Hướng đến Chính phủ số ngành TN&MT
(TN&MT) - Nhân Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10, Báo Tài nguyên và Môi trường giới thiệu những nỗ lực xây dựng Chính phủ số ngành TN&MT trên 3 lĩnh vực: Kết nối, liên thông trong quản lý điều hành; Số hóa cơ sở dữ liệu và An toàn thông tin.
Kết nối, liên thông, cải cách thủ tục hành chính
Đến nay, Bộ TN&MT đã cung cấp 86 Dịch vụ công trực tuyến, trong đó 33 Dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình trong tổng số 40 Dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện toàn trình (chiếm tỷ lệ 82,5%). 84 Dịch vụ công trực tuyến của Bộ TN&MT đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 100 %.
Bộ TN&MT đã kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, về bảo hiểm, về dân cư, nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (Hệ thống EMC) và cổng kết nối dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (Cổng eSign) của Bộ Thông tin và Truyền thông, hoàn thành tích hợp phương thức đăng nhập thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng tài khoản định danh điện tử VneID.
Việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Đề án 06/CP; dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện. Hiện tất cả 63 tỉnh thành đều đã triển khai và phát sinh các hồ sơ.
Trong quản lý điều hành nội bộ, Bộ TN&MT đang tiếp tục hoàn thiện, vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ; triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, kết quả đã số hóa các hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt khoảng 30%, dự kiến hoàn thành 100% trong năm 2024; đã hoàn thành xây dựng, thiết lập Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ, kết nối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành
Nhằm xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử, Bộ TN&MT chú trọng vào hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Ông Lê Phú Hà nhấn mạnh, trong số các dữ liệu TN&MT, cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng thống nhất từ Trung ương đến địa phương và được triển khai mạnh mẽ nhất, nhằm hướng đến xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu; tập trung, thống nhất để dự kiến hoàn thành vào năm 2025 theo Luật đất đai 2024.
Cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng ở 2 cấp, Trung ương và địa phương. Ông Hà cho biết, ở cấp Trung ương, Bộ TN&MT đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần, bao gồm: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.
Đối với cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương xây dựng, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai; 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp;
Cùng với đó, toàn bộ 705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê 2019) và đưa vào vận hành thống nhất từ Trung ương đến địa phương; 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu của 461/705 đơn vị hành chính cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị hành chính cấp xã. Dữ liệu đất đai các địa phương đã xây dựng, làm sạch thường xuyên, liên tục được đưa vào sử dụng ngay, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư để cắt giảm các thủ tục hành chính cho người dân, tránh lãng phí.
Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu TN&MT hiện đang thực hiện 3 dự án quan trọng. Các dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ số ngành TN&MT. Đó là: Dự án “Chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1)”; Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1)”; Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý điều hành thông minh tại Bộ Tài nguyên và Môi trường”.
Đối với xây dựng cơ sở dữ liệu ngành TN&MT, Bộ đang triển khai thực hiện các Đề án xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tài nguyên và môi trường theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu tập trung, thống nhất, hoàn thành vào năm 2025 theo Luật đất đai 2024.
An toàn thông tin
Ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu TN&MT chia sẻ, để xây dựng Chính phủ số, một trong những nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an toàn thông tin, bảo vệ an ninh mạng.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát an toàn thông tin cho toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin và các Trung tâm dữ liệu của Bộ được thực hiện thường xuyên, liên tục; phát hiện và xử lý kịp thời các lỗ hổng, nguy cơ mất an toàn và các cuộc tấn công mạng, không để xảy ra các sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng.
Trong năm 2024, Bộ TN&MT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, hệ thống thông tin đất đai quốc gia trên cơ sở công tác của Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại Luật Căn cước 2023.