Biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long: Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tạo năng suất cao

Mai Anh 26/10/2023 - 16:09

(TN&MT) - Trong thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để thích ứng biến đổi khí hậu nhằm cải thiện năng suất và tăng thu nhập cho người nông dân, nhất là từ khi có Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Định hình hướng phát triển bền vững

Nhiều năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có kế hoạch về mùa vụ với các loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo năng suất cao. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp của khu vực này càng phát triển bền vững. Đến nay, Nghị quyết cũng đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.

Trong đó, phải kể đến các cấp chính quyền các địa phương, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Đã có hàng trăm mô hình ở các địa phương phát huy hiệu quả, đời sống người dân ngày càng cải thiện, nhận thức về nguồn nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả theo từng vùng sinh thái, những bước đi hiện nay là đúng hướng và bước đầu có hiệu quả, nhiều mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của người dân ổn định.

img_047900_21_34_13152still005-191947_719.jpeg
Nông dân ĐBSCL đang tích cực đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, một trong những chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam, từ khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ vào cuối năm 2017, vùng ĐBSCL mới quy hoạch lại vùng dễ bị hạn và bị ngập mặn hàng năm dọc theo biển thành vùng lúa và tôm. Trong mùa mưa thì trồng lúa, năng suất rất cao. Trong nước ngọt ở những vùng trồng lúa, bà con nông dân thả thêm con tôm càng xanh. Như vậy mùa mưa vừa có lúa vừa có tôm, việc nuôi tôm này không bị ảnh hưởng bởi nước mặn, bởi vì tôm thích nước mặn. Nhờ vậy mà lợi tức của nông dân đã tăng rất nhiều. Nuôi tôm thay vì trồng lúa mang lại lợi tức cao ít nhất là bốn lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là vùng ĐBSCL, vựa lúa chủ yếu của Việt Nam, không còn bị đe dọa, bởi vì biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, sẽ ảnh hưởng ngày càng mạnh đến sinh kế và đời sống của người dân.

Theo PGS.TS Lê Văn Vàng, Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, thu nhập của nông dân trồng lúa tại ĐBSCL không cao, thể hiện qua phần trăm GDP đầu người còn thấp, nhưng lực lượng lao động trong nhóm này chiếm 50% lực lao động toàn vùng. Do canh tác lạc hậu, dẫn đến năng suất người nông dân chưa cao. Vì vậy, ông mong muốn nông dân thay đổi tư duy tiếp cận những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để ứng dụng vào nông nghiệp, nhằm tạo ra năng suất, cũng như cải thiện thu nhập cho người nông dân ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Nông nghiệp công nghệ cao - hướng đi tất yếu

Đúng như mong mỏi của PGS.TS Lê Văn Vàng, vùng ĐBSCL đã ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, phổ biến hiện nay là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh góp phần cải thiện đáng kể chất lượng đất trồng. Ngoài ra, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận khoảng 20 – 30%. Đồng thời, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ đã chọn tạo được nhiều cây, con giống mới có chất lượng cao, khả năng phòng trừ dịch bệnh, thích ứng tốt với các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt…

Đáng chú ý, những năm qua, ngành nông nghiệp ĐBSCL đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho nông sản phẩm.

Các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần chọn tạo được nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt có sức chống chịu với thay đổi thời tiết, dịch bệnh cao. Công nghệ in vitro trong nhân giống cây trồng quy mô công nghiệp đã cho ra số lượng lớn, đồng đều, giảm giá thành cây giống.

33-1648809553-img-1087-12-40-29-325.jpg
Nhiều tỉnh, thành tại ĐBSCL đã và đang ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp

Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp đã chủ động nhân giống bằng phương pháp cấy mô đối với một số loại hoa kiểng để cung cấp cho thị trường. Nhờ đó, đã gúp cho những người nông dân Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp tạo nên thương hiệu làng hoa Sa Đéc nổi tiếng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, nhiều chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng vật nuôi, hạn chế dịch bệnh hại. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động tiếp cận, nhập khẩu và đã làm chủ các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp, chẳng hạn như, sản xuất rau hoa trong nhà màng, nhà kính.

Đối với cây rau, doanh thu đạt từ 2,5 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha. Đối với cây hoa, doanh thu đạt từ 0,5 tỷ đồng đến 9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 0,3 đến 5,4 tỷ đồng/ha. Nâng cao năng suất chất lượng tôm thẻ chân trắng, đạt năng suất 40 tấn/ha, gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35%. Sản xuất bò sữa, năng suất sữa đạt trên 30 lít/bò/ngày, chất lượng tốt.

Ngoài ra, với quy mô 5.200 ha, Khu nông nghiệp công nghệ cao Hậu Giang đang xây dựng, được xem là trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu tàu quan trọng để đưa kết quả ươm tạo, nghiên cứu vào sản xuất. Các phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nơi đây sẽ cho ra những sản phẩm chủ lực địa phương trong tương lai.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định, công nghệ cao là tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, có tính năng vượt trội, trị giá tăng cao. Đồng thời, sản phẩm tạo ra thân thiện với môi trường, đóng vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất mới hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, ông Đức cho biết, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là áp dụng đồng bộ tất cả các công nghệ: thông tin, sinh học, vật liệu mới và tự động hóa... Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao góp phần giúp nông dân tham gia chuỗi giá trị gia tăng, thương mại toàn cầu, đem lại tăng trưởng kinh tế cao cho địa phương, quốc gia. Theo ông, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phát triển với tốc độ 4-6% và giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 5,5% so với 2021.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, đem lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững thì tất yếu phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất".

PGS.TS Nguyễn Văn Đức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tạo năng suất cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO