Từng bước tinh gọn bộ máy
Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ - Sở TN&MT Sóc Trăng cho biết, với sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất đã giúp cho công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt được nhiều kết quan trọng. Tính đến tháng 5/2019, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) lần đầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt 99,52%. Trong đó, có 3/11 đơn vị cấp huyện (Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành) tỷ lệ cấp giấy đạt 100%, tỷ lệ hồ sơ sai sót giảm còn dưới 0,76%.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Sóc Trăng được tinh gọn, thống nhất về quản lý vận hành đã nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm thủ tục đăng ký đất đai, đăng ký tài sản gắn liền với đất được thực hiện đơn giản, thuận tiện; cơ sở dữ liệu địa chính vận hành theo mô hình tập trung, được cập nhật chỉnh lý biến động thường xuyên, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin trong công tác quản lý đất đai.
Tại tỉnh Hậu Giang, công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đang được các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan tập trung thực hiện. Đến đầu tháng 5/2019, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đạt 99,87%; tỷ lệ hồ sơ sai sót giảm còn 0,09%. Hiện, tỉnh Hậu Giang còn 165,2ha trong tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn tỉnh chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
Ông Lê Phước Nhàn, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ - Sở TN&MT Hậu Giang cho biết: Qua theo dõi kết quả thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ do hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng hết thửa không, đồng thời, lồng ghép với các thủ tục khác theo quy trình mới tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ TP.Vị Thanh, tỷ lệ trả kết quả đúng và trước hẹn đạt gần 99%, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính về đất đai.
Khắc phục khó khăn
Theo ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Sóc Trăng, công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai.
Tuy vậy, hiện, một số Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ còn thiếu cán bộ lãnh đạo đã ảnh hưởng đến công tác điều hành của đơn vị. Ngoài ra, tình hình thực hiện kế hoạch cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận tay ba ở các địa phương còn chậm, tỷ lệ hồ sơ trích đo địa chính thửa đất tại các Chi nhánh đã thực hiện, nhưng, chưa được thanh lý còn khá cao, chiếm 23,52% trên tổng số hồ sơ đã thực hiện.
“Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác đo đạc thiết lập, thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu; công tác thống kê đất đai hàng năm; thẩm định hồ sơ chuyển mục đích, luân chuyển hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính, tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa; hỗ trợ cung cấp hồ sơ có liên quan để thực hiện chỉnh lý biến động các công trình, dự án…” - ông Đời nhận định.
Tại tỉnh Hậu Giang, mặc dù, đến nay, diện tích đất chưa cấp Giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn tỉnh chỉ còn trên 165 ha, song việc lập thủ tục để cấp Giấy chứng nhận cho diện tích đất này đang gặp rất nhiều khó khăn do chủ sử dụng đất đi làm ăn xa không có ở địa phương; đất trồng lấn với các lâm trường; đất tranh chấp đang chờ các quyết định của cơ cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hậu Giang cho rằng, theo quy định của pháp luật, sau 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo thuế mà không nộp tiền thì người dân phải nộp phạt 0,05%. Nhưng, qua khảo sát thực tế, thời điểm ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ nhà đất của cơ quan Thuế không trùng khớp thời điểm ký phát thông báo cho người sử dụng đất, từ đó, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất và việc thu phạt chậm nộp.
Nhằm khắc phục những vướng mắc trong công tác quản lý đất đai nói chung và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ nói riêng trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT Hậu Giang kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo hướng cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Cùng với đó, Sở TN&MT kiến nghị, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo cho Cục Thuế sớm có phương án tiếp nhận và thông báo các khoản thu đối với hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp không phải là đất thuê của Nhà nước sang đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp đã được quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ.
Đồng thời, lập phiếu đề nghị bổ sung hồ sơ hoặc văn bản thông báo hồ sơ không đủ điều kiện tiếp nhận để thông báo các khoản thu nghĩa vụ tài chính, sau khi tiếp nhận thông tin của Văn phòng ĐKĐĐ kèm theo hồ sơ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trường hợp chứng nhận tài sản và chuyển mục đích sử dụng đất, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cho Phòng Hạ tầng hay Phòng Quản lý Đô thị, Phòng TN&MT phối hợp chặt chẽ để thực 2 loại thủ tục này đúng thời gian theo quy định.