Đông Nam bộ: Ám ảnh mất an toàn lao động

03/04/2015 00:00

                                                                                                                   

(TN&MT) - Vùng Đông Nam bộ có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động, thu hút hàng trăm ngàn lao động ở khắp vùng, miền trong nước về làm việc. Đáng nói là do không đảm bảo khâu an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ – PCCN), nên nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đau lòng đã xảy ra thời gian qua.

Anh Vũ Văn Miền (khu phố 7, phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị TNLĐ trong quá trình làm việc
Anh Vũ Văn Miền (khu phố 7, phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị TNLĐ trong quá trình làm việc

Muôn kiểu mất an toàn

 

Ngay trong Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ – PCCN năm nay, các vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra, khiến nhiều người thương vong. Cụ thể, sáng 27/3, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại nhà nghỉ Uyên Hạ, số 32, đường Trương Văn Bang, phường 7, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khiến nhiều người bị thương. Vụ cháy xuất phát từ tầng trệt bốc lên tầng 3 của tòa nhà. Tại thời điểm xảy ra vụ cháy trong nhà nghỉ có khoảng 10 người (9 người lớn và 1 em nhỏ) và tất cả đều ở tại tầng 3. Khi phát hiện ra cháy, có 5 người ở phòng 305 nhảy từ tầng 3 xuống đất, những người khác phá khóa cửa phía sau nhà leo lên tum tầng thượng và đập tường trèo qua nhà bên cạnh.

 

Bị TNLĐ do máy cuốn, anh Lâm Quang Trí (42 tuổi), công nhân Công ty CP Bao bì MM Vidon (KCN Sóng Thần 3, tỉnh Bình Dương) bị mất đi bàn tay trái. Thấy anh Trí mặc cảm trước hình hài của mình, Ban Giám đốc cùng Công đoàn công ty đã đến động viên. Hiện nay, anh được bố trí làm khâu kiểm tra sản phẩm của công ty. Anh Trí thổ lộ: “Ban đầu bị TNLĐ mất đi một bàn tay, tôi nghĩ cuộc sống đã chấm dứt. Tuy nhiên, tôi may mắn được công ty tạo mọi điều kiện giúp đỡ để điều trị. Khi sức khỏe hồi phục, tôi được công ty bố trí công việc phù hợp với bản thân”.

 

Trong lúc cả nước đang hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ - PCCN lần thứ 17, thì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, không ít doanh nghiệp (DN) lẫn người lao động (NLĐ) vẫn còn coi thường công tác này. Tại Công ty Dona Quế Bằng (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), đoàn kiểm tra do Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh Đồng Nai dẫn đầu đã phải lập tới 3 biên bản xử phạt hành chính, với số tiền lên đến trên 40 triệu đồng. Nguyên nhân phải chịu phạt là do công ty này tự ý cơi mái che giữa hai xưởng, đặt vật làm che khuất, cản lối vào của xe chữa cháy giữa các xưởng khi có hỏa hoạn. Không dừng lại ở đó, hệ thống chữa cháy khi kiểm tra đều không hoạt động. Một số khu vực sử dụng hóa chất, mùi bốc ra khó chịu nhưng công nhân không đeo khẩu trang bảo hộ.

 

Đoàn kiểm tra còn phát hiện công ty này không thực hiện đánh giá tác động môi trường làm việc, NLĐ cũng không được tập huấn về ATVSLĐ - PCCN. Công ty sản xuất mực in Tân Đông Dương (KCN Biên Hòa 1) từng xảy ra hỏa hoạn lớn vào năm 2012. Tuy nhiên, nhận thức của chủ DN lẫn NLĐ ở đây vẫn chưa thực sự chuyển biến. Môi trường sản xuất mực in được cho là rất độc, tuy nhiên hầu hết công nhân không đeo khẩu trang, găng tay...

Chị Hoàng Thị Lịch (ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bị TNLĐ trong quá trình làm việc và bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động.
Chị Hoàng Thị Lịch (ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bị TNLĐ trong quá trình làm việc và bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động.

Nâng cao ý thức phòng chống

 

Theo thống kê của Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Nai, năm 2014 toàn tỉnh đã xảy ra tới 1.506 vụ, làm 1.557 người bị nạn, trong đó có 22 vụ tai nạn chết người, làm 22 người chết, ước thiệt hại về thuốc men, điều trị cho người bị nạn gần 6,5 tỷ đồng. Trong khi đó, tình hình cháy nổ đã xảy ra 18 vụ (giảm 32 vụ), nhưng có tới 9 người bị chết. Thiệt hại về tài sản của các vụ cháy, nổ lên tới 5 tỷ đồng.

 

Còn số liệu của Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương cho thấy, trong năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ cháy, chủ yếu xảy ra tại DN, cơ sở tư nhân, nhà dân, gây thiệt hại về tài sản ước tính hơn 62 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ cháy giảm 10 vụ. Tuy nhiên, tăng 2 người chết, tăng 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng hơn 40 tỷ đồng. Trong đó có những vụ cháy điển hình gây khó khăn cho công tác chữa cháy như: tại thị xã Bến Cát, vụ cháy của Công ty TNHH TNA thiệt hại về tài sản ước tính 20 tỷ đồng; Công ty TNHH gỗ GHP Intertional (vốn đầu tư Đài Loan) cháy thiệt hại ước tính 14 tỷ đồng; tại thị xã Thuận An, Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam cháy thiệt hại 15 tỷ đồng. Riêng quý 1/2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ, trong đó cháy trong DN 4 vụ, cơ sở tư nhân 1 vụ, nhà dân 1 vụ có 1 người chết, thiệt hại tài sản hơn 13 tỷ đồng.

 

TNLĐ là nỗi ám ảnh không chỉ của những nạn nhân bị tai nạn, mà những người thân của họ cũng đau đớn khôn cùng. Chỉ vì một phút bất cẩn, lơ là hay chỉ vì sự cố xảy ra ngoài ý muốn thì có thể xảy ra TNLĐ, khiến một số công nhân bị TNLĐ phải mang thương tật suốt đời. San sẻ nỗi đau của các trường hợp bị TNLĐ, cũng như hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ - PCCN năm nay, tỉnh Bình Dương đã tổ chức 2 đoàn đi thăm, tặng quà cho các đối tượng bị TNLĐ nặng. Mỗi trường hợp được nhận một phần quà là tiền mặt, trị giá từ 2- 4 triệu đồng. 

 

Ở lĩnh vực phòng chống cháy, nổ, hiện vùng Đông Nam bộ đang vào cao điểm của mùa khô, nắng nóng gay gắt và có gió lớn, nếu xảy ra sự cố hoả hoạn là hậu quả khó lường. Do đó, công tác PCCC không chỉ được thực hiện trong Tuần lễ Quốc gia mà đòi hỏi mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, công sở, DN và chính quyền địa phương phải luôn có trách nhiệm cảnh giác, trong đó, phòng cháy là vấn đề cốt lõi.

 

Theo ông Nguyễn Văn Dựt, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương, để cháy nổ không xảy ra - ngoài sự chủ động của cơ quan chức năng, mỗi người dân luôn phải nêu cao tinh thần PCCC. Đối với lực lượng phòng cháy cơ sở, khi xảy ra cháy phải chủ động chữa cháy, tránh tình trạng chỉ làm nhiệm vụ gọi báo cho lực lượng PCCC. Còn ông Đoàn Văn Đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho rằng, Công đoàn cơ sở và NLĐ có thể tham gia hiệu quả vào kéo giảm TNLĐ, cháy nổ. Trước hết là tự giác thực hiện các quy định, giám sát và yêu cầu DN thực hiện nghiêm quy định về ATVSLĐ - PCCN. Trường hợp DN không chấp hành thì kiến nghị cơ quan chức năng vào kiểm tra, thậm chí chấm dứt hoạt động của DN để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình.

NLĐ Vũ Văn Dũng (phường Tân Mai, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị điện giật trong quá trình lao động, vừa được TAND tỉnh Đồng Nai tuyên thắng kiện.
NLĐ Vũ Văn Dũng (phường Tân Mai, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị điện giật trong quá trình lao động, vừa được TAND tỉnh Đồng Nai tuyên thắng kiện.

 

 Ngày 31/3, tại phiên xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên buộc Công ty TNHH cơ khí chính xác Đồng Hiệp Phát (nằm trên địa bàn phường Tân Biên, TP Biên Hòa) bồi thường cho NLĐ Vũ Ngọc Dũng (cư ngụ tại phường Tân Mai, TP Biên Hòa) tổng số tiền 464 triệu đồng, bao gồm các khoản: chi phí điều trị, tiền bị mất thu nhập của người chăm sóc, tiền lương trong lúc nằm điều trị... Anh Dũng được Công ty TNHH cơ khí chính xác Đồng Hiệp Phát nhận vào làm việc từ ngày 14/5/2012, với công việc đứng máy sản xuất ốc vít, có mức lương là 2,5 triệu đồng/tháng. Anh Dũng không được công ty ký hợp đồng lao động, không đóng BHXH. Ngày 5/6/2012, trong lúc anh Dũng đang vận hành máy thì bị điện giật, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hiện tại, Dũng bị mất năng lực hành vi (tỷ lệ thương tật 85%), sống đời sống thực vật, mọi sinh hoạt của Dũng đều do mẹ của Dũng giúp đỡ.        

 

Bài & ảnh: Thục Vy                                                          

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam bộ: Ám ảnh mất an toàn lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO