Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp nhộn nhịp sản xuất ngay từ đầu năm
(TN&MT) - Đơn hàng tăng, thị trường đang có dấu hiệu khởi sắc, hiện nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến quý II/2025 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho tới cuối năm 2025.
Không thiếu đơn hàng
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tại TP.HCM đã nhanh chóng đi vào sản xuất bởi đơn hàng dồi dào.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết, ngay từ đầu năm, đơn hàng giày dép từ Mỹ, châu Âu đã tăng. Các thị trường ngách như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Mỹ cũng có thêm những đơn "mở hàng" năm mới”. Hiện doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến quý II/2025 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho tới cuối năm 2025. "Doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng thêm nhà xưởng sản xuất để đáp ứng đơn hàng của khách hàng", ông Nguyễn Chí Trung nhấn mạnh.
Đón nhận đơn hàng ngay trong những ngày đầu năm, ông Nguyễn Ngọc Luận – Giám đốc Công ty Liên kết toàn cầu, thông tin, từ mùng 2 Tết, công ty này đã nhận được đơn hàng lớn từ thị trường trong nước và quốc tế. Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với thị trường Úc và Mỹ. Thương hiệu này đã xuất khẩu cà phê nông sản chế biến sâu sang các thị trường lớn, khẳng định vị thế của mình trong ngành cà phê hòa tan quốc tế.
Tương tự, với lĩnh vực thủy sản, tình hình đơn hàng cũng có nhiều tín hiệu tích cực ngay từ những ngày đầu năm. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta, cho hay, ngay từ mùng 6 Tết, doanh nghiệp đã huy động 100% công nhân quay trở lại làm việc để kịp hoàn thành các đơn hàng lớn. Lô nào đủ nguyên liệu sẽ cho xuất khẩu ngay.
Tận dụng lợi thế thị trường
Cùng với việc có nhiều đơn hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang tận dụng tối đa lợi thế từ các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, và các nước trong khối CPTPP đang thể hiện sự ổn định và tăng trưởng rõ rệt trong năm 2025.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết: “Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, và các nước trong khối CPTPP vẫn tiếp tục phục hồi, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh”.
Bên cạnh đó, việc khai thác các thị trường mới nổi như Trung Đông và châu Phi cũng là một chiến lược đáng chú ý. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony, chia sẻ, bên cạnh thị trường nội địa, Dony đang tăng trưởng đơn hàng tại nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Đông, Singapore, Nga, Thái Lan… và gần đây nhất là thị trường châu Phi. “Sự chuyển dịch lớn đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam… là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành dệt may đón “mưa” đơn hàng ngay từ đầu năm 2025” - ông Quang Anh nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, sau giai đoạn thách thức vì dịch bệnh Covid-19, kinh tế khó khăn, kể từ quý IV/2024, đơn hàng đã quay trở lại với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cho cả quý I và quý II/2025. Kết quả này nhờ vào những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường trong thời gian qua.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp còn tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Những sản phẩm nông sản, thủy sản, cà phê, dệt may và các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đang được các doanh nghiệp tích cực chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và cải tiến chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế. Trong khi đó, các ngành dệt may, da giày đang chú trọng đổi mới công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của thị trường.
"Với những tín hiệu tích cực từ đơn hàng dồi dào và việc tận dụng hiệu quả các FTA, các doanh nghiệp xuất khẩu đang kỳ vọng vào một năm mới đầy hứa hẹn. Sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong các tháng đầu năm là cơ sở vững chắc để doanh nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường mới đầy tiềm năng", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhìn nhận.