Xã hội

Du lịch sinh thái trên quê hương xứ Dừa

Bạch Thanh 14/03/2024 18:17

(TN&MT) - Xứ Dừa - Bến Tre ngoài những đặc sản Dừa đã đi tới "5 châu bốn biển" thì những dải rừng ngập mặn ven biển trải dài xanh mướt mát cũng là một "đặc sản" của vùng sông nước. Phát huy lợi thế thiên nhiên ưu đãi và tận dụng nguồn lực đất đai sẵn có, nhiều người dân địa phương đã thay đổi tư duy làm nông, tập trung phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái để tiếp tục quảng bá hình ảnh xứ Dừa xinh đẹp nơi miền Tây Tổ quốc.

Từ chia sẻ của anh bạn đồng nghiệp, đồng hương, chúng tôi cùng nhau về thăm quê hương xứ Dừa để tìm hiểu rõ hơn về những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân. Theo anh bạn, tại Bến Tre đang phát triển mô hình “Du lịch nông nghiệp” và chính mô hình này đã giúp người nông dân chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn đa dạng sinh thái và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, tiến đến một nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

h1.jpg
Mô hình nông trại sinh thái Người Giữ Rừng tại huyện Bình Đại

Đến tận vùng biển xa xôi của huyện Bình Đại, chúng tôi ghé qua nông trại sinh thái Người Giữ Rừng của anh chủ trẻ Nguyễn Tấn Vàng tại xã Thạnh Phước. Đôi vợ chồng anh Vàng được biết đến là những người đã góp công xây dựng và lan tỏa mô hình du lịch sinh thái, khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị kinh tế dưới tán rừng, tái tạo tài nguyên để hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương.

Dẫn chúng tôi đảo một vòng quanh tham quan nông trại của mình, anh Vàng kể cho chúng tôi nghe về những điều thực tế mà anh đã trải qua trong suốt hành trình làm du lịch nông nghiệp của mình. Xuất thân từ một gia đình nông dân, anh phải chịu nhiều khó khăn và vất vả trong công việc làm nông, đặc biệt là khi gặp phải tình trạng "được mùa mất giá". Từ lòng mong muốn thay đổi quê hương và tìm giải pháp cho nông nghiệp, sau nhiều năm trăn trở và học hỏi, anh đã quyết định khởi nghiệp để phát triển quê hương.

Trong câu chuyện, Tấn Vàng nói rằng, vào năm 2016, vợ chồng anh đã bắt đầu kinh doanh với mô hình mang tên Người Giữ Rừng, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi thủy sản tự nhiên kết hợp và làm du lịch. Với niềm đam mê và sự ủng hộ của khách hàng, nông trại của anh đã từ từ hoàn thiện và có được sự ổn định trong việc kết hợp du lịch đến tận ngày nay.

“Dịch bệnh Covid-19 vừa qua trong khi nhiều người gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của mình, thì nông trại Người Giữ Rừng vẫn phát triển mạnh sau dịch. Điều này là nhờ vào việc có nhiều nguồn thu khác nhau từ hoạt động nuôi trồng và kinh doanh các sản phẩm, đã hỗ trợ duy trì cho các mảng về du lịch và dịch vụ ăn uống. Chúng tôi tin rằng không nên đặt tất cả niềm tin vào một giải pháp duy nhất, điều này là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự bền vững”, Tấn Vàng trải lòng.

Theo anh Vàng, nông nghiệp bền vững là giải pháp cho nông dân trong thời kỳ hội nhập 4.0. Nó mang lại cơ hội cho những người nông dân nhạy bén và cũng là thách thức buộc chúng ta phải thay đổi để phát triển chính mình. Anh tin rằng khi dựa vào những gì chúng ta có, làm tốt nhất những gì chúng ta thành thạo, đặt ra cho mình một sứ mệnh và mục tiêu rõ ràng, kiên trì thực hiện thì khó khăn sẽ phải nhường bước cho thành công. Trong quá trình thực hiện du lịch nông nghiệp, chúng ta phải luôn dựa vào phản hồi của thị trường và khách hàng mục tiêu để điều chỉnh hoạt động kinh doanh sao cho hợp lý và kịp thời. Và nếu chúng ta đã từng gặp thất bại, thì hãy coi đó là những bài học để thay đổi và tuyệt đối không nản lòng.

h2.jpg
Người dân Chợ Lách vươn lên làm giàu nhờ sản xuất hoa kiểng, cây giống

Sau cuộc trò chuyện đầy thú vị với anh chủ trẻ của nông trại Người Giữ Rừng Nguyễn Tấn Vàng, chúng tôi chia tay anh và vượt qua đoạn đường dài khoảng 80km để đến vùng hoa kiểng, cây trái Chợ Lách. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nơi đây có diện tích đất tự nhiên hơn 16.900 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 11.500 ha với nhiều chủng loại cây ăn trái như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, măng cụt, nhãn… Ngoài ra, Chợ Lách còn được xác lập kỷ lục là nơi cung cấp cây giống, cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam.

Hiện nay, huyện Chợ Lách có 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống và hoa kiểng, có 14 hợp tác xã nông nghiệp, 165 tổ hợp tác. Từ những nền tảng này đã góp phần khá tích cực và thúc đẩy kinh tế huyện Chợ Lách phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tình hình phát triển kinh tế, sản xuất của người nông dân chuyển dịch đúng hướng và phát triển mạnh, thu nhập bình quân đầu người hiện tại đạt 72 triệu đồng/người/năm.

Theo chia sẻ của Hội Nông dân huyện Chợ Lách, với lợi thế của địa phương có nhiều giá trị tài nguyên du lịch tiêu biểu nổi bật hàng đầu trong tỉnh, mà điểm nhấn là “Vương quốc hoa kiểng”, “Vùng đất cây lành trái ngọt”, “Vùng sản xuất cây giống lớn nhất nước”… thời gian qua, đơn vị đã tổ chức phát động phong trào thi đua trong hội viên, nông dân, xem phát triển du lịch là nghành kinh tế tổng hợp tạo ra thu nhập cao và giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, làm du lịch để phát triển kinh tế hộ gia đình và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể có hiệu quả.

Và để nâng cao chất lượng du lịch nông nghiệp, thời gian tới, Hội Nông dân huyện Chợ Lách sẽ tập trung xây dựng các mô hình trong chuỗi sản phẩm du lịch, các mô hình kinh tế có hiệu quả do hộ nông dân làm chủ để du khách tham quan, trải nghiệm, học hỏi cách làm, cách quản lý và chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng khi có nhu cầu phục vụ của các địa phương. Đồng thời khuyến khích hội viên, nông dân mở rộng quy mô, đầu tư ngang tầm, chuyên nghiệp hóa du lịch trên địa bàn.

Qua trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Nông dân Bến Tre Nguyễn Văn Bàn cho biết, để thay đổi tư duy làm nông vươn lên làm giàu, trong vài năm gần đây, du lịch sinh thái nông nghiệp tại tỉnh được quan tâm, phát triển với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đang được khai thác như: du lịch tham quan các vườn cây ăn trái, vườn dừa, vùng sản xuất cây giống - hoa kiểng, tham quan các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch trải nghiệm cuộc sống thường nhật vùng nông thôn tại nhà người dân; tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống.

Ông Bàn cũng cho hay rằng, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là một trong những nội dung quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển du lịch chung của Bến Tre thời gian tới. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; đồng thời góp phần thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn thuộc “Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” và đưa mô hình nông nghiệp gắn với du lịch ngày càng phát triển một cách hiệu quả, bền vững.

Từ những lời chia sẻ chân tình của những người nông dân chân chất và ngành chức năng Bến Tre, hy vọng trong tương lai không xa, xứ Dừa sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có, thay đổi tư duy làm nông để tập trung khai thác các loại hình du lịch phục vụ khách du lịch, nhất là việc khai thác loại hình du lịch sinh thái gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững nhằm mang lại lợi ích, quyền lợi cho cộng đồng dân cư theo hướng văn minh, hiện đại. Đây cũng được xem là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển du lịch bền vững, đồng thời góp phần giúp người dân nâng cao cuộc sống, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch sinh thái trên quê hương xứ Dừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO