(TN&MT) – Mặc dù là một dự án xây dựng chung cư cao cấp để chủ đầu tư bán kiếm lời nhưng quận Cầu Giấy (Hà Nội) lại ứng xử như thể đây là một dự án công ích Nhà nước. Theo tính toán của PV, sự “nhầm lẫn” này của quận Cầu Giấy có thể làm thiệt hại cả nghìn tỷ đồng tiền ngân sách nhà nước.
Trong hai bài viết HN: Chính quyền sốt sắng thu hồi đất thay doanh nghiệp? và Công ty Louis được “tặng” hơn 4000 m2 đất tái định cư như thế nào?, Báo TN&MT đã phản ánh thông tin liên quan tới dự án xây dựng 5 tòa tháp cao tầng bán lấy tiền kiếm lời của công ty cổ phần đầu tư thương mại Louis (công ty Louis) tại lô đất 5.1 – NO và 5.5 – NO đường Lê Văn Lương (nay được đánh kí hiệu lại là N14, N15 đường Lê Văn Lương). Mặc dù đây là một dự án thương mại nhưng UBND quận Cầu Giấy lại sốt sắng ban hành một loạt văn bản, thông báo thu hồi đất gửi đến các hộ dân giống như đang thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án công ích nhà nước. Không những vậy, các cấp chính quyền từ quận Cầu Giấy cho tới Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội còn làm thủ tục đề nghị thành phố cấp hơn 4000 m2 đất tái định cư ở quận Nam Từ Liêm cho các hộ dân nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án nêu trên.
Cụ thể, ngày 14/4/2011, UBND TP. Hà Nội đã ra văn bản chấp thuận chủ trương của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố cấp hơn 4000 m2 đất còn lại trong dự án tái định cư tại lô đất 7.3 và 8.1 (nay thuộc phường Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tái định cư một phần các hộ dân phải di chuyển tại dự án trên lô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương (P, Trung Hòa, quận Cầu Giấy).
Cụ thể, ngày 14/4/2011, UBND TP. Hà Nội đã ra văn bản chấp thuận chủ trương của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố cấp hơn 4000 m2 đất còn lại trong dự án tái định cư tại lô đất 7.3 và 8.1 (nay thuộc phường Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tái định cư một phần các hộ dân phải di chuyển tại dự án trên lô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương (P, Trung Hòa, quận Cầu Giấy).
Vấn đề đặt ra là dự án có cái tên mĩ miều “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” tại lô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương thực chất chỉ là một dự án thương mại thuần túy. Vậy tại sao quận Cầu Giấy và các cơ quan chuyên môn của thành phố lại sốt sắng hành động như thể đây là một dự án công ích nhà nước? Tại sao họ lại phải đứng ra giải phóng mặt bằng và thu xếp đất tái định cư cho những người dân thuộc diện giải tỏa “giúp” chủ đầu tư?. Nhà nước có thể mất không hơn 4000 m2 đất tại lô đất 7.3 và 8.1 (quỹ đất tái định cư hiếm hoi còn lại mà thành phố Hà Nội để dành cho công tác tái định cư cho một số dự án giao thông công ích). Hơn nữa, hơn 4000 m2 này chỉ dùng để tái định cư một phần cho những hộ dân thuộc diện phải giải tỏa để thực hiện dự án (chứ không phải tất cả các hộ dân – PV). Như vậy tổng quỹ đất dùng để đền bù cho tất cả các hộ dân chắc chắn phải lớn hơn 4000 m2 rất nhiều.
Không chỉ vậy, tổng diện tích của dự án “công trình chức năng hỗn hợp dịch vụ công cộng và nhà ở” lên tới hơn 12,5 nghìn m2. Vậy tổng số tiền nhà nước phải bỏ ra để đền bù tài sản trên đất cho người dân cũng không hề nhỏ.
Nhằm làm rõ hơn số tiền mà nhà nước có thể mất không tại dự án này, phóng viên đã trực tiếp đi tìm hiểu và có những phát hiện ngỡ ngàng. Hiện trên những trang web chuyên về bất động sản, nhiều người đang rao bán đất tái định cư tại lô đất 7.3 và 8.1 (nay thuộc phường Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội) với giá dao động từ 130 – 150 triệu đồng/m2. Trong vai một người có nhu cầu mua lại suất đất tái định cư tại lô đất 7.3 và 8.1, phóng viên đã liên hệ với một cò đất tên là H. Người này cho biết, đất tại lô 7.3 và 8.1 hiện đã được bán gần hết nên chỉ còn mấy mảnh nhỏ. H. giới thiệu cho phóng viên hai mảnh có diện tích 43m2 và 64m2. Hai mảnh này đều có giá 140 triệu đồng/m2.
Trực tiếp xuống xem hai mảnh đất mà H. giới thiệu, phóng viên nhận thấy vị trí của hai mảnh đó đều không đẹp. Trong khi đó, lô đất hơn 4000 m2 được TP. Hà Nội bố trí đền bù cho những hộ dân tại dự án N14, N15 đường Lê Văn Lương lại rất đẹp, gần sát ngay mặt đường Nguyễn Hoàng. Như vậy nếu tính với giá thấp nhất là 140 triệu đồng/m2 thì lô đất nói trên có giá trị khoảng 600 tỷ đồng.
Chưa hết, phóng viên lại tiếp tục tìm đến lô đất N14, N15 đường Lê Văn Lương để khảo sát. Theo ghi nhận của PV, tại hai lô đất này, nhà cửa, hàng quán mọc lên san sát và rất sầm uất. Bác Nguyễn Xuân Mai (ngõ 35 đường Lê Văn Lương) cho biết: “Đoạn ngõ nhà tôi có 14 nhà thuộc diện phải giải tỏa, phục vụ cho dự án. Trung bình mỗi nhà có diện tích 90 m2. Vừa rồi một số nhà đã đồng ý với phương án bồi thường. Họ được nhận một diện tích đất đúng bằng với diện tích đất mất đi, cộng thêm tiền đền bù tài sản trên đất. Theo tìm hiểu của tôi, trung bình mỗi nhà sẽ nhận được khoảng 2 tỷ đồng tiền bồi thường tài sản trên đất”.
Ngoài việc đền bù tài sản trên đất cho hàng trăm hộ dân hiện đang sinh sống tại dự án N14, N15 đường Lê Văn Lương, nhà nước cũng sẽ phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để thuê máy móc, thiết bị, nhân lực … thực hiện việc phá dỡ, vận chuyển phế liệu để có một mặt bằng sạch. Với tài liệu mà phóng viên thu thập được như trên, tính sơ sơ thì nhà nước có thể mất không cả nghìn tỷ đồng.
Theo Luật Đất đai 2013, Công ty Louis muốn xây dựng chung cư cao cấp bán lấy tiền thì phải tự mình đứng ra lo liệu, thỏa thuận với người dân. Ấy nhưng không hiểu vì lý do gì mà cả quận Cầu Giấy lẫn các cơ quan chuyên môn của TP. Hà Nội lại "đồng tâm hiệp lực" đứng ra giúp công ty Louis thực hiện công việc gian nan và tốn kém nhất này?. Nhờ vậy Công ty Louis nghiễm nhiên được hưởng lợi...
Trong hai bài phản ánh trước đây, phóng viên đã đặt nghi vấn về người đại diện pháp luật của Công ty Louis là ông Lê Văn Vọng, Chủ tịch tập đoàn Lã Vọng. Sau khi liên hệ làm việc và trao đổi sơ bộ với một lãnh đạo của tập đoàn Lã Vọng, người này khẳng định thông tin nêu trên là chính xác. Từ đó, dư luận đặt câu hỏi: Tại sao Công ty Louis này có thể nhận được dự án có quá nhiều ưu đãi đến vậy?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc