Đổi mới phương thức truyền thông ngành TN&MT thời Covid-19

Kim Liên - Thu Thủy (ghi)| 18/06/2021 12:56

(TN&MT) - Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, chúng ta phải đảm bảo vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Công tác truyền thông về ngành TN&MT phải được đổi mới mạnh mẽ, góp phần quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Ông Vũ Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền, Bộ TN&MT:

Thúc đẩy truyền thông qua nền tảng công nghệ số và lấy báo chí TN&MT làm hạt nhân lan tỏa

Bộ TN&MT đã có những chỉ đạo định hướng tuyên truyền quan trọng, kịp thời tới các đơn vị trực thuộc. Trong đó, về nội dung, cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch để quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên cho phát triển; giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời, truyền thông hưởng ứng tuyên truyền các sự kiện chính trị, xã hội nổi bật của đất nước và của ngành TN&MT.

Trong giai đoạn tới, ngành TN&MT tiếp tục giữ vị trí, vai trò quan trọng, là chủ đề được các cơ quan báo chí truyền thông quan tâm. Vì vậy, công tác tuyên truyền, truyền thông về TN&MT càng được quan tâm, đầu tư toàn diện các nguồn lực. Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh, để nâng cao hiệu quả, cần phải đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, đa dạng phong phú về hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ - nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Cần nhận thức được lợi ích lớn trong ứng dụng công nghệ, truyền thông số ngành tài nguyên và môi trường nhằm nâng cao tính hiệu quả về truyền thông. Theo đó, cần bám sát chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường để truyền thông cho phù hợp trên cơ sở ứng dụng nền tảng cách mạng công nghệ 4.0 để có định hướng thông tin phù hợp, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong kế hoạch hoạt động truyền thông môi trường; Tăng cường đưa các tin, bài chuyên sâu, có tính phân tích, bình luận, đánh giá về những vấn đề môi trường quan trọng, cần sự đồng thuận của cộng đồng. Đồng thời quan tâm nhiều hơn nữa đến hoạt động truyền thông đa phương tiện, trọng tâm là truyền thông trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số. Đặc biệt, cần đổi mới cách thức đánh giá hiệu quả truyền thông môi trường trực tuyến, truyền thông đa phương tiện, bởi đây là phương pháp truyền thông mới, khó lượng hóa và có tính tương tác cao.

Cùng với đó, cần kết hợp giữa truyền thông thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí chính thống trong và ngoài ngành TN&MT với các kênh thông tin đại chúng có uy tín, có sức lan tỏa cao. Trong đó, Báo TN&MT, Tạp chí TN&MT có vai trò định hướng, dẫn dắt; Trung tâm Truyền thông TN&MT có vai trò phối kết hợp với các đơn vị của Bộ để xây dựng nội dung, đặt hàng và tổ chức sản xuất các ấn phẩm truyền thông.

Đặc biệt, phải đầu tư kỹ lưỡng, có kế hoạch, chiến lược truyền thông rõ ràng. Đa dạng hóa hình thức các tin bài, các ấn phẩm truyền thông, đảm bảo có sự hấp dẫn cao thông qua nhiều hình thức như: Đưa tin, bài, phóng sự; phim, kịch, tọa đàm; cuộc thi, giải thưởng; hội thảo, hội nghị… Trong đó, chủ yếu là tổ chức thông qua hình thức trực tuyến để đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa tạo sức lan tỏa tới cộng đồng.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT:

Nắm bắt xu thế, nhanh chóng chuyển hướng truyền thông dựa vào công nghệ

Chúng ta có thể thấy, những ảnh hưởng tác động của đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua là rất lớn và toàn diện trên toàn cầu, đặc biệt là những vấn đề phát triển, xu thế phát triển. Mọi quốc gia, Chính phủ các nước và các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân đều phải nỗ lực chuyển mình, giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người cũng như tái cấu trúc, duy trì và đảm bảo về phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, công tác truyền thông, tuyên truyền là một trong những hoạt động đã chủ động thích ứng và chuyển đổi xu hướng, hình thức một cách mạnh mẽ. Đây có thể xem là cơ hội và thách thức cho những nhà quản lý, chuyên gia về truyền thông trong việc mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, đưa ra những phương pháp tiếp cận cụ thể, hướng đối tượng trọng tâm nhằm đem lại hiệu quả tối đa trong các hoạt động truyền thông, tuyên truyền.

Nhận thức rõ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành, truyền thông tuyên truyền là một trong những điểm nhấn quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua, Trung tâm Truyền thông TN&MT cũng đã có những ứng dụng cụ thể, chủ động đề xuất, chuyển đổi mô hình sang các hoạt động truyền thông trực tuyến.

Cụ thể, Trung tâm đã xây dựng triển khai những chương trình truyền thông trọng tâm nổi bật của ngành qua các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh, truyền hình địa phương tổ chức các chương trình tọa đàm, phóng sự, tiêu điểm; lồng ghép các thông điệp về bảo vệ môi trường trong các thước phim phóng sự, tài liệu, phim truyền hình; Hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các chương trình, dự án, hoạt động bằng hình thức trực tuyến. Các thông điệp đã được truyền tải trong các chương trình giờ vàng (bản tin thời sự, chương trình môi trường, tương lai xanh) của Đài Truyền hình Việt Nam, những điểm tin chính, nổi bật trên các trang báo điện tử… đã nhận được sự theo dõi, đón xem và hưởng ứng của hàng triệu người trên cả nước.

Đặc biệt hưởng ứng những ngày lễ, sự kiện của ngành Tài nguyên và Môi trường, với vai trò là đầu mối được lãnh đạo Bộ TN&MT giao chủ trì xây dựng thực hiện, Trung tâm Truyền thông TN&MT đã chủ động đề xuất và xây dựng các phương án tổ chức các hoạt động hưởng ứng bằng hình thức trực tuyến. Tiếp cận và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các kênh phương tiện thông tin xã hội. Các sản phẩm bước đầu đã được đón nhận tích cực, những thông điệp, lời hát, hình ảnh được những tổ chức quốc tế như WWF, UNESCO, UNDP… đánh giá cao.

Những thông điệp đưa ra về các chủ đề hưởng ứng sự kiện thể hiện được tầm nhìn, vai trò và trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc định hướng, chỉ đạo quản lý trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; thể hiện sự đoàn kết, tham gia, hưởng ứng của Việt Nam trong các hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường toàn cầu.

Những sản phẩm khi truyền thông đều có sự đầu tư công phu về cả thời gian, chất lượng, hình ảnh, nắm được xu thế và đưa vào đúng các đối tượng truyền thông cụ thể. Có thể kể tới các chương trình Tọa đàm về chất thải rắn, chất thải nhựa qua lời chia sẻ của những chuyên gia trên Hệ thời sự chính trị VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chương trình đã để lại nhiều dấu ấn với sự ghi nhận khi được nhiều sự quan tâm thông qua các câu hỏi, chia sẻ của các khán thính giả trên toàn quốc. Hay MV Cùng hành động vì thiên nhiên - sản phẩm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2020 đã được phát hành trên đa nền tảng (facebook, youtube, tiktok, mp3 zing…) thu hút được hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận.

Sự sáng tạo, tư duy, chủ động của những truyền thông viên đã đem lại những hiệu quả tích cực, lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp tới khắp các địa phương trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới phương thức truyền thông ngành TN&MT thời Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO