Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Sự đột phá về chính sách nhân văn cho đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) – Tại phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội cho rằng một sự đột phá của dự thảo Luật mà người thụ hưởng chính sách nhân văn này chính là những người đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp thêm các ý kiến để khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống và hỗ trợ được đời sống của đồng bào.
Chính sách nhân văn cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH Lạng Sơn tán thành với hồ sơ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và có thể nói đây là một dự thảo luật rất khó, có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cho biết, dự thảo luật đã bao gồm nhiều chính sách mới và các chính sách mới này cũng đã được cụ thể hóa theo hướng quan tâm và chăm lo hơn đến đời sống Nhân dân và Nhân dân cũng chính là người được thụ hưởng. Một trong số đó là một chính sách về trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số được cụ thể hóa tại Điều 16 dự thảo luật và so sánh Điều 27 Luật Đất đai năm 2013. “Nội dung này cũng có thể coi như một sự đổi mới, một sự đột phá mà người thụ hưởng chính sách nhân văn này chính là những người đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.” – đại biểu Lưu Bá Mạc nhấn mạnh.
Liên quan đến nội dung về Điều 16, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH Hà Giang cho biết, từ thực tiễn hiện nay cho thấy, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới còn rất nhiều hộ cá nhân là người dân tộc thiểu số đang sử dụng đất hợp pháp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền nộp để thực hiện việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, các địa phương gặp khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Về phía người dân, khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được sử dụng quyền của mình như thế chấp hay góp vốn. Thực tiễn trên đã có không ít trường hợp người dân do thiếu hiểu biết, kinh tế khó khăn hoặc khi xảy ra tai nạn, rủi ro đã phải cầm cố, nhượng bán, bị mất đất dẫn đến tình trạng thiếu đất. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đói nghèo và nhà nước lại phải giải quyết.
Từ thực tiễn trên, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị bổ sung vào khoản 8 Điều 16 dự thảo luật chính sách của nhà nước hỗ trợ kinh phí đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, có chính sách giảm tiền sử dụng đất phù hợp đối với các trường hợp tại điểm a khoản 2 Điều 16 dự thảo luật để người dân có điều kiện an cư, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ để có được kết quả trình Quốc hội thảo luận. Quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ nhận thấy, dự thảo đã bổ sung nhiều chính sách mới về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo lần này đã quy định rõ hơn về đối tượng được hỗ trợ, địa bàn được hỗ trợ, chính sách được hỗ trợ, và tương đối rõ về trách nhiệm thực hiện từ Chính phủ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp - Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho biết.
Đảm bảo chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số
Cơ bản đồng tình nhất trí cao với dự thảo Luật Đất đai do Chính phủ trình Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá XV và báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH Yên Bái cho rằng dự thảo luật đã cơ bản đủ điều kiện để Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận tham gia góp ý để bổ sung cho dự thảo Luật về chính sách đất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đại biểu Luận, trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện. Đại biểu thống nhất cao với các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 48 quy định về trường hợp cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, không phải là đất ở theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 16 của luật này mà không còn nhu cầu sử dụng hoặc chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống thì Nhà nước thu hồi đất và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 của luật này.
Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, nếu quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi diện tích đất này để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 của luật này sẽ rất khó thực hiện trong thực tế vì sẽ xảy ra trường hợp không có đối tượng để giao đất, gây lãng phí và khó khăn cho công tác quản lý. Do vậy, đại biểu đề nghị quyết định lại theo hướng diện tích đất đã thu hồi sẽ được giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất, trong đó ưu tiên được dùng để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 của luật này.
Theo đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH Đắk Nông, Luật cần có quy định mở rộng, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương phát triển, có điều kiện kinh tế sử dụng nguồn lực để chủ động giải quyết đối với các trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 2 Điều 16, để đồng bào ở khu vực này được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước.
Theo đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH Yên Bái, quyết định tại khoản 2, khoản 3 Điều 16 dự thảo luật về hỗ trợ chính sách đất đai, các quy định chính sách chủ yếu tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Quy định thu hẹp chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung không phù hợp với nội dung, nội hàm, tên của Điều 16 là trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó thực tế hiện nay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ dân không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo các tiêu chí nghèo đa chiều nhưng vẫn còn rất khó khăn. Theo điều tra dân số năm 2019, nước ta có 89,3% người dân tộc thiểu số sống ở nông thôn, trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sống bằng nghề nông nghiệp. Vì thế đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉnh lý nội dung điều này cho phù hợp với tên của điều luật và đảm bảo chính sách cơ bản cho đồng bào dân tộc thiểu số.'
Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho biết, cử tri và Nhân dân đang rất mong đợi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật này; đồng thời bày tỏ quan tâm đến chính sách đất đai cho bảo tồn văn hóa các dân tộc…
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. Đại biểu cho rằng, tuy chỉ là bổ sung một từ “tín ngưỡng” thôi nhưng đã phản ánh được đầy đủ ý nghĩa, vai trò quan trọng của đất đai đối với đời sống vật chất và tâm linh của đồng bào, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nhấn mạnh, theo truyền thống đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhất là đối với người Tây Nguyên, đất đai không đơn thuần là nguồn tài nguyên mang lại giá trị vật chất mà trên hết nó thể hiện quyền sở hữu tài sản, vị thế xã hội và đặc biệt là mang tính tâm linh. Điều kiện cần và đủ cho mỗi buôn làng.
Đất đai không chỉ là không gian sinh tồn mà còn là không gian duy trì các mối quan hệ xã hội, giữa các cộng đồng, giữa cá nhân và cộng đồng. Hơn thế nữa còn điều chỉnh cả mối quan hệ ứng xử giữa con người với tự nhiên. Điều này đã góp phần hình thành tri thức ứng xử với tự nhiên một cách cân bằng…
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho biết, khi chính sách đất đai thay đổi sẽ tác động sâu sắc đến không gian sinh tồn và truyền thống văn hóa của đồng bào. Do vậy, đại biểu bày tỏ kỳ vọng về những chính sách trong dự án Luật đất đai (sủa đổi) lần này sẽ là tiền đề cơ bản để giải quyết những vấn đề này. Việc dự thảo luật quy định trách nhiệm của Nhà nước có chính sách đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số là quy định hết sức cần thiết, đáp ứng mong đợi của đồng bào để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trong bối cảnh đất nước hội nhập và phát triển mạnh mẽ.