Chấn chỉnh công tác quản lý về đất đai để giảm khiếu kiện
Ngày 21/10, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị chuyên đề "Trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Yên".
Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng lưu ý, căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn định được quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 33; khoản 3, 4, 5 Điều 34 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, ngày 29/7/2024 của Chính phủ quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai (trước đây là Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai).
Luật Đất đai năm 2024 và Nghị định hướng dẫn đã sửa đổi, bổ sung quy định về xác định việc sử dụng đất ổn định. Nổi bật là bỏ quy định xác định thời điểm sử dụng đất, mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến đối với trường hợp không có các loại giấy tờ nêu trên hoặc trên giấy tờ không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất (trước đây được quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 43).
Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cũng lưu ý việc xác định diện tích đất ở không phải nộp tiền sử dụng đất đối với những trường hợp người sử dụng đất không có giấy tờ hoặc có giấy tờ nhưng chưa xác định rõ diện tích đất ở. Điều 141 Luật Đất đai năm 2024 có nhiều thay đổi so với Điều 103 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể: tên điều luật đã thay đổi từ “Xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao” thành “Xác định diện tích đất ở khi công nhận quyền sử dụng đất” nhằm bao quát đầy đủ các trường hợp xác định diện tích đất ở trên tất cả thửa đất (không chỉ đối với trường hợp có vườn ao)...
Ông Phạm Văn Cần, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng, quản lý Nhà nước về đất đai là một công tác quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Hiệu quả quản lý của công tác này có tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, góp phần vào việc “an dân”.
Qua kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của ngành Kiểm sát nhân dân và nghiên cứu các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho thấy, một số vấn đề cần phải rút kinh nghiệm. Trong đó có cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai…
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn yêu cầu, các địa phương, đơn vị tập trung rà soát vụ việc liên quan đất đai, bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành để triển khai theo đúng quy định. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, các địa phương, đơn vị kịp thời tổng hợp để gửi Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có hướng dẫn, hỗ trợ.
Chuyên đề do Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng biên soạn là bộ cẩm nang hữu ích. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục nghiên cứu thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực đất đai ở tỉnh.
Thống kê cho thấy, Phú Yên là địa phương có số lượng vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai đứng thứ 6/12 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên với tỷ lệ 19,85% trong 4 năm qua. Số lượng vụ án hành chính có liên quan đến đất đai được Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Phú Yên thụ lý, giải quyết mỗi năm tăng hơn 10%.
Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng thụ lý, giải quyết 104 vụ/128 vụ theo thủ tục phúc thẩm (chiếm 32% so với số lượng án sơ thẩm đã giải quyết). Số vụ án Tòa án phúc thẩm đã xét xử chấp nhận kháng cáo của người bị kiện (là cơ quan Nhà nước) sửa bản án sơ thẩm 8/22 vụ (chiếm 36,36%).