Đòi lại quyền sử dụng đất đã sang tên

21/12/2015 00:00

Hỏi:Năm 2009, bố tôi đã tặng toàn bộ nhà đất cho anh trai tôi. Sau đó, anh trai tôi đã làm lại sổ đỏ mang tên hai vợ chồng anh. Khi phát hiện ra sự việc này, 3 anh em còn lại và tôi đã phản đối và yêu cầu bố tôi chia lại tài sản. Nay bố tôi muốn đòi lại nhà đất đã tặng cho anh trai tôi. Xin hỏi, bố tôi có thể đòi lại nhà đất đã tặng hay không? (Hà Thị Phương, Cao Bằng).

Trả lời

Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Nguyên tắc khi thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất thì các bên phải công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất. Sau đó mới thực hiện thủ tục sang tên.

Như vậy, khi người nhận tặng cho thực hiện thủ tục đăng ký sang tên mình đối với thửa đất được tặng cho, thì người nhận tặng cho có toàn quyền sử dụng thửa đất đó theo quy định của pháp luật. Người đã tặng cho không thể lấy lại tài sản đã tặng cho.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong trường hợp bố bạn thấy việc tặng cho có những dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật: tặng cho do bị ép buộc, tặng cho trong trạng thái tinh thần không được minh mẫn,... có thể đề nghị Tòa án tuyên hủy bỏ việc tặng cho và lấy lại tài sản.

Vậy, muốn lấy lại tài sản, bố bạn phải chứng minh được hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất vô hiệu. Theo Bộ luật Dân sự, các trường hợp giao dịch vô hiệu gồm: Người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn; Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa;  Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Như vậy, nếu bố bạn chứng minh được hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì ông sẽ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu. Nếu hợp đồng vô hiệu, anh trai bạn phải trả lại quyền sử dụng đất đã nhận.

Ngoài ra, theo điều 470 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại."

Như vậy, nếu việc tặng cho mảnh đất của bố bạn với anh trai bạn là việc tặng cho tài sản có điều kiện mà anh trai bạn không thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho thì bố bạn có quyền kiện đòi lại tài sản này.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòi lại quyền sử dụng đất đã sang tên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO