Kinh tế

Về xứ Dừa nghe chuyện nhà nông làm giàu

Bạch Thanh 25/09/2024 - 17:13

(TN&MT) - Lần này trở lại quê hương xứ Dừa – Bến Tre, trong tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng quê sông nước. Dọc trên những con đường làng thoáng rộng, sạch sẽ được phủ đầy những hàng cây, hoa kiểng muôn sắc màu. Nơi bình yên ấy, cuộc sống mới đang hiện hữu trong những ngôi nhà kiên cố được xây dựng khang trang, lộng lẫy của người nông dân “chân lấm tay bùn” quyết chí vươn lên làm giàu, kiếm nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

h1.jpg
Mô hình kiểng treo nâng cao thu nhập cho người nông dân

Tôi đến xứ Dừa trong những ngày mưa bão trung tuần tháng Chín. Bên quán cà phê ven hồ Trúc Giang giữa muôn lá xanh rợp bóng, khi cơn mưa còn rỉ rả kéo dài làm phảng phất luồng không khí mát mẻ, một anh bạn đồng nghiệp quê hương Bến Tre trông vẻ mặt tươi vui và đầy phấn khởi nói rằng: “Trước kia, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng qua hơn chục năm chung sức, chung lòng, cùng nhau xây dựng nông thôn mới nên đã thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và cuộc sống người nông dân nói riêng có bứt phá đáng kể”.

Theo anh bạn, ngày nay giá trị sản xuất của mỗi hec-ta đất với mô hình cây giống hoa kiểng, nuôi tôm công công nghiệp, hay trồng cây ăn trái đã lên đến tiền tỷ, tăng cao so với nhiều năm trước đây. Hơn nữa, địa phương đã xây dựng hoàn thiện nhiều công trình cầu, đường, trường, trạm và quan trọng vẫn là vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng được khắc phục, nên lĩnh vực nuôi trồng, kinh doanh của người nông dân có nhiều thuận lợi hơn.

h2.jpg
Nông dân Bến Tre đẩy mạnh phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu

Thực tế, Bến Tre là tỉnh thuần nông, có trên 70% dân số sinh sống bằng nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Hiện thu nhập bình quân mỗi người đạt 59 triệu đồng/năm. Người dân nơi đây rất phấn khởi khi Đảng, Nhà nước ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chính sách an sinh xã hội cho người dân. Họ hăng hái tham gia thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; từng lúc tạo nhiều sản phẩm đặc trưng, nhiều mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Trong câu chuyện làm giàu, có nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm đã trở nên phổ biến với người dân vùng đất luôn chịu cảnh hạn hán và xâm nhập mặn này. Minh chứng rõ nét nhất là nhiều hộ có vốn sản xuất, kinh doanh lên đến hàng tỷ đồng và thu hút hàng chục, hàng trăm lao động tham gia. So với thời gian trước đây, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 5 lần, số hộ có mức thu nhập trên 01 tỷ đồng/năm tăng 3 lần. Thống kê trên 10.780 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, Trung ương có thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí sản xuất, thì có đến 4.896 hộ thu nhập từ 100 đến dưới 200 triệu đồng; 3.587 hộ thu nhập từ 200 đến dưới 300 triệu đồng; 1.054 hộ thu nhập từ 300 đến dưới 500 triệu đồng; 1.001 hộ thu nhập từ 500 đến 01 tỷ đồng và 248 hộ thu nhập trên 01 tỷ đồng.

h3.jpg
Mô hình nuôi tôm công nghiệp vùng ven biển cho thu nhập khá cao

Để hiểu rõ hơn, từ lời giới thiệu của lãnh đạo Hội Nông dân Bến Tre, chúng tôi đến tận các vùng quê của tỉnh để gặp những người nông dân “chân đất” tích cực chăm lo lao động sản xuất có doanh thu tiền tỷ mỗi năm. Tại xã Định Trung (Bình Đại), anh Trần Văn Hồng kể khi được mời tham gia nhiều buổi tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm cũng như rút ra những kinh nghiệm trước đây, anh đã mạnh dạn vay vốn để cải tạo nâng cấp ao lên nuôi thâm canh và áp dụng các kỹ thuật nuôi mới. Từ thành công bước đầu, anh dần phát triển thêm đến nay có tổng cộng 15 ao nuôi tôm thâm canh với tổng diện tích 3,2ha. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 55 tấn/năm, lợi nhuận bình quân 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, do nhận thấy khu vực địa phương người dân đào ao nuôi tôm nhiều, nên anh Hồng tiếp tục đầu tư kinh doanh đại lý thức ăn, thuốc thủy sản. Nhờ việc kinh doanh sản phẩm chất lượng, uy tín nên được bà con tin tưởng và ủng hộ, tạo doanh thu cho cơ sở của anh hàng năm trên 25 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân 1,7 tỷ đồng. “Gia đình tôi còn sử dụng thường xuyên 20 lao động phục vụ cho nuôi tôm và vận chuyển thức ăn, thuốc thủy sản, đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương”, anh Hồng cho hay.

Còn với anh Lê Hoàng Phục ở xã Tân Phú (Châu Thành) hiện đang canh tác 02 ha sầu riêng. Bản thân anh cũng thực hiện áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong canh tác sầu riêng vườn nhà, sản lượng hàng năm đạt trung bình 15 tấn với thu nhập sau khi trừ chi phí còn khoảng 01 tỷ đồng. Đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động, giúp người nông dân khó khăn trên địa xã ổn định cuộc sống.

h4.jpg
Trên con đường làng, nhiều nhà kiên cố mọc lên san sát

Và rút kinh nghiệm từ thực tế vườn nhà, anh Phục mạnh dạng chia sẻ cùng bà con nông dân địa phương những kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất, thực hiện hướng dẫn kỹ thuật canh tác sầu riêng trong tổ hợp tác nhằm lan toả cho các nông dân nắm bắt áp dụng . Bên cạnh đó, anh cũng mạnh dạn đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, thu nhập ổn định, đặc biệt là kinh nghiệm làm sầu riêng nghịch vụ. Từ đó, người nông dân trên địa bàn rất đồng tình hưởng ứng và nhân rộng mô hình canh tác sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao.

Đi sâu tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, trong số hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có các mô hình tiêu biểu doanh thu tiền tỷ như mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Đặng Văn Bảy lợi nhuận trên 40 tỷ đồng/năm, ông Lê Văn Sấm lợi nhuận 50 tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Minh Nhủ lợi nhuận 20 tỷ đồng/năm; mô hình trồng nhãn của anh Nguyễn Văn Thanh lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm; mô hình kiểng treo của bà Nguyễn Thị Nga lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/năm; mô hình trồng mai vàng của anh Nguyễn Văn Tâm lợi nhuận 6 tỷ đồng/năm...

Điều đáng trân quý nhất vẫn là nhiều mô hình, nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại Bến Tre năm sau luôn cao hơn năm trước. Cùng với sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, hoạt động thương mại, du lịch được mở rộng, một số làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Hơn nữa, ngành chức năng tỉnh đã làm tốt việc vận động hội viên giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu, đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo cùng phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cho trên 3.000 lượt hộ nông dân nghèo, ước giá trị hơn 21.100 tỷ đồng.

h5.jpg
Xứ Dừa – Bến Tre dần thay da đổi thịt, bứt phá vươn lên

Chia sẻ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thời gian tới, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Bàn nói đơn vị sẽ tiếp tục vận động nông dân sản xuất giỏi làm nòng cốt tổ chức thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung ứng đầu vào cho đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, tổ chức đa dạng hoạt động các loại hình câu lạc bộ, tạo diễn đàn cho nông dân trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, thông tin thị trường nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết đạt hiệu quả kinh tế cao.

“Hội cũng sẽ tập trung chú trọng gắn việc thực hiện phong trào với thực hiện Đề án Phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre. Qua đó vận động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chia sẻ theo hình thức “Nông dân dạy nông dân” về phương pháp, kinh nghiệm, bí quyết trong sản xuất, kinh doanh và cả thị trường để cùng nhau làm giàu. Đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, gắn đào tạo nghề với các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân tham quan, thực hành, học tập; dạy nghề theo hướng ‘khởi nghiệp’ phù hợp với năng lực và điều kiện của nông dân”, ông Bàn thông tin.

Trở lại quê hương xứ Dừa lần này, tôi cảm nhận nơi đây đã thực sự đổi thay từng ngày, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, của những người nông dân “chân lấm tay bùn” từng bước nâng cao. Có thành quả ấy bắt nguồn từ dồn sức thực hiện các chương trình, dự án, mô hình giảm nghèo cùng với vai trò của những cán bộ đầy tâm huyết, trách nhiệm giúp địa phương khởi sắc toàn diện. Và hơn hết vẫn là những nỗ lực của người nông dân bình dị, chăm chỉ, luôn quyết tâm đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, thi đua làm giàu để góp phần xây dựng quê hương thêm tươi đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về xứ Dừa nghe chuyện nhà nông làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO