Đồng Nai quản lý, bảo vệ tài nguyên nước bền vững

Bài và ảnh: TƯỜNG TÚ| 19/11/2019 10:59

(TN&MT) - Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, Sở TN&MT Đồng Nai đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước, nhất là nguồn tài nguyên nước mặt, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, phục vụ hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Theo Quy hoạch Tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, hệ thống nước mặt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được chia thành 12 lưu vực. UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-UBND ngày 7/4/2016 về việc phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, hàng năm, Sở TN&MT Đồng Nai thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt tại các sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2019, Sở TN&MT Đồng Nai thực hiện quan trắc chất lượng nước mặt tại 166 vị trí 18 sông, 55 suối, 20 hồ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Qua đó, đã thông báo diễn biến chất lượng nước mặt đến các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa, ưu tiên hàng đầu là các khu vực cấp nước sinh hoạt, khu vực nuôi trồng thủy sản để người dân và doanh nghiệp biết và có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT Đồng Nai đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo UBND các huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải trên địa bàn, thực hiện các dự án nạo vét, khai thông dòng chảy tại các sông, suối có chất lượng nước ô nhiễm liên tục; tăng cường giám sát không để người dân xả thải chất thải sinh hoạt xuống sông, suối gây tắc nghẽn dòng chảy và gia tăng ô nhiễm nước mặt.

Đối với nước dưới đất, để bảo vệ nguồn nước dưới đất, duy trì khả năng khai thác nước dưới đất bền vững, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 884/QĐ-UBND ngày 8/3/2018 về phê duyệt danh mục vùng cấm khai thác nước dưới đất, vùng cấm xây mới công trình khai thác nước dưới đất, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất đối với các huyện: Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và TP. Biên Hòa và bản đồ vùng cấm, vùng hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất đối với các huyện Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa tỷ lệ 1:25000 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Kiểm soát chặt nước thải

Hiện, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 31/32 KCN đi vào hoạt động đã thu hút đầu tư của 43 quốc gia với 1.671 dự án, tạo công ăn việc làm cho hơn 561.800 lao động trong và ngoài nước. Về cơ bản, 31 KCN đã xây dựng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) đạt quy chuẩn môi trường với tổng công suất thiết kế 166.070 m3/ngày.đêm. Riêng KCN Công nghệ cao Long Thành đang thu hồi đất đầu tư hạ tầng.

Hiện tại, 31 KCN đang hoạt động với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 120.358 m3/ngày, trong đó, có 1.223/1.267 dự án thực hiện đấu nối nước thải về HTXLNTTT KCN để xử lý với lưu lượng 90.972m3/ngày (chiếm tỷ lệ 75.58%); 35 cơ sở tự xả thải theo Giấy phép xả thải do cơ quan có thẩm quyền cấp với lưu lượng khoảng 29.210m3/ngày (chiếm tỷ lệ 24,27%); còn lại 9 cơ sở nước thải phát sinh ít (khoảng 0,15% tổng lượng nước thải) chủ yếu là nước thải sinh hoạt từ hoạt động của các văn phòng được xử lý qua hệ thống các bể tự hoại theo quy định.

Trong 31 KCN có 25 KCN có đủ nước để vận hành liên tục HTXLNTTT đã được UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở TN&MT Đồng Nai đầu tư lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải liên tục với các thông số: lưu lượng đầu ra, pH, nhiệt độ, TSS, COD, Amoni, Nitrat. Đồng thời, có hệ thống giám sát camera bên trong và bên ngoài nhà trạm tại hệ thống đo lưu lượng; hệ thống điều khiển bơm thu mẫu tự động khi chất lượng nước vượt quy chuẩn và lưu tại tủ bảo quản mẫu phù hợp quy định.

Riêng đối với các nguồn thải nước thải lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay như: KCN, các doanh nghiệp có nguồn thải trên 1.000m3/ngày, Sở TN&MT Đồng Nai đã thực hiện giám sát tự động, liên tục nước thải thông qua hệ thống quan trắc tự động nước thải, truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN&MT. Hầu hết, nước thải của các nguồn thải lớn đều được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Còn đối tất cả các doanh nghiệp nói chung, trong đó, có các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Sở TN&MT Đồng Nai có kế hoạch kiểm tra, giám sát định kỳ và xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp có hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường.

Đồng Nai triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước

Đầu tư quan trắc tự động

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, qua kết quả quan trắc cho thấy, đối với chất lượng nước mặt tại các vị trí cấp nước năm 2019 có cải thiện hơn so với năm 2018. Tại một số hồ chất lượng nước rất tốt và tương đối ổn định qua các năm. Tại khu vực Xí nghiệp nước Vĩnh An chất lượng nước rất tốt với hầu hết các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép. Còn tại Nhà máy nước Thiện Tân hầu hết các đợt quan trắc có chất lượng nước đều tốt đạt mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy vậy, vào một vài thời điểm trong năm hàm lượng hữu cơ và vi sinh tăng cao chưa đạt quy chuẩn.

Theo nhận định của Sở TN&MT Đồng Nai, từ những kết quả quan trắc trên cho thấy, chất lượng nước mặt tại các khu vực cấp nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn đạt nhu cầu cấp nước theo quy định đối với hàm lượng Amoni, TSS và vi sinh. Tại vị trí trạm bơm nước Hóa An, Nhà máy nước Biên Hòa (sông Đồng Nai đoạn 3) để sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, cần có biện pháp xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó, kết quả quan trắc cũng cho thấy, hiện trạng các sông suối nhỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang là nguồn tiếp nhận nước thải của các hoạt động dân sinh nên có xảy ra tình trạng ô nhiễm hữu cơ tại một số khu vực. Do đó, việc tăng cường các biện pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn cũng là một trong những giải pháp ưu tiên nhằm giảm thiểu tác động đến chất lượng nước mặt.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục kết hợp phương pháp quan trắc thủ công và phương pháp đo nhanh đối với một số thông số chất lượng nước để cảnh báo kịp thời. Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai đầu tư lắp đặt một số trạm quan trắc tự động tại một số khu vực cấp nước và khu vực nuôi trồng thủy sản để các Sở, ban, ngành, địa phương và người dân có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại.

Hoàn thành kế hoạch kiểm tra

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Qua thực trạng môi trường nước mặt, để bảo vệ nguồn nước hiệu quả, nhất là đảm bảo an ninh nguồn nước sạch, đảm bảo phục vụ dân sinh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát các nguồn thải có hoạt động xả thải vào các lưu vực sông được sử dụng làm nguồn nước cấp. Đồng thời, sẽ tổ chức đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ. Trong đó, căn cứ theo đặc điểm mục đích sử dụng, khả năng tự làm sạch của nguồn nước, quy mô và tính chất của các nguồn nước thải hiện tại và theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan và các địa phương tăng cường hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường lưu vực sông nói riêng, hạn chế tối đa việc xả thải chất thải sinh hoạt xuống các kênh, rạch, sông, suối gây cản trở dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Riêng đối với Dự án “Lập quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”, Sở TN&MT Đồng Nai sẽ tập trung hoàn thành lập hành lang 3 huyện: Long Thành, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và 2 thành phố: Long Khánh, Biên Hòa. Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ tập trung hoàn thành xử lý đối với các doanh nghiệp khai thác nước dưới đất có khả năng đấu nối nước cấp theo báo cáo của Công ty CP Cấp nước Đồng Nai và căn cứ các quy định hiện hành để đề xuất xử lý.

Sở TN&MT Đồng Nai sẽ tập trung hoàn thành và tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ quan trắc động thái nước dưới đất và quan trắc dòng chảy mùa cạn đạt theo tiến độ của đề cương đã được duyệt. Bên cạnh đó, Sở TN&MT sẽ tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ thực hiện theo Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Đặc biệt, tập trung hoàn thành kiểm tra tài nguyên nước theo kế hoạch năm 2019 đã đề ra.

 

Để đảm bảo an ninh nguồn nước, ngoài việc đầu tư các trạm quan trắc môi trường nước tự động tại một số khu vực cấp nước, Đồng Nai sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị; xây dựng vận hành các khu xử lý nước thải đô thị. Đồng thời, quy hoạch và quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, để đảm bảo an ninh nguồn nước cũng cần có sự tham gia của các đơn vị nghiệp vụ thuộc ngành Công an sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm phạm an ninh nguồn nước.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai quản lý, bảo vệ tài nguyên nước bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO