Cải tiến hệ thống dự báo
PGS.TS Mai Văn Khiêm cho biết, trong năm vừa qua, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, rất nhiều cực trị, con số kỷ lục được thiết lập. Ví dụ nhiệt độ cao nhất đo được lên tới trên 43 độ tại khu vực Bắc Trung Bộ, hay trận mưa kỷ lục tại TP Vinh, Phú Quốc…
Những năm gần đây, công tác dự báo KTTV đã được Ngành KTTV đầu tư phát triển dựa trên hợp tác quốc tế. Thông qua hợp tác quốc tế, ngành KTTV đã có những tiếp cận và sử dụng được rất nhiều công nghệ dự báo mới cũng như dữ liệu quốc tế phục vụ công tác dự báo. Đồng thời, tăng cường hơn nữa khoa học, công nghệ dự báo KTTV.
PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia |
Cơ quan dự báo quốc gia đã từng bước đưa ra được dự báo, cảnh báo một số hiện tượng ở quy mô nhỏ như là mưa định lượng phục vụ dự báo lũ quét. “Đây là hiện tượng có ảnh hưởng rất lớn đến các thiên tai, tai biến địa chất như lũ quét, sạt lở đất - những thiên tai rất khó dự báo”, PGS.TS Mai Văn Khiêm nhận định.
Bên cạnh đó, trong năm 2019, ngành KTTV đã đưa vào hệ thống 10 radar thời tiết. Với hệ thống này chúng ta có thể theo dõi liên tục 5 phút một lần các hiện tượng, đặc biệt là hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá. Nhờ đó, hiện nay chúng ta có thể đưa ra được những cảnh báo trước khoảng 1-3 giờ khả năng xuất hiện dông lốc, sét, mưa đá tại các khu vực khác nhau của Việt Nam.
Cũng theo ông Khiêm, trong thời gian qua, ngành KTTV đã tăng cường mạng lưới trạm quan trắc, đặc biệt là trạm quan trắc mưa tự động kể cả của ngành đầu tư và nguồn xã hội hoá. Với hệ thống quan trắc mưa đan dày, từng bước có thêm được những thông tin phục vụ công tác cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Một điểm nổi bật trong công tác dự báo năm 2019 đó là chúng ta đã tiếp nhận và đưa vào ứng dụng 18 trạm định vị sét; đây là những trạm có khả năng xác định những nơi có thể xảy ra dông lốc, sét, từ đó xác định vị trí để cảnh báo.
Hướng tới “niềm tin” của người dùng
Có thể nói, cùng với sự đầu tư của nhà nước, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV, hệ thống dự báo quốc gia đã được tăng cường và cải tiến. “Ngành KTTV đã từng bước được cải thiện, các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV dần tiệm cận với trình độ của các nước tiên tiến và phần nào đó đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai”, ông Khiêm đánh giá.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng nhìn nhận một thực tế rằng hiện nay, các thiên tai diễn ra không còn theo quy luật nữa. Thiên tai xảy ra trong năm nay, đến năm sau có thể xảy ra khác hoàn toàn.
“Vì vậy, ngành KTTV xác định, mặc dù có những cải tiến đáng kể trong thời gian qua nhưng không bao giờ được chủ quan và toàn ngành tiếp tục cố gắng, đặc biệt trong tác nghiệp dự báo, tăng cường hơn nữa khả năng phục vụ thông qua việc tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển khoa học công nghệ; làm sao để sự phục vụ của ngành KTTV đối với xã hội, công tác phòng chống thiên tai được tốt hơn trong thời gian tới”, PGS.TS Mai Văn Khiêm khẳng định.
Cụ thể, ông Khiêm cho hay, trong thời gian tới, đơn vị dự báo quốc gia sẽ tăng cường chất lượng dự báo mưa định lượng trên cơ sở tích hợp hệ thống dự báo quốc tế với cơ sở dữ liệu địa phương. Qua đó, cung cấp những thông tin dự báo mưa định lượng trước 24h, 48h chi tiết hơn, tin cậy hơn, phục vụ cho công tác cảnh báo lũ quét, lũ, ngập lụt.
Đặc biệt, cố gắng cung cấp những thông tin chi tiết hơn kể cả về không gian và thời gian. Về mặt thời gian, cố gắng để có những yếu tố, đặc trưng thời tiết KTTV có thể cung cấp chi tiết đến từng giờ. Còn về mặt không gian, hiện nay phải cố gắng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến các vùng, khu vực nhỏ. “Cung cấp những thông tin KTTV chi tiết như vậy để làm đầu vào phục vụ cho xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các địa phương”, ông Khiêm lý giải.
Một trong những chiến lược quan trọng nữa trong thời gian tới đó là cơ quan dự báo KTTV quốc gia đang tiếp cận dần, không chỉ dừng lại cảnh báo về mặt vật lý các yếu tố khí tượng thuỷ văn mà đi kèm theo đó là cảnh báo khả năng tác động, rủi ro của các yếu tố khí tượng thuỷ văn, thiên tai liên quan đối với từng đối tượng, từng ngành, lĩnh vực cụ thể. Qua đó, phục vụ cho công tác phòng chống cũng như ứng phó của các bộ, ngành, địa phương được tốt hơn.
“Tiêu chí mà chúng tôi hướng tới là qua từng năm cố gắng nâng được khả năng phục vụ cũng như niềm tin của người dân, xã hội đối với ngành KTTV, bản tin dự báo KTTV”, PGS.TS Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.