Sinh sống ổn định hơn 40 năm
Năm 1965, để đáp ứng yêu cầu công việc duy tu, sửa chữa cầu đường khu vực huyện Đông Anh, Hạt Giao thông Đông Anh - đơn vị thuộc Đoàn Bảo dưỡng đường bộ 1 Hà Nội đã làm các thủ tục xin đất hoang hóa tại thôn Nghĩa Lại, xã Uy Nỗ, với số diện tích là 1.692 m2 và đã trả tổng số tiền là 1.000 đồng cho xã Uy Nỗ (số tiền này không có nguồn từ ngân sách Nhà nước).
Việc xin đất trên ngoài đảm bảo mục đích trên còn để xây nhà ở cho cán bộ, công nhân của Hạt Giao thông. Ông Lê Hải Phong - Hạt Giao thông Đông Anh cho biết, ngày 12/2/1971, mẹ đẻ của tôi là bà Nguyễn Thị Hòa cùng với 1 số thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước từ năm 1967 - 1971 tại đơn vị N51 - C511 - P17 Thủ đô Hà Nội, được chuyển công tác về Hạt Giao thông Đông Anh thuộc Công ty Sửa chữa cầu đường ngoại thành (Đơn vị đổi tên từ Đoàn Bảo dưỡng đường bộ 1 Hà Nội thành Công ty Sửa chữa cầu đường ngoại thành).
Tại đây, các cựu thanh niên xung phong đã được ông Đào Văn Kiện - Cung Trưởng Cung đường Đông Anh, Công ty sửa chữa cầu đường ngoại thành trực tiếp đứng ra nhận vào làm cán bộ, công nhân của Công ty và giao nhà ở tạm tại khu đất của Hạt Giao thông, nơi trước đó, Hạt đã xin đất của địa phương.
Về nguyên nhân vì sao 3 hộ được ở trên khu đất này, ông Phong cho biết, tại các văn bản, giấy tờ xác nhận của ông Đào Văn Kiện - Cung Trưởng Cung đường Đông Anh đã lý giải rất rõ điều này: “Xác nhận 3 người là các bà Nguyễn Thị Hòa; Nguyễn Thị Định; Nguyễn Thị Tin là các công nhân thuộc Tổ làm đường huyện Đông Anh. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hòa; Nguyễn Thị Định là 2 thanh niên xung phong bảo vệ Thủ đô, do điều kiện không có nhà ở, phải đi ở nhờ nhà dân, nên Ban lãnh đạo Hạt Giao thông đã thống nhất ý kiến để 2 cán bộ này về ở tại khu đất của Hạt từ tháng 2/1971. Đối với bà Nguyễn Thị Tin là thanh niên xung phong khai thác miền núi (Nghĩa Lộ, Yên Bái) cũng được chuyển về sống tại Hạt vào cuối năm 1971.”
Vào ngày 21/6/1974, Công ty sửa chữa cầu đường ngoại thành chính thức có Quyết định điều động công tác từ Văn phòng Công ty về Đội đường 1 huyện Đông Anh đối với 3 cán bộ là các bà Nguyễn Thị Tin; Nguyễn Thị Hòa; Nguyễn Thị Định và giao cho tiếp quản toàn bộ số tài sản nhà; đất ở của Hạt Giao thông và đăng ký hộ khẩu thường trú gốc tại đây cho 3 hộ gia đình vào ngày 8/10/1974.
Đến năm 1976, sau khi kết thúc chiến tranh vì không còn nhu cầu sử dụng, Công ty sửa chữa cầu đường ngoại thành đã công khai tặng toàn bộ nhà ở trên khuôn viên diện tích 1.692 m2 cho 3 hộ là công nhân của Công ty. Minh chứng rõ nét cho việc này là tại các văn bản, giấy tờ xác nhận của ông Đào Văn Kiện - Cung Trưởng Cung đường Đông Anh; bà Nguyễn Thị Chế; bà Nguyễn Thị Thú; bà Nguyễn Thị Phái... là cán bộ, công nhân viên của Hạt Giao thông cho thấy: Từ năm 1976 - 1978, Ban lãnh đạo Công ty sửa chữa cầu đường ngoại thành đã tuyên bố công khai nhiều lần trong các Hội nghị cán bộ công nhân viên chức là: “Công ty không sử dụng đến khu đất và nhà tại Hạt Giao thông Uy Nỗ - Đông Anh nữa vì xa các cung đường do Công ty quản lý và không thuận tiện cho việc sửa chữa các tuyến đường, nên Công ty đồng ý cho các hộ bà Hòa, Định, Tin toàn bộ diện tích đất và nhà tại khu Hạt làm nơi để ở”. Từ sau thời điểm trên đến nay, các gia đình đã liên tục quản lý, sử dụng và không phát sinh tranh chấp.
Bỗng dưng thuộc diện bị thu hồi?
Những tưởng cuộc sống của những hộ dân tại đây sẽ được yên ổn, thế nhưng, giữa năm 2005, liên tiếp những quyết định thiếu căn cứ pháp lý của chính quyền địa phương đã đẩy cuộc sống của họ vào nỗi bất an kéo dài.
Ngày 4/5/2005, do bị ảnh hưởng bởi gió lốc và mưa đá, ngôi nhà bà Nguyễn Thị Hòa cùng các hộ khác bị hư hỏng nặng. Do vậy, bà Hòa phải sửa chữa lại nhà để ở. Trước khi tiến hành gia đình đã làm đơn trình báo lên xã Uy Nỗ về việc sửa lại nhà. Tuy vậy, vào thời điểm bà Hòa bắt tay tu sửa, UBND xã Uy Nỗ lại có Thông báo số 38/TB-UB ngày 11/5/2005 về việc tháo dỡ công trình xây dựng, với nội dung: “Phải tự tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng và di chuyển toàn bộ trang thiết bị, tài sản, nguyên vật liệu đi nơi khác, trả lại mặt bằng ban đầu.”
Dựa vào Thông báo trên 1 số đối tượng quá khích tại thôn Nghĩa Lại, không phải lực lượng chức năng hay thanh tra xây dựng địa phương đã ngang nhiên kéo đến đập phá nhà bà Hòa trong các ngày 14/5/2005; 16/5/2005.
Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là ngày 7/6/2005, các đối tượng đã dùng búa tạ, xà beng phá, đập tường nhà, ném ngói xuống đường; tổ chức đặt Cây hương (cột đá), rồi sau đó ngang nhiên chiếm diện tích 88,8 m2 và tiến hành xây dựng chùa(?) Sự việc chỉ tạm thời dừng lại sau khi Cơ quan điều tra công an huyện Đông Anh vào cuộc khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Ông Phong còn cho hay, chưa dừng lại ở đó, năm 2005, không hiểu vì lý do gì, UBND TP. Hà Nội lại có Quyết định giao, cho thuê số diện tích 1.622 m2 ở tại Thửa đất số 18; Tờ bản đồ số 126 địa bàn xã Uy Nỗ cho Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông I và đến ngày 1/4/2010 UBND TP. Hà Nội tiếp tục có Quyết định số 1482/QĐ-UBND về thu hồi toàn bộ số đất nói trên giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đông Anh quản lý?
Bất ngờ trước các Quyết định trên, các hộ dân sống tại Hạt Giao thông Đông Anh đã liên tiếp gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng từ Trung ương, thành phố cho tới huyện Đông Anh. Nhưng đến nay, đã hơn 7 năm, người dân chưa nhận được câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.
Trước các bức xúc của người dân, Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên tục liên hệ với UBND huyện Đông Anh nhằm làm sáng tỏ sự việc. Nhưng hơn 2 tháng trôi qua, chính quyền huyện vẫn im lặng khó hiểu?!
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.