1m2 đất chưa bằng… nửa bát phở
Tháng 11/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 4318/QĐ-UBND chủ trương đầu tư Dự án Công viên nghĩa trang nhân dân tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Nhà đầu tư là: Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Quảng Ninh, với tổng diện tích đất là 312.410m2. Mục tiêu xây dựng nghĩa trang nhân dân sử dụng các hình thức mai táng văn minh, hiện đại; công trình kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiết kiệm quỹ đất, bảo vệ môi trường…
Khi tiến hành phương án bồi thường, hỗ trợ 12 hộ dân có diện tích đất trồng cây ăn quả tại khu vực Khe Mưa, thôn Thành Long, xã An Sinh đã thường xuyên có đơn thư về việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất là không đúng thực tế. Trách nhiệm là do đơn vị giao khoán đất Lâm trường Đông Triều (nay là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều) và chính quyền địa phương, dẫn đến việc người dân phải “lãnh” hậu quả. Đất đai người dân đã sử dụng 24 năm, cải tạo, trồng cây và xây dựng công trình chăm nom, nhưng nay bồi thường, hỗ trợ chỉ bằng 1/10 so với các hộ gia đình khác.
Các hộ dân đứng đơn kiến nghị: “Khi nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ, chúng tôi thường xuyên có đơn thư và kiến nghị gửi các cấp chính quyền về hiện trạng sử dụng đất trồng cây ăn quả tại thôn Thành Long thuộc trường hợp thu hồi đất để thực hiện Dự án Công viên nghĩa trang nhân dân xã An Sinh. Các hộ dân không đồng ý phương án bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (30%) của giá đất trồng cây. Giá bồi thường, hỗ trợ chỉ 12.000 đồng/m2 (tính ra chưa bằng nửa bát phở) nên các hộ dân đã rất bức xúc, đâm đơn nhiều cơ quan, ban, ngành… tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu chính quyền xem xét làm rõ, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của dân. Nguyên nhân giá đền bù quá “bèo” là do chính quyền xác định nguồn gốc đất là rừng sản xuất (do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều) quản lý cho các hộ dân thuê, vì chưa thanh lý hợp đồng.
Người dân nhận đền bù 1m2 đất chưa bằng nửa bát phở |
Trên thực tế, các hộ dân chúng tôi được Lâm trường Đông Triều (nay là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều) giao khoán đất trồng cây ăn quả từ năm 1997 thuộc Dự án trồng cây ăn quả lâu năm. Đến thời điểm tháng 6/2004, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều đã trả lại diện tích đất (trong đó có diện tích đất của 12 hộ dân) cho xã An Sinh quản lý. Diện tích đất này đã được lập thành bảng biểu tổng hợp số 02, với 9 chữ ký và đóng dấu của các cơ quan, ban, ngành. UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) và Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã An Sinh ký xác nhận”.
Dân lãnh hậu quả do đâu...?
Qua tìm hiểu, được biết, ngày 2/11/2017 Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều đã có Văn bản số 130/LN gửi UBND xã An Sinh và thị xã Đông Triều, trong đó có nội dung: “Căn cứ vào hồ sơ xin giao đất lâm nghiệp cho Lâm trường Đông Triều trước đây (nay là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều) đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 2557/QĐ-UBND ngày 3/8/2006 về việc giao và thuê đất của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều để quản lý bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng sản xuất kinh doanh tại huyện Đông Triều. Tổng diện tích đất đai tài nguyên rừng Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều xin giao trả cho xã An Sinh là 1.436,10ha…”
Thế nhưng thật “trớ trêu”, các hộ dân nhận khoán vẫn chưa thanh lý hợp đồng và chính quyền địa phương không làm thủ tục chuyển đổi sang đất do xã quản lý. Chính vì vậy, xã An Sinh đã có Báo cáo số 130/BC-UBND gửi UBND thị xã Đông Triều về việc: Xác minh nguồn gốc đất của các hộ dân để làm phương án bồi thường, hỗ trợ. Xã xác nhận các hộ có nguồn gốc đất nhận giao khoán của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều (năm 1997) loại đất nhận giao khoán là đất rừng sản xuất. Xã An Sinh đề nghị UBND thị xã Đông Triều điều chỉnh Thông báo 698/TB-UBND từ đất trồng cây lâu năm sang đất rừng sản xuất. Từ đó, UBND thị xã Đông Triều đã ra Thông báo 317/TB-UBND điều chỉnh một phần Thông báo thu hồi đất số 698/TB-UBND ngày 28/12/2017 và Thông báo điều chỉnh số 309/TB-UBND ngày 5/8/2019 của UBND thị xã Đông Triều. Trong đó, các hộ dân được điều chỉnh từ đất trồng cây lâu năm sang đất rừng sản xuất.
Người dân phản ánh với phóng viên |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã An Sinh cho biết: “Việc người dân phản ánh đất giao khoán của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều đã trả về cho địa phương quản lý (năm 2006) là đúng. Trong quá trình xác minh nguồn gốc đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ thì 12 hộ dân chưa thực hiện thanh lý Hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp với Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều. Do vậy, xã không thể xác nhận đây là đất trồng cây lâu năm do xã quản lý, mà vẫn là đất rừng sản xuất các hộ nhận khoán từ Công ty. Nguyên nhân là do chính quyền và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đông Triều chưa xây dựng phương án giao đất và hướng dẫn người dân thanh lý hợp đồng, thủ tục chuyển đổi để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Trước phản ánh của người dân về việc 2 hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Kim Chuyển cũng nhận diện tích giao khoán như 12 hộ dân (được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) - ông Nguyễn Văn Thắng xác nhận là có, và chính quyền đang tiến hành xác minh quy trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để báo cáo thị xã.
Ông Hoàng Đình Tuấn, Phó Chánh văn phòng UBND thị xã Đông Triều cho biết: “Thị xã Đông Triều đã có Quyết định số 2056/QĐ-UBND ngày 6/10/2021 về việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân nói trên. Người dân không đồng tình với Quyết định của UBND thị xã thì có thể khiếu nại lên cấp trên, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án”.
Trong Quyết định số 2056/QĐ-UBND thị xã Đông Triều kết luận, ghi: Trước ngày 31/8/2006 (Quyết định 2557/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ninh có hiệu lực) các hộ gia đình, cá nhân đang được giao khoán đất của Lâm trường Đông Triều là đối tượng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định Điểm đ, Khoản 2, Điều 41, Nghị định số 181/2004/NĐ- CP. Sau thời điểm ngày 31/8/2006, các hộ gia đình, cá nhân tuy không nằm trong quy hoạch đất rừng được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Lâm trường Đông Triều, nhưng cho đến nay chưa đến Công ty để thanh lý Hợp đồng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Công ty, phần diện tích đang sử dụng nên chưa được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 4, Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 7 Nghị định số 200/2004NĐ-CP của Chính phủ: “Đối với diện tích đất không nằm trong quy hoạch để giao cho các công ty lâm nghệp và Ban Quản lý rừng thì UBND cấp tỉnh có quyết định thu hồi và ưu tiên giao diện tích đất này cho đồng bào dân tộc tại chỗ chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất và đất ở theo mức bình quân chung tại địa phương. Việc quản lý và sử dụng những diện tích đất được thu hồi phải theo đúng quy định của luật đất đai…”
Vậy có thể thấy, 15 năm qua, các hộ dân trồng cây ăn quả lâu năm tại thôn Thành Long sử dụng đất khoán của Lâm trường Đông Triều đã được trả về địa phương quản lý, nhưng Hợp đồng vẫn chưa được thanh lý, trách nhiệm này do đâu? Đất do địa phương quản lý, người dân sử dụng không nộp thuế, không được thu hồi giao lại… các hộ nhiều lần kiến nghị, đề nghị xem xét được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được giải quyết. Trách nhiệm quản lý đất đai ra sao? Người dân “lãnh hậu quả” là do người sử dụng đất, hay nguyên nhân nào?