Dự án Khu chợ văn hóa, bến xe khách Sa Pa: Bài 2: Trách nhiệm thuộc về ai?

07/05/2015 00:00

(TN&MT) - Dự án Khu chợ văn hóa, bến xe khách Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, 10 năm qua vẫn chưa có hồi kết. Doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư đến nay vẫn chưa thu hồi được vốn; người dân mất đất khiếu kiện kéo dài; chính quyền đau đầu tìm hướng giải quyết.

Cụ ông 90 tuổi theo kiên 10 năm

Ông Tạ Đức Minh (90 tuổi), cựu chiến binh trú tại tổ 2B, thị trấn Sa Pa bức xúc: Theo Giấy chứng nhận số 0005/QSDĐ, cấp ngày 16/5/1990 của gia đình tôi, có tổng diện tích 2.906,3m2. Trong đó, diện tích đất ở (đất thổ cư) và đất vườn là 920m2, số còn lại là đất nông nghiệp. Thời điểm UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định phê duyệt dự án là tháng 6/2005 và tổ chức thực hiện theo Luật Xây dựng, Luật Đất đai năm 2003, theo khoản 2 Điều 87 Luật Đất đai 2003, đối với trường hợp thửa đất ở có vườn ao được hình thành trước ngày 18/12/1980 và người đang sử dụng có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của luật này thì diện tích đất vườn ao đó được xác định là đất ở.

Cùng thời điểm năm 2005, UBND huyện Sa Pa ra Quyết định số 208/QĐ-UB, thu hồi toàn bộ tích 2.906,3m2 của gia đình tôi. Trong đó, đất ở (thổ cư) chỉ có 125,7m2, số còn lại quy thành đất nông nghiệp. Điều này thể chấp nhận được! Hơn nữa, khi mọi việc giữa các hộ dân và chính quyền địa phương chưa giải quyết lại thì ngày 27/3/2013, UBND huyện Sa Pa nhanh chóng ra kế hoạch cưỡng chế đất để thu hồi cho dự án và đền bù cho gia đình tôi 2 suất đất ở có diện tích 180m2 và yêu cầu gia đình tôi phải nộp số tiền 1,8 tỷ đồng để lấy 2 suất đất đó. Luật ở đâu mà gia đình tôi lại vừa mất đất, vừa mất tiền?

Phóng viên báo TN&MT làm việc với các hộ người dân có liên quan đến Dự án khu chợ văn hóa, bến xe khách Sa Pa
Phóng viên báo TN&MT làm việc với các hộ người dân có liên quan đến Dự án khu chợ văn hóa, bến xe khách Sa Pa

Ngày 18/10/2013, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Pa ký Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) quy 382,5m2 đất gia đình ông Tạ Đức Minh là đất nông nghiệp, không có nhà ở trên đất. Trong khi đó, gia đình ông Minh vẫn đang có nhà ở ổn định trên đất từ những năm 1960 và có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1990. 1 năm sau, UBND huyện Sa Pa lại ra quyết định thu hồi số đất vừa cấp cho gia đình ông Minh. Tiếp đến ngày 19/5/2014, UBND huyện Sa Pa lại ra quyết định trả lại cho gia đình ông Minh  602,1m2 đất ở.

Theo ông Tạ Đức Minh: Nếu UBND huyện Sa Pa lấy đất của chúng tôi để phục vụ cho an ninh quốc phòng, xây dựng công trình phúc lợi thì gia đình hoàn toàn chấp hành và hiến đất. Nhưng thu hồi để chia lô đem bán cho các cá nhân để hưởng chênh lệch mỗi suất lên đến hơn 800 triệu đồng thì đó là việc làm không thể chấp nhận được. Và nếu huyện đồng ý cho doanh nghiệp đổi đất lấy hạ tầng thì doanh nghiệp phải đứng ra thương lượng với các hộ dân. Khi gia đình tôi xây một căn nhà tạm để ở vì ngôi nhà cũ làm từ những năm 1960 đã xuống cấp, thì ngay lập tức bị UBDN huyện Sa Pa ra quyết định cưỡng chế, phá dỡ và tuyên bố thu hồi đất cho dự án. Trong khi đó, UBND huyện Sa Pa lại để cho doanh nghiệp ngang nhiên lấy phần đất hiện còn đang tranh chấp của gia đình tôi và nhiều hộ khác mang bán cho các hộ dân và còn cấp GCNQSDĐ. Theo GCNQSDĐ năm 1990 thì gia đình tôi hiện đang còn thiếu 317,9m2 đất ở mà phía chính quyền huyện Sa Pa chưa giải quyết. 

Ngoài gia đình ông Minh còn có hộ bà Phí Thị Dưỡng cũng xảy ra vấn đề bức xúc. Năm 1992, bà chia đất cho 8 người con. Ban đầu dự án thu hồi 1.400m2 với giá 17 triệu đồng... Tuy nhiên, phần đất bà làm nhà đã không được đền bù theo giá nhà đất mà đền bù theo giá đất rừng.

Dự án còn “treo”, dân còn khổ

Ngôi nhà của ông Tạ Đức Minh đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông và các con muốn dựng lại căn nhà chắc chắn chống mưa chống lũ, hiềm nỗi đất nằm trong khu dự án nên đành chịu. Năm nào ông cũng ngóng, mong họ sớm giải quyết mà vẫn không thấy gì.

10 năm triển khai dự án cũng là 10 năm người dân sống trong lo âu, thấp thỏm, muốn dựng lại ngôi nhà khang trang mà không thể vì khu đất đang nằm trong quy hoạch của dự án. Bên cạnh đó là những mâu thuẫn nảy sinh khi đất chưa bàn giao, mức đền bù chưa thỏa đáng đã có chủ khác về đòi đất. Người chủ mới đến cũng đã bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua đất ở vậy mà đất hiện vẫn còn tranh chấp. Mâu thuẫn cũ chưa giải quyết xong, mâu thuẫn mới đã nảy sinh khiến các hộ dân  “tiến thoái lưỡng nan”, gây bức xúc dư luận luận.

Vẫn biết mục tiêu của dự án là chủ trương lớn của tỉnh Lào Cai, nhằm mở rộng và thay đổi diện mạo của thị trấn Sa Pa. Nhưng mục tiêu nào thì cũng không thể nằm ngoài lợi ích chính đáng, hợp pháp của mọi người dân. Đặc biệt, trong việc giữ vững an ninh trật tự, củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền sở tại và luật pháp.

Đến bao giờ Dự án Khu chợ văn hóa, bến xe khách Sa Pa được giải quyết dứt điểm? Câu hỏi này dành cho tỉnh Lào Cai và UBND huyện Sa Pa.

Bài và ảnh: Trần Hương

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Khu chợ văn hóa, bến xe khách Sa Pa: Bài 2: Trách nhiệm thuộc về ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO