ tục để được công nhận đạt chuẩn huyện Nông thôn mới trong vào cuối năm 2020.

Duy Xuyên đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, kết hợp nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để tạo nên chuỗi liên kết giá trị, nâng cao năng suất, qua đó nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Để đạt được thành tựu đó là trải qua vô vàn khó khăn. Hơn tất cả là sự đồng lòng, đồng sức của người dân và chính quyền. Chẳng đâu như huyện Duy Xuyên khi nói về xây dựng Nông thôn mới. Nơi mà người dân hiến hàng trăm ngàn mét vuông đất mà chẳng nề hà đòi đền bù bao nhiêu. Nơi mà người ta sẵn sàng đập bỏ tường rào, cổng ngõ giá hàng trăm triệu để nhường đất làm đường, làm công trình cho rộng hơn, khang trang hơn.

“Tính tự giác của người dân huyện nhà rất cao. Ban đầu, bà con có phần lạ lẫm với xây dựng Nông thôn mới nhưng nhờ công tác tuyền truyền, sự chỉ đạo của cấp ngành, bà con nhận ra mình chính là chủ thể Nông thôn mới”, ông Tường nói.

Những miền quê đáng sống ở xứ Quảng

“Gái có công chồng không phụ”, người dân nỗ lực bao nhiêu thì vai trò lãnh đạo, sâu sát của chính quyền huyện Duy Xuyên càng mạnh mẽ, đúng đắn bấy nhiêu. Trong suốt thời gian thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới này, chính quyền huyện Duy Xuyên hết sức tập trung, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để xây dựng, để phấn đấu. Đây chính là tiền đề, động lực quan trọng để Duy Xuyên về đích huyện NTM vào cuối năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy Xuyên (Quảng Nam): Đồng lòng để đổi thay vùng quê nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO