PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác kiểm kê đất đai của Sở TN&MT - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Kiểm kê đất đai năm 2019 của tỉnh Đồng Nai?
Ông Nguyễn Ngọc Thường:
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Bộ TN&MT về chuẩn bị công tác kiểm kê đất đai năm 2019 và chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 đối với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh; Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỉnh Đồng Nai; đồng thời, triển khai một số công tác để chuẩn bị
Cụ thể, Sở TN&MT đã xây dựng và trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt phương án kiểm kế đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; giao nhiệm vụ kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở TN&MT thực hiện; tổ chức tập huấn kiểm kê đất đai đến các cơ quan, địa phương, tổ chức có liên quan; xây dựng Phương án kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Sở TN&MT cũng đã xây dựng chi tiết Kế hoạch kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai thành lập Ban Chỉ đạo Kiểm kê đất đai tỉnh Đồng Nai; tham mưu Ban Chỉ đạo Kiểm kê đất đai tỉnh Đồng Nai ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Kiểm kê đất đai tỉnh Đồng Nai năm 2019; thành lập Tổ Kiểm tra kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Các đơn vị thuộc Sở TN&MT Đồng Nai như: Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường - đơn vị đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều kỳ kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Song, khối lượng thực hiện công việc rất lớn, ngoài việc kiểm kê đất đai các cấp, Trung tâm này còn phải thực hiện kiểm kê chuyên đề.
Do đó, Sở TN&MT đã đề xuất và được UBND tỉnh Đồng Nai giao Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cùng thực hiện công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhằm để rút ngắn thời gian thực hiện, đáp ứng tiến độ và chất lượng sản phẩm; công tác kiểm tra kết quả thực hiện được thực hiện đồng thời theo từng công đoạn. Nhờ vậy, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 và giao nộp sản phẩm theo quy định. Mặc dù, trong thời điểm này đang trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.
Qua việc kiểm kê đất đai, cùng với kết quả thực hiện Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" (Dự án 513), tỉnh Đồng Nai đã rà soát, thống kê lại diện tích tự nhiên của các xã, huyện, tỉnh, phục vụ tốt cho công tác quản lý, tổng hợp báo cáo của địa phương. Đồng thời, thống kê được hiện trạng sử dụng đất theo từng loại đất, đối tượng quản lý, sử dụng đất và diện tích được giao, cho thuê để quản lý, sử dụng và diện tích đất chưa sử dụng, diện tích đất đang có tranh chấp hoặc bị lấn chiếm… trên địa bàn tỉnh để đề ra nhiệm vụ và giải pháp xử lý các hạn chế, tồn tại (nếu có).
Ông Nguyễn Ngọc Thường - Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai |
PV: Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai?
Ông Nguyễn Ngọc Thường:
Việc tỉnh Đồng Nai sớm hoàn thành công tác kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019, chính là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Đồng Nai, việc tập trung trong công tác triển khai thực hiện của các cơ quan chuyên môn; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành liên quan mà nhất là sự phối hợp của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự phối hợp của UBND cấp huyện mà tập trung là UBND cấp xã.
Sở TN&MT Đồng Nai là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đã kịp thời, chủ động tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai triển khai tập huấn, thành lập Ban Chỉ đạo, cũng như các bộ phận chuyên môn giúp việc; tham mưu văn bản đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức hội nghị với các ngành, địa phương nhằm triển khai kịp thời các nhiệm vụ theo kế hoạch; chấn chỉnh, hướng dẫn xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; thường xuyên, theo dõi sát sao để kịp thời xử lý hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo để thống nhất chỉ đạo thực hiện, đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Trưởng Ban Chỉ đạo thường xuyên nắm tình hình và chỉ đạo kịp thời.
Đến nay, Đồng Nai đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính. Các biến động đất đai hợp pháp được cập nhật đầy đủ là điều kiện thuận lợi khi sử dụng tài liệu này để thực hiện kiểm kê đất đai, tổng hợp số liệu. Các đơn vị thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đều có lực lượng chuyên môn và kinh nghiệm là những yếu tố thuận lợi nhất định nắm bắt về các yêu cầu kỹ thuật và chỉ đạo của các cấp trên. Sự phối hợp của cấp xã, các đơn vị sử dụng đất, các tổ chức quản lý sử dụng đất, nhất là lực lượng cán bộ địa chính cấp xã.
Hàng tuần, Sở TN&MT Đồng Nai tổ chức và nghe báo cáo về chuyên môn với sự tham dự của đơn vị thi công, bộ phận kiểm tra, các bộ phận chuyên môn để rà soát tiến độ, thống nhất hướng xử lý những khó khăn, vướng mắc và công việc cần thực hiện trong tuần tiếp theo. Ngoài việc chỉ đạo thi công, công tác kiểm tra nghiệp thu cũng được Lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo nhằm kịp thời lồng ghép giữa công tác thi công và kiểm tra để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất từng cấp.
Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất vẫn còn một số khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành như: Khối lượng công việc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất lớn với 423.855 khoảnh đất và có 170 xã, phường, thị trấn với diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 586.362 ha. Mặt khác, số cán bộ chuyên môn tại địa phương ít nhưng phụ trách nhiều công việc nên khó khăn trong việc bố trí thời gian tham gia, phối hợp thực hiện; phần mềm kiểm kê đất đai chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng đến việc thực hiện; việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật chậm đã ảnh hưởng đến việc xây dựng dự án để thực hiện.
Hoạt động đo vẽ ngoài thực địa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai |
PV: Việc hoàn thành kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng trong công tác quản lý đất đai của tỉnh Đồng Nai ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Thường:
Việc thực hiện và hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đáp ứng được các yêu cầu theo quy định. Đặc biệt, sản phẩm kiểm kê đất đai đã phản ánh được cơ bản hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê đất đai, đáp ứng được yêu cầu để đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của địa phương.
Đây cũng là cơ sở để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh Đồng Nai; và là cơ sở đề xuất điều chỉnh chính sách, pháp luật về đất đai; phục vụ nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và các nhu cầu khác của Nhà nước và xã hội.
PV: Xin ông cho biết một số giải pháp hữu hiệu cũng như những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của tỉnh cho các kỳ tiếp theo?
Ông Nguyễn Ngọc Thường:
Để thực hiện tốt công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của địa phương thì công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện của UBND các cấp phải kịp thời, đầy đủ; yêu cầu phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và đơn vị thực hiện. Bên cạnh đó, công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất có liên quan đến nhiều ngành, địa phương, nên cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý chuyên môn, đơn vị tư vấn và UBND các cấp. Do vậy, Sở TN&MT Đồng Nai kiến nghị Bộ TN&MT sớm hoàn chỉnh, ban hành các văn bản hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật để các địa phương nghiên cứu, kịp thời triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện để đạt được hiệu quả cao hơn.
Về việc ứng dụng phần mềm để thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì kiến nghị giao cho các địa phương chủ động, sau khi hoàn thiện sản phẩm từng cấp thì tích hợp vào phần mềm chung theo quy định của Bộ TN&MT. Phần mềm phục vụ kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cần được nghiên cứu, hoàn thiện trước khi triển khai để các địa phương áp dụng thực hiện được thuận lợi. Đối với nội dung công việc kiểm kê các chuyên đề chưa cụ thể, nên khi triển khai thực hiện gặp khó khăn, lúng túng. Vì vậy, Sở TN&MT Đồng Nai kiến nghị Bộ TN&MT có tập huấn, hướng dẫn cụ thể hơn đối với từng chuyên đề để công tác kiểm kê đất đai đạt hiệu quả, chất lượng và đúng thời gian quy định.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!