SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực

Thúy Nhi 20/06/2023 20:15

Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế cơ bản chủ trương của Đảng, kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật các thời kỳ đã được áp dụng rộng rãi và chứng minh là đúng đắn. Đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất nhằm thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.

Theo Bộ TN&MT, trong lịch sử quản lý đất đai tại Việt Nam, ngay từ rất sớm, Đảng và nhà nước ta đã quy định cơ sở chính trị, pháp lý đầu tiên cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được hoàn thiện qua từng thời kỳ từ Luật Đất đai đầu tiên năm 1987 đến Luật Đất đai hiện hành. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và là căn cứ quan trọng để Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

phan-bo-chi-tieu-su-dung-dat-quoc-gia.png

Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thể hiện thành 18 điều luật tại Chương V đã thể chế cơ bản chủ trương của Đảng, kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật các thời kỳ đã được áp dụng rộng rãi và chứng minh là đúng đắn. Đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất nhằm thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nội dung quy hoạch sử dụng đất được kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất. Quy định rõ, chặt chẽ việc phê duyệt, ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Đồng thời, bổ sung các quy định chuyển tiếp để đảm bảo tính liên tục của pháp luật và sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã nhận được 1.008.494 lượt ý kiến góp ý, là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của các giai tầng xã hội thông qua tất cả hình thức lấy ý kiến: hội nghị, hội thảo, góp ý bằng văn bản, góp ý qua trang thông tin điện tử… Nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của Nhân dân, bộ ngành, địa phương đối với nội dung này, dự thảo Luật đã hoàn thiện các quy định chi tiết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo đây là nên tảng của công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Cụ thể, bổ sung hoàn thiện nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng để đảm bảo đất thống nhất của hệ thống quy hoạch; quy hoạch sử dụng đất cấp trên phải thể hiện nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên; quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trách nhiệm chia sẻ, công khai thông tin trong quá trình lập quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Tiếp tục quy định về lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện vì đây là căn cứ để thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời doanh nghiệp sẽ chủ động trong đầu tư, người có đất bị thu hồi sẽ biết trước kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước để chủ động trong việc sử dụng đất, thực hiện quyền của mình, ổn định đời sống, sản xuất. Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định nội dung kế hoạch sử dụng đất đơn giản hơn, không yêu cầu phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất gắn liền với thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân; bổ sung danh mục dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách ra từ dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công trong nội dung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.

Giao thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia cho Chính phủ, thẩm quyền quyết định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của Chính phủ và các địa phương; đối với kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh sẽ được quy định lồng ghép trong nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh.

Đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.

Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Bổ sung quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ vào quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Những đổi mới trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ là nên tảng đưa nguồn lực đất đai làm đầu vào cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao như chủ trương của Đảng và Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO