Khoáng sản

Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã thể hiện quan điểm khá rõ ràng

Khương Trung (thực hiện) 17/10/2024 - 10:30

(TN&MT) - Trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, đánh giá và cho ý kiến xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản, Đại biểu Ma Thị Thúy Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã thể hiện những quan điểm rõ ràng, đưa ra được nhiều vấn đề nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án Luật để đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước.

3-2-.jpg
Đại biểu Ma Thị Thúy
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tuyên Quang

PV: Thưa ĐBQH Ma Thị Thúy , theo bà, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản sau khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XV đến nay đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu như thế nào?

Đại biểu Ma Thị Thúy: Tôi đánh giá cao về hồ sơ dự án Luật được cơ quan soạn thảo luôn cầu thị và lắng nghe những ý kiến đóng góp xây dựng luật của các ĐBQH. Những văn bản mới nhất của Chính phủ cũng đã thể hiện những quan điểm rõ ràng, thẳng thắn, đưa ra được nhiều vấn đề để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật. Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản cũng cơ bản đã đáp ứng với yêu cầu của Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tôi tán thành về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước.

Để đáp ứng được yêu cầu trên, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV, tôi nghĩ rằng cơ quan soạn thảo cần tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các ĐBQH để tiếp tục rà soát các quy định trong Dự thảo Luật bảo đảm đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện nay cũng như thống nhất giữa Dự thảo Luật với Dự thảo các luật khác đang trình Quốc hội.

PV: Từ Luật Khoáng sản 2010, bà thấy còn nội dung nào còn hạn chế cần được tháo gỡ đối với dự án Luật Địa chất và Khoáng sản để khơi thông nguồn lực, tạo nội lực phát triển cho địa phương?

Đại biểu Ma Thị Thúy: Tôi cho rằng công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản đã gặp những bất cập, khó khăn.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định vấn đề hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác là nội dung bắt buộc khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án khai thác khoáng sản. Các dự án khai thác khoáng sản thuê đất trong suốt vòng đời của mỏ và tiến hành hoàn trả lại đất đã hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khi kết thúc dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản vẫn còn gặp phải những bất cập, khó khăn do quy định của pháp luật, cụ thể:

Theo quy định tại Điều 31, Luật Khoáng sản “Sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản” đã bộc lộ bất cập: Doanh nghiệp không thể thực hiện trách nhiệm đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai vì không còn quyền sử dụng đất, theo quy định tại Điều này, khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì hợp đồng thuê đất cũng chấm dứt hiệu lực. Do đó, tổ chức, cá nhân khi thực hiện Đề án đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai gặp khó khăn do hợp đồng thuê đất đã chấm dứt hiệu lực. Nội dung này Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ghi nhận khi tổ chức Hội nghị đánh giá 8 năm thực hiện chính sách, quy định của Luật Khoáng sản để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Khoáng sản "2. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể, phá sản hoặc không có khả năng thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ năng lực lập, thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Kinh phí thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được lấy từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân được phép khai thác".

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 37 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường "9. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã ký quỹ nhưng giải thể hoặc phá sản và chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ của dự án khai thác khoáng sản có trách nhiệm sử dụng số tiền đã ký quỹ bao gồm cả tiền lãi để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường".

Trong các văn bản trên đều không quy định đối với tổ chức, cá nhân đã bị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản (nhưng chưa bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), không thực hiện lập và thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nên khó thực hiện lấy nguồn kinh phí do doanh nghiệp đã ký quỹ để thực hiện đóng cửa mỏ.

3-1-.jpg

PV: Vậy theo Đại biểu, để khắc phục vấn đề trên, dự án Luật Địa chất và Khoáng sản nên cụ thể hóa vấn đề này vào Luật như thế nào?

Đại biểu Ma Thị Thúy: Thực tế hiện nay đã phát sinh nhiều loại khoáng sản thông thường cần phải được quy định riêng, thủ tục riêng, khác với các loại khoáng sản như vàng, bạc, đá quý... để có cơ sở điều chỉnh rút gọn thời gian cấp phép mỏ.

Theo phân cấp thẩm quyền cấp phép hiện nay, Bộ TN&MT là cơ quan cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với các loại khoáng sản vàng, bạc, kim loại, đá quý, khoáng chất công nghiệp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cấp phép khai thác tận thu khoáng sản.

Tuy nhiên, trình tự thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với các loại khoáng sản vàng, bạc, đá quý,… và các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là như nhau. Do đó cần quy định riêng về trình tự thủ tục Cấp phép khai thác khoáng sản đối với Bộ TN&MT và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Về giải pháp, hiện nay việc cơ quan quản lý nhà nước sử dụng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản của Doanh nghiệp để thực hiện đóng cửa mỏ còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp phải thuộc trường hợp đã giải thể hoặc phá sản thì cơ quan quản lý nhà nước mới được sử dụng tiền của Doanh nghiệp đó đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường để thực hiện đóng cửa mỏ.

Do đó, cần điều chỉnh lại như sau: Trường hợp các doanh nghiệp không thực hiện đóng cửa mỏ khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, mặc dù chưa giải thể hoặc phá sản, Nhà nước vẫn có quyền sử dụng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường Doanh nghiệp đã nộp để thực hiện việc đóng cửa mỏ.

Bên cạnh đó, khi hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản và hết hạn hợp đồng thuê đất, doanh nghiệp vẫn thực hiện theo đề án đóng cửa mỏ đã được phê duyệt cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định đóng cửa mỏ, thời gian doanh nghiệp thực hiện các hạng mục theo đề án đóng cửa mỏ phải được tính thêm tiền thuê đất đối với thời gian này.

PV: Đại biểu có thể nêu thêm các chế tài mạnh để đủ sức răn đe các doanh nghiệp cố tình hoặc phớt lờ trách nhiệm đóng cửa mỏ hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản?

Đại biểu Ma Thị Thúy: Cần điều chỉnh mức thu và hình thức thu đối với tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Cụ thể là không chia đều tiền ký quỹ theo tuổi mỏ được cấp phép, mà doanh nghiệp phải hoàn thành việc nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong một nửa thời gian theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp. (giống như hình thức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hiện nay).

Trường hợp doanh nghiệp chưa giải thể hoặc phá sản mà không thực hiện đóng cửa mỏ thì phải có chế tài mạnh hơn như khóa hóa đơn, thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp (kể cả đối với những doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực).

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã thể hiện quan điểm khá rõ ràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO