Trong đơn thư gửi đến Tòa soạn Báo Tài nguyên và Môi trường, nhiều hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện Dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I bức xúc phản ánh: Đa số nhân dân đều đồng tình, ủng hộ việc thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội là chủ trương đúng đắn nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song thực tế trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các cơ quan chức năng của huyện Thanh Trì đã không thực hiện đúng quy định.
Ông Nguyễn Hữu Mỹ - Thôn Triều Khúc, xã Tân Triều cho biết: “Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, đối với các hộ dân khi bị thu hồi hơn 30% diện tích đất nông nghiệp thì sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng 60 m2 đất ở. Trong danh sách 124 hộ được cấp đất tái định một số hộ không có đất bị thu hồi vẫn được bố trí tái định cư. Cũng theo ông Mỹ việc các hộ không có đất bị thu hồi, nhưng được lập hồ sơ khống để được bố trí tái định cư, bởi các hộ này có người thân là cán bộ của xã và huyện?
“Cụ thể, trong tổng số 124 hộ được phê duyệt đất tái định cư theo Quyết định 1939 của UBND huyện Thanh Trì, sau khi kiểm tra lại các cơ chức năng thuộc huyện Thanh Trì cũng đã phải thừa nhận là có hai hộ là Triệu Khắc Quân và hộ Nguyễn Văn Sơn là không đủ điều kiện được giao đất, do nhầm lẫn trong quá trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ” – ông Nguyễn Hữu Mỹ nói.
Tính đến nay, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ diện tích Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I đã kéo hơn 11 năm. Tuy vậy, UBND huyện Thanh Trì vẫn chưa hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự án. Nguyên nhân của việc chậm trễ này theo người dân nơi đây là do trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ có nhiều bất cập, chưa công khai minh bạch dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Trong tổng số 394 trường hợp thu hồi đất, có 309 hộ bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp và thực hiện theo đúng quy định, họ sẽ được nhận tái định cư mỗi hộ 60 m2. Tuy nhiên, trong số 309 thì chỉ có 160 hộ được bố trí tái định cư, số hộ còn lại không được nhận đất tái định cư, mà phải nhận bồi thường bằng tiền là 810 nghìn đồng/m2.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về vấn đề nói trên ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Trì cho biết: Nguyên nhân của việc các hộ còn lại không được nhận đất tái định cư, mà phải nhận bồi thường là bởi hơn 100 hộ này đã không có đơn đăng ký nguyện vọng lấy đất.
Ðiều này khiến người dân bức xúc, ông Triệu Đình Quý – Xóm Lẻ, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều cho biết: Ngay sau khi có quyết định thu hồi đất, người dân nằm trong diện thu hồi đất của Dự án đã đến kê khai và đăng ký với chính quyền là có nguyện vọng lấy đất tái định cư. Ðến năm 2013, hơn 100 hộ dân được mời đến UBND xã Tân Triều để họp và các hộ cũng tiếp tục đăng ký lại nguyện vọng là sẽ lấy đất tái định cư và nộp lại đơn cho cán bộ địa chính xã Tân Triều. Tuy nhiên đến nay, các hộ dân vẫn chưa nhận được đất tái định cư.
Trong một diễn biến khác ngày 5/11/2018, UBND thành phố Hà Nội có Thông báo số 1111/TB-UBND. Theo đó, nội dung của Thông báo ghi rõ: “Sau khi nghe các công dân trình bày, kiến nghị được giao đất dịch vụ (đất ở) khi Nhà nước thu hồi trên 30 % đất nông nghiệp được giao, đồng chí Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố kết luận, chỉ đạo giao Thanh tra thành phố thành lập Đoàn Thanh tra, tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất và quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án, báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND thành phố giải quyết theo quy định. Thời gian xong trước Tết Âm lịch 2019”.
Tuy vậy, cho đến nay việc thanh tra toàn diện này vẫn chưa có kết quả. Trước các bức xúc của người dân nơi đây đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục vào cuộc điều tra, làm rõ việc có hay không một số hộ không có đất bị thu hồi nhưng vẫn được bố trí tái định cư (!?) trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân nằm trong diện có đất bị thu hồi của Dự án.
Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin...