Doanh nghiệp “kêu cứu” vì tiền thuê đất tăng cao, Đà Nẵng rà soát lại giá, hệ số điều chỉnh giá đất
Tiền thuê đất tăng quá cao, từ 300-400% so với chu kỳ trước khiến nhiều doanh nghiệp ven biển Đà Nẵng gặp khó khăn và gửi đơn “kêu cứu” đến chính quyền thành phố.
Ngày 24/8, UBND TP Đà Nẵng có văn bản phản hồi về kiến nghị của một số doanh nghiệp có dự án đầu tư ven biển gặp khó khăn khi giá thuê đất tăng cao. Theo đó, đối với kiến nghị các doanh nghiệp tiếp tục nộp tiền thuê đất như khung giá tính tiền thuê đất trước năm 2020 để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và hoạt động ổn định, UBND TP Đà Nẵng cho biết, căn cứ quy định tại Nghị định 46/2014 của Chính phủ, khi hết thời gian ổn định 5 năm của chu kỳ đơn giá, Cục Thuế Đà Nẵng căn cứ vào giá đất tại Bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất và tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất do UBND TP Đà Nẵng ban hành để xác định đơn giá thuê đất cho chu kỳ ổn định tiếp theo. Do đó, UBND TP Đà Nẵng không có cơ sở để xử lý theo nội dung kiến nghị của doanh nghiệp.
UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với Sở Tài chính rà soát lại giá đất trên địa bàn và xác định lại hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 để làm cơ sở báo cáo, tham mưu UBND thành phố và HĐND TP Đà Nẵng.
Về việc các doanh nghiệp đề nghị HĐND và UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ không điều chỉnh tăng giá thuê đất trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến năm 2023. UBND TP Đà Nẵng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các cá nhân, tổ chức trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19, thành phố đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương theo đúng quy định. Cụ thể, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp năm 2020, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021 và năm 2022.
Về chính sách hỗ trợ tiền thuê đất của UBND TP Đà Nẵng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức, cá nhân thuê đất trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quy định mức tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm, đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn. Theo đó, điều chỉnh tỷ lệ % tính đaơn giá thuê đất từ 2% xuống còn 1 %, áp dụng từ ngày 8/4/2021.
Trong khi đó, đề xuất gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất, ngoài những Nghị định mà Chính phủ đã ban hành, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn ngày 18/11/2021 báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính về nội dung xin giãn thời gian lập bộ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chu kỳ 2022-2026 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ngày 11/2/2022, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời rằng: "Đề xuất của UBND TP Đà Nẵng về việc áp dụng thu mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2022 theo chu kỳ 2017-2021 và lùi thời hạn lập bộ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một năm so với quy định là không có căn cứ pháp lý để giải quyết".
UBND TP Đà Nẵng cho biết thêm, thẩm quyền ban hành bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất thuộc HĐND và UBND TP Đà Nẵng, do đó UBND TP Đà Nẵng không có cơ sở để báo cáo nội dung kiến nghị của doanh nghiệp đến Quốc hội và Chính phủ.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, hiện nay doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận rất thấp chưa đủ trang trải chi phí hoạt động kinh doanh, không bao gồm tiền thuê đất. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn tài khoản công ty không bị phong tỏa, nợ tiền thuê đất không bị cưỡng chế do ảnh hưởng của việc tăng giá đất từ 300-400%.
Với nội dung kiến nghị này, UBND TP Đà Nẵng cho biết, căn cứ theo quy định, trường hợp các công ty nợ tiền thuê đất quá hạn nộp trên 90 ngày thuộc trường hợp bị cưỡng chế. Căn cứ vào tình hình thực tế, Cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp theo quy định tại điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn thành phố xem xét lại giá thuê đất, bởi hiện nay giá đất thị trường đã giảm từ 30-50% so với giai đoạn trước dịch bệnh. Đồng thời kiến nghị thành phố áp dụng đơn giá thuê đất tùy theo từng hạng mục như kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước đó, cộng đồng doanh nghiệp ven biển Đà Nẵng đã có thư kiến nghị lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố phản hồi đơn kêu cứu về tình trạng giá thuê đất quá cao. Doanh thu hằng năm gần như chỉ đủ đóng tiền thuê đất khiến DN kiệt quệ, nhiều công ty rơi vào tình trạng nợ thuế hàng chục tỉ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước - Chủ đầu tư Melia Danang Beach Resort cho biết, theo quy định, tiền thuê đất sẽ điều chỉnh theo chu kỳ 5 năm một lần. Tuy nhiên, lần điều chỉnh gần đây tiền thuê đất tăng cao khiến ông bị sốc.
Cụ thể, chu kỳ năm 2017-2021, công ty ông phải trả tiền thuê đất cho thành phố hơn 7 tỷ đồng/năm; nhưng đến chu kỳ 2022 -2026, tiền thuê đất tăng lên hơn 27 tỷ đồng/năm.
“Năm đại dịch doanh thu được 1 tỷ đồng nhưng tiền thuê đất 7 tỷ đồng. Năm ngoái đóng cửa nửa năm, doanh thu 36 tỷ đồng, tiền thuê đất 27 tỷ đồng, chiếm 70%. Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm 30% tiền thuê đất và cho chậm nộp, trong khi đó địa phương tăng 300 - 400%, giống như trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, ông Trung nói.
Theo ông Trung, để có thể nộp tiền thuê đất, ông phải bán nhà cửa, tài sản tích lũy bao nhiêu năm; bởi nếu nộp chậm công ty sẽ bị cưỡng chế, phong tỏa tài khoản. Nếu thành phố không sửa giá đất cho thuê, sẽ có nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng cửa, phá sản và hệ lụy người lao động sẽ mất việc.
"Chúng tôi có thể phải bỏ đất, bỏ tài sản ra đi”, ông Trung ngậm ngùi.
Không chỉ chủ đầu tư Melia Danang Beach Resort đang điêu đứng, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự vì tiền thuê đất tăng cao. Chẳng hạn, kỳ thuê đất 2012-2016 của một khu nghỉ dưỡng lớn ở quận Ngũ Hành Sơn là 4,7 tỷ đồng, nhưng kỳ thuê đất 2017 – 2021 tăng lên hơn 35 tỷ đồng và kỳ thuê đất 2022 – 2026 tăng lên đến gần 121 tỷ đồng.
Tháng 2/2023, UBND TP Đà Nẵng đã gửi công văn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xác định đơn giá thuê đất dự án theo mục đích sử dụng đối với từng hạng mục. Theo đó, phần đất xây dựng công trình đề xuất tính bằng giá đất thương mại - dịch vụ; đất giao thông, bãi giữ xe tính tương đương 35% đất phi nông nghiệp; đất cây xanh, công viên, mặt nước, bãi cát bằng giá đất phi nông nghiệp.