Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cả thời kỳ trước và sau có liên quan, Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ và các Bộ, ngành. Đến nay, Đoàn giám sát đã tổ chức các đoàn công tác tiến hành giám sát trực tiếp và làm việc với 15 Bộ, ngành, 15 địa phương.Đoàn giám sát cũng làm việc với các cơ quan tư pháp, gồm Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác điều tra, xét xử, thi hành án, các vụ án gây thất thoát nguồn lực của Nhà nước trong giai đoạn 2016-2021. Các đoàn công tác đã có báo cáo đầy đủ, cụ thể, làm cơ sở để Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, qua giám sát và báo cáo trực tiếp của các Bộ ngành, các tỉnh, thành phố cho thấy, các Bộ ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện mục đích, yêu cầu của giám sát chuyên đề, cơ bản các báo cáo đã bám sát đề cương, phụ lục, bảng biểu theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Việc chấp hành của các Bộ, ngành, địa phương cơ bản tốt, các báo cáo phản ánh khá toàn diện về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương, cung cấp nhiều số liệu để chứng minh cho các nhận định, các ưu điểm, tồn tại, hạn chế…
Tuy nhiên, qua giám sát vẫn nổi lên một số tồn tại hạn chế như: việc tham mưu ban hành văn bản pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, còn thiếu văn bản dưới luật, tạo sơ hở để các tổ chức, cá nhân vi phạm; việc thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí 5 năm và hàng năm theo đánh giá bước đầu của Đoàn giám sát còn hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm theo hàng năm để tạo bước chuyển biến trong thực tế.
Bên cạnh đó, việc xây dựng dự toán hàng năm ngân sách Nhà nước chưa sát với thực tế; tình trạng nợ đọng thuế, thất thu, thu không đúng, không đủ; thất thoát lãng phí lớn trong chi tiêu tại một số lĩnh vực; công tác cổ phần hóa giai đoạn 2016-2020 còn chậm; vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp Nhà nước chưa được bảo toàn; nhiều dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí; công tác quản lý tài sản công tại một số bộ ngành thiếu chặt chẽ; nhiều vụ việc thanh tra, điều tra, xét xử thi hành án kéo dài trong nhiều năm, gây ách tắc, cản trở trong việc khai thác nguồn lực…
Báo cáo với Đoàn giám sát, thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, giai đoạn 2016 - 2020 và hàng năm, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 104 Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến pháp luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó, có 6 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về thu ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2016 – 2020 đạt 6,89 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch 5 năm đề ra (100,4%). Đây là kết quả tích cực trong điều kiện tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt khoảng 6%. Chi ngân sách Nhà nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 7,3 triệu tỷ đồng (đạt 91,8% kế hoạch 5 năm). Chi ngân sách Nhà nước được cơ cấu lại, dành nguồn lực tăng chi đầu tư từ mức 22,9% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 lên khoảng 26% năm 2020.
Lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị thu về từ công tác cổ phần hóa là 36,5 nghìn tỷ đồng. Thu từ nguồn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đạt xấp xỉ 238,7 nghìn tỷ đồng. Đáng lưu ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, “tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 đã có bước tiến vượt bậc so với các năm trước, đạt 97,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, nâng tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước giai đoạn 2016 – 2020 là 83,4%”.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, giai đoạn 2016 - 2020 tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản là vấn đề nóng trong dư luận. Có 908 dự án với diện tích hơn 28.100 ha có dấu hiệu chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, còn hơn 463.000 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng. Qua giám sát bước đầu cho thấy, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, ban hành chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ; xây dựng dự toán hàng năm ngân sách chưa sát thực tế còn chậm được khắc phục; còn tình trạng nợ đọng thuế, thất thu; chưa triệt để tiết kiệm, thất thoát, lãng phí lớn trong chi tiêu ở 1 số lĩnh vực.
Cùng với đó, hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần; cá biệt có các dự án hoàn thành nhiều năm chưa được đưa vào sử dụng hoặc đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả thấp. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực hiện mang tính hình thức. Vì vậy với tính chất là đợt giám sát chuyên đề tối cao lần này, cần chỉ rõ việc tuân thủ các hành vi trong Luật này, những vướng mắc, khuyết thiếu trong tổ chức thực hiện, để có kiến nghị, giải quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo trên cơ sở bám sát quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổng hợp đầy đủ, khách quan thông tin, số liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát; lượng hóa tối đa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát chỉ tiêu thống kê, định mức, tiêu chuẩn, số lượng danh mục liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung các nội dung có liên quan như vốn vay nước ngoài, Quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước.