(TN&MT) - UBND tỉnh Đồng Nai vừa có Tờ trình số 6254/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị phê duyệt Đề án xây dựng cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành.
Phối cảnh dự án Cảng HKQT Long Thành |
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2017/TTg-KTN ngày 09/11/2015 và của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 2089/VPCP-KTN ngày 29/3/2016 về việc tình hình triển khai và một số biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cảng HKQT Long Thành.
UBND tỉnh Đồng Nai đã chủ động phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Đề án xây dựng cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng HKQT tế Long Thành.
Dự án Cảng HKQT Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 20/7/2005 về phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô và phân khu chức năng Cảng HKQT Long Thành và Quyết định 909/TTg ngày 14/6/2011 về phê duyệt quy hoạch dự án Cảng HKQT Long Thành.
Dự án Cảng HKQT Long Thành có diện tích thu hồi 5.000 ha, nằm trên địa bàn 06 xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Xây dựng dự án Cảng HKQT Long Thành làm ảnh hưởng đến cuộc sống hơn 4.000 hộ gia đình với hơn 15.000 nhân khẩu.
Ngày 25/6/2015, Quốc hội khóa 13 kỳ họp thứ 9 ban hành Nghị quyết số 94/2015/QH13 về Quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành. Quốc hội chỉ đạo Chính phủ xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đồng thời, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi; quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích chưa sử dụng theo quy hoạch được phê duyệt của dự án; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; tổ chức phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án.
Theo Báo cáo số 501/BC-CP ngày 12/10/2015 của Chính phủ về việc báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số94/2015/QH13 của Quốc hội về dự án Cảng HKQT Long Thành, thời gian lập phương án, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Cảng HKQT Long Thành được thực hiện trong năm 2018.
Một khu dân cư, tái định cư ở Đồng Nai (ảnh minh họa) |
Với thực trạng và tính chất như trên, bên cạnh việc xây dựng khung chính sách cho dự án theo quy định tại Điều 87 Luật Đất đai năm 2013, UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng cơ chế đặc thù nhằm bổ sung: các cơ chế, chính sách mà pháp luật chưa quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chính hỗ trợ về giáo dục, đào tạo nghề, y tế và các vấn đề an sinh xã hội khác để bảo đảm cho người dân trong vùng dự án sớm ổn định và có cuộc sống tốt hơn sau khi di dời về nơi ở mới.
Song song đó, cơ chế đặc thù về xây dựng hạ tầng khu tái định cư; giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để có thể bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư có thể triển khai thực hiện dự án vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Trong đó, đối với cơ chế đặc thù thu hồi đất, theo quy định của Luật Đầu tư công 2014, Luật Xây dựng 2014 và Điều 87 Luật Đất đai 2013 và Điều 17 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2018), Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cho tách tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và bàn giao cho địa phương làm Chủ đầu tư thì khoảng 03 năm sau (đầu năm 2021) mới bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư.
Việc này sẽ dẫn đến chậm tiến độ chung dự án Cảng HKQT Long Thành. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho tách ngay tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm Chủ đầu tư để triển khai ngay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo năm 2019 khởi công xây dựng Cảng HKQT Long Thành.
Về cơ chế đặc thù xây dựng hạ tầng tái định cư, việc triển khai lập dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư đã được Chính phủ cho phép nhưng sẽ được phê duyệt sau khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S). Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chấp thuận cho Đồng Nai được phê duyệt dự án trước khi phê duyệt F/S và cập nhật vào trong F/S được duyệt.
Bên cạnh đó, cho phép UBND Đồng Nai áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu tư vấn và thi công đối với 02 dự án tái định cư và nghĩa trang huyện Long Thành; ủy quyền cho UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng như: tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán đối với 02 dự án tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn.
Đối với cơ chế đặc thù về nguồn vốn, theo báo cáo của đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại cuộc họp xây dựng đề án thì ACV đang báo cáo các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ được sử dụng nguồn vốn từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện.
Trước mắt để có nguồn vốn thực hiện việc đầu tư xây dựng 02 khu tái định cư để di dời các hộ dân, trong đó các hạng mục thực hiện gồm: Chi phí bồi thường để thực hiện 02 khu tái định cư, chi phí xây dựng 02 khu tái định cư và chi phí bồi thường nghĩa địa (50 ha tại xã Bình An, huyện Long Thành), tổng kinh phí thực hiện khoảng 5.440 tỷ đồng.
UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ứng vốn cho Đồng Nai được thực hiện các nội dung trên. Trong đó, được sử dụng nguồn kinh phí thặng dư của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khoảng 1.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ dưới hình thức Công trái xây dựng Tổ quốc có kỳ hạn từ một năm trở lên, đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam. Lãi suất của trái phiếu được tính vào tổng mức đầu tư của dự án...
Tường Tú