Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó hạn, mặn

LÊ HÙNG| 22/05/2019 06:02

(TN&MT) - Nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến mực nước ở kênh, ao, hồ trên địa bàn một số địa phương vùng ĐBSCL cạn dần, cùng với mặn lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Diễn biến hạn, mặn

Những ngày gần đây mực nước tại nhiều tuyến kênh rạch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang giảm đi thấy rõ, điều này đã gây không ít khó khăn cho việc sản xuất của người dân. Mới đây, ông Thạch Tùng ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy xuống giống gần 1ha lúa Hè Thu, tuy vậy, do năm nay, nắng nóng gay gắt cộng thêm nguồn nước trên các sông lớn đổ về ít nên tôi và bà con nơi đây đang gặp nhiều khó khăn trong việc lấy nước cho đồng ruộng.

Không chỉ tại huyện Vị Thủy, mà hiện nay người dân ở huyện Long Mỹ ngoài thiếu nước ngọt sản xuất còn đối diện với tình hình xâm nhập mặn. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ thông tin, nồng độ mặn tại các sông trên địa bàn huyện đang tăng cao do nguồn nước trong nội đồng xuống thấp, nhiều diện tích lúa của người dân có nguy cơ thiếu nước.

anh-1.-nhieu-dien-tich-lua.jpg
Nhiều diện tích lúa Hè Thu của bà con ĐBSCL có nguy cơ bị thiệt hại do hạn, mặn.

Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, năm nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 50.000ha lúa Đông Xuân và Hè Thu ở các huyện, thị xã, thành phố có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong đó có 28.000 đến 34.000ha lúa thuộc huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, TX. Ngã Bảy bị thiệt hại bởi hạn hán.

Tại tỉnh An Giang, mực nước trên các sông, kênh ở địa bàn tỉnh đang dao động theo triều với xu thế xuống dần ở mức xấp xỉ và thấp hơn từ 0,1 đến 0,3m so với cùng kỳ năm 2018. Các khu vực của tỉnh An Giang có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của khô hạn gồm Châu Lăng, Cô Tô, An Tức, Lê Trì (huyện Tri Tôn); An Cư, An Hảo, Nhơn Hưng, Chi Lăng (huyện Tịnh Biên).

anh-2.-cong-tac-quan-trac.jpg
Công tác quan trắc độ mặn tại sông, kênh rạch đang được các ngành chức năng vùng ĐBSCL thực hiện thường xuyên.

Còn tại Sóc Trăng, theo báo cáo từ Chi cục Thủy lợi hiện độ mặn trên sông Đại Ngãi, huyện Long Phú và khu vực Đại Ân 2, huyện Trần Đề cũng cao hơn so với cùng kỳ. Trong 7 ngày (từ ngày 15/4 đến 21/4/2019), độ mặn cao nhất trong ngày đo được tại các điểm đo trên sông Hậu tại Trần Đề là 15,5g/l, Long Phú 10,5g/l, Đại Ngãi 4,0g/l; trên sông Mỹ Thanh tại Tham Đôn 10,5g/l, tại Thạnh phú 7,5g/l.

Các giải pháp ứng phó

“Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho hơn 76.000 ha lúa Hè Thu 2019 và nước sinh hoạt cho người dân ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi đôn đốc các địa phương tích cực nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng. Đồng thời, theo dõi chặt diễn biến hạn, mặn, thông báo kịp thời cho các ngành, địa phương và người dân biết để chủ động ứng phó”- ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết.

Đồng thời, Sở NN&PTNT Trà Vinh cũng yêu cầu Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng phương án đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các hộ nông thôn ở những vùng thường bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn ở TP. Trà Vinh, huyện Châu Thành.

anh-3.-dong-cong-ngan-man.jpg
Cơ quan chức năng đóng cống ngăn mặn ở TP. Vị Thanh, Hậu Giang

Long Phú là một trong những địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng từ hạn hán, xâm nhập mặn của tỉnh Sóc Trăng, do vậy công tác ứng phó đang được UBND huyện Long Phú quan tâm triển khai. Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Vương Tấn Vũ thông tin: “Huyện Long Phú đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và người dân về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn cũng như cung cấp các dự báo hạn, mặn của ngành chức năng để chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, sử dụng giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao, chịu mặn, phèn cho những vùng thiếu nước tưới và bị xâm nhập mặn”.

Mới đây tỉnh Hậu Giang đã đầu tư 67,5 tỉ đồng để đắp mới, nâng cấp, sửa chữa 120 đập thời vụ và cống ngăn mặn; nạo vét 71 tuyến kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn để trữ nước ngọt trên đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên cho rằng, ở vùng có nguy cơ hạn hán, tỉnh kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, trạm bơm điện, bơm dầu, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa công trình để trữ nước ngọt. Đối với vùng nguy cơ nhiễm mặn, tỉnh nâng cấp, tu bổ sửa chữa công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt nội đồng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó hạn, mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO