Hơn 4 tháng trước, ngày 7/7/2020, Công viên Địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận giúp Việt Nam nâng tổng số lên ba Công viên Địa chất Toàn cầu.
Đây là danh hiệu ghi nhận đối với một khu vực tự nhiên, chứa đựng tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, giáo dục và thẩm mỹ, cùng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội… tầm cỡ quốc tế, được bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể.
Công viên Địa chất Đắk Nông được thành lập năm 2015. Tại đây có tới 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước… Khu vực này nổi tiếng là vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, nơi lưu trữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, có nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên và dấu tích hoạt động của người tiền sử.
Công viên Địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu |
Việc Việt Nam có thêm di sản thứ ba được công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu thêm một lần khẳng định những giá trị cốt lõi mà chúng ta cần phải giữ gìn và bảo vệ.
Bởi lẽ, thực tiễn đang cho thấy, thời gian qua, công tác bảo tồn và quản lý DSĐC đang có nhiều bất cập, nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại do tác động của tự nhiên và con người từ nhiều phía.
Đã có một thời gian dài, người dân và thậm chí cả các doanh nghiệp, cơ quan chủ quản chưa nhận thức được ý nghĩa to lớn, thiết thực của việc bảo tồn di sản địa chất (DSĐC). Vì vậy, luôn có sự xung đột giữa phát triển cơ sở hạ tầng (như xây dựng nhà cửa dịch vụ, nhà dân sinh, làm đường giao thông, khai thác khoáng sản...), phát triển dịch vụ du lịch với bảo tồn DSĐC, xung đột giữa mức thu nhập kiếm sống hàng ngày của người dân nghèo với bảo vệ và bảo tồn DSĐC...
Không ít DSĐC đã bị phá huỷ, như di sản hoá thạch cá ở Đồ Sơn (Hải Phòng) do làm đường giao thông, hóa thạch thực vật ở Nà Dương (Lộc Bình, Lạng Sơn) do khai thác than, đá bazan dạng cột ở xã Đắk Nia (Đắk Nông) do khai thác làm đá cảnh và vật liệu xây dựng, hay các bề mặt karst, thạch nhũ trong hang động đá vôi, núi đá vôi (ở các DSĐC trên vùng núi đá vôi) do người dân khai thác làm hòn non bộ, khai thác đá vôi cho xây dựng...
DSĐC là di sản quan trọng hàng đầu trong số các di sản thiên nhiên. Cũng như các di sản khác, DSĐC là tài nguyên không tái tạo được, cho nên cần được bảo tồn, quản lý và khai thác sử dụng hợp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Dù đã có những tiến bộ nhất định, nhưng hiện nay, nhiều di sản đang bị lãng quên hoặc biến mất hoàn toàn. Có di sản bị “quan tâm” quá mức đến biến dạng hay chỉ sống lay lắt vì chưa định được danh tính xác thực; có di sản luôn phản ứng, không tiếp nhận những yếu tố mới trong quá trình phát triển... đều có những lý lẽ riêng của nó.
Bởi lẽ, di sản là những giá trị về tài nguyên, văn hóa không thể thêm, chỉ vơi đi. Đánh mất là mất hẳn. Chúng ta chỉ nên coi mình là thế hệ tiếp nối của chuỗi lịch sử. Bổn phận của chúng ta trước tiên là chuyền các di sản hiếm hoi từ thế hệ này sang thế hệ tiếp sau. Nếu trùng tu cần để lại dấu vết của những người xây dựng lên chúng và trùng tu trước ta, để lại dấu vết trùng tu khoa học của thời mình, đồng thời để lại phần việc cho người đến sau làm tiếp, nếu ta chưa đủ cơ sở làm việc đó hôm nay. Không nên quá tự tin để làm thay quá khứ...
Đó chính là cốt lõi của vấn đề. Bởi lẽ, cho đến hôm nay, nhận thức về di sản và bảo tồn di sản của nhà quản lý, nhà chuyên môn, cộng đồng dân cư... còn rất vênh nhau, chưa có tiếng nói chung – tiếng nói về di sản, tiếng nói chuyền lại cho các thế hệ mai sau một cách chân thực và sống động nhất.
Trước mỗi di sản mà thiên nhiên ban tặng, cha ông để lại, xin hãy tĩnh tâm tiếp nhận cho chặng đường tiếp sau được bình an. Đã có quá nhiều bài học mà sự nuối tiếc chẳng thể cứu vãn. Đừng tiến về phía trước trong niềm hưng phấn quá lớn lao, trong men say hào nhoáng với những tòa ngang, dãy dọc, những đô thị mới chẳng ký ức, chẳng gốc gác ước vọng gì!!!.