Đời sống của đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc
(TN&MT) - Những năm gần đây, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, nhiều hộ dân tộc Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được cải thiện đời sống, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết, với sự hỗ trợ các chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương đã giúp cho nhiều hộ dân tộc Khmer trên địa bàn thị trấn có điều kiện phát triển kinh tế để thoát nghèo. Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn thị trấn Cái Tắc chỉ còn 11 hộ dân tộc Khmer thuộc diện nghèo và 5 hộ cận nghèo.
Bà Trần Thị Hiền, Trưởng phòng Chính sách - Tuyên truyền, Ban Dân tộc TP. Cần Thơ cho hay: Ban Dân tộc thành phố cũng như các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm giúp đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc trên địa bàn còn dưới 1%.
Mới đây, chị Mai Thị Kha (xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) được xét vay 40 triệu đồng để phát triển sản xuất nên chị Kha đã đầu tư trồng nấm rơm trên phần đất 250 m2. “Sau mỗi năm thu hoạch, trừ tất cả chi phí, tôi còn lời khoảng 50 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình tôi không còn khó khăn như trước nữa, đặc biệt là gia đình tôi đã thoát khỏi diện nghèo của xã” - chị Kha phấn khởi chia sẻ.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, ông Lâm Sách, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, những năm qua, Sóc Trăng đã thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc Khmer, nhất là chính sách giảm nghèo bền vững, tạo cơ hội cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc tiếp cận với các nguồn vốn để phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Song song đó, tỉnh cũng đã tập trung các nguồn lực, đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, các điểm vui chơi, giao lưu văn hóa cho những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh Sóc Trăng đã từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người dân tộc Khmer sinh sống ở vùng sâu, vùng sâu, vùng khó khăn nói riêng, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại tỉnh Hậu Giang, hàng năm, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và địa phương, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng mới, sửa chữa hàng chục km đường liên ấp, liên xã tại các vùng đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, từ đó tạo điều kiện thuận tiện trong việc đi lại của người dân địa phương, đồng thời, đây cũng là đòn bẩy giúp kinh tế - xã hội ở những vùng này phát triển.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang cho biết, nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương, những năm gần đây vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Hậu Giang có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân địa phương được nâng lên, kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực đô thị và nông thôn. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng và các địa phương, nhất là những huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống như Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy… Triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.