Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Bộ Công an, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác về phía UBND tỉnh Lào Cai có ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh, thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiệt hại thiên tai
Báo cáo tóm tắt công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động PCTT năm 2022 tỉnh Lào Cai, ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2021, thiên tai trên địa bàn tỉnh đã làm 4 người chết, 1 người mất tích, 3 người bị thương nhẹ; 1.121 ngôi nhà bị thiệt hại và ảnh hưởng; 1.032,7 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 1.626 con gia súc, gia cầm bị chết. Về cơ sở hạ tầng, thiên tai đã làm hư hỏng 21 điểm trường, 8 nhà văn hóa thôn bản và các vật dụng khác, 2 kè suối chống sạt lở đất bị sạt lở 110 m, 26 công trình thủy lợi; 132 vị trí với 18.446 m3 quốc lộ bị sạt lở ta luy dương…
Trong 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra 8 đợt thiên tai. Điển hình là đợt rét đậm, rét hại từ ngày 19-25/2/2022, nhiệt độ các nơi trong tỉnh giảm xuống 7-90C, vùng núi cao dưới 0oC xảy ra mưa tuyết, băng giá tại một số xã vùng cao của huyện Bát Xát và thị xã Sa Pa đã gây thiệt hại trên 588 con gia súc; mưa lớn trên diện rộng từ ngày 22-23/3 tại một số trạm: Bản Sen 174,6mm, Bản Lầu 161,6mm, Cao Sơn 135,0mm (huyện Mường Khương); Bản Mế 164 mm, Nàn Sán 141,6mm, Sín Chéng 57,2mm (huyện Si Ma Cai); Nậm Xé 64,2mm, Võ Lao 52,4mm (huyện Văn Bàn); Lùng Phình 60,8mm, Nậm Đét 59,6mm (huyện Bắc Hà),… đã gây thiệt hại về tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thiên tai trong 4 tháng đầu năm 2022 đã làm 16 nhà bị thiệt hại và ảnh hưởng; 128ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 588 con gia súc bị chết rét; sạt lở ta luy dương 27 vị trí/1.300m3 đường quốc lộ; thiên tai cũng làm hư hỏng 2 điểm trường, 3 công trình thủy lợi, 1 cột điện, 3 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Theo ông Tạ Công Huy, ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022 là 109,16 tỷ đồng, trong đó, năm 2021 là 90,86 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm 2022 là 18,3 tỷ đồng. Do thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, do vậy trong năm 2021, thiên tai giảm trên cả 3 tiêu chí: số người bị chết 4/7 người bằng 57,1%, số người bị thương 3/11 người bằng 27,2%, về kinh tế 90,86/417 tỷ đồng bằng 21,8% so với năm 2020.
Về công tác hỗ trợ dân sinh, tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị chết và bị thương, khắc phục, sửa chữa nhà ở bị ảnh hưởng bởi thiên tai cơ bản xong đảm bảo ổn định cuộc sống người dân. Tỉnh Lào Cai đã bố trí lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn Chương trình mục tiêu, vốn ODA, vốn bảo trì công trình, vốn ngân sách dự phòng, vốn vận động ủng hộ, tài trợ, vốn Trung ương hỗ trợ, Quỹ Phòng, chống thiên tai, các nguồn vốn hợp pháp khác trong phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, hỗ trợ, đầu tư khắc phục hậu quả tái thiết sau thiên tai 85 dự án/công trình với kinh phí 646.912 triệu đồng.
Đối với công tác bố trí chỗ ở phục vụ di dời tái định cư vùng thiên tai, ông Tạ Công Huy cho biết, thực hiện Kế hoạch số 345/KH-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương rà soát được 638 hộ dân cư đang sinh sống trong khu vực thiên tai nguy hiểm. Đến 31/12/2021, đã tổ chức SXDC được 317/638 hộ, đạt 49,7%; trong đó, Mường Khương 40/35 hộ, Bảo Yên 55/179 hộ, Si Ma Cai 14/14 hộ, Bắc Hà 19/14 hộ, TP Lào Cai 40/73 hộ, Bảo Thắng 19/41 hộ, thị xã Sa Pa 76/117 hộ, Bát Xát 36/144 hộ, Văn Bàn 18/21 hộ.
Trong năm 2022, tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp 321 hộ dân cư thiên tai của năm 2021 theo Kế hoạch số 345/KH-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh và 369 hộ theo Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 12/01/2022 của UBND tỉnh. Thực hiện dự án sắp xếp dân cư tập trung: Thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, quy mô 50 hộ; thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà, quy mô 30 hộ;...
Theo đánh giá, tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt việc sắp xếp dân cư ra ngoài khu vực thiên tai nguy hiểm. Vì vậy, đã góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho người dân vùng nông thôn phát triển kinh tế mang tính ổn định bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Tạ Công Huy cho biết, tỉnh Lào Cai đề nghị, Đoàn kiểm tra báo cáo và đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai 3 dự án sắp xếp dân cư tập trung với kinh phí 100 tỷ đồng; hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai kinh phí xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất với kinh phí 4,7 tỷ đồng; bố trí kinh phí hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra 74,82 tỷ đồng.
Đồng thời, kiến nghị với Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách tài chính sử dụng nguồn Quỹ PCTT tai theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ để các địa phương có cơ sở triển khai, thực hiện; ban hành quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư, sửa chữa các danh mục công trình hư hỏng do thiên tai; điểm sắp xếp dân cư tập trung theo hướng rút gọn, trình tự thủ tục (áp dụng với công trình cấp bách)…
Làm tốt công tác “4 tại chỗ”
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, thảo luận trong đó, tập trung vào công tác triển khai các kế hoạch, phương án PCTT của Lào Cai; tổ chức bộ máy PCTT của tỉnh; việc thực hiện Bộ chỉ số về công tác PCTT cấp tỉnh; các dự án sắp xếp dân cư tập trung; vấn đề trình tự, thủ tục cưỡng chế đối với những tổ chức, cá nhân khi phải di chuyển ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm; quy định cụ thể đối tượng và mức hỗ trợ di chuyển ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm; vấn đề xây dựng mô hình tránh trú tạm thời trước khi di dời người dân khỏi vùng có nguy cơ cao; quy hoạch mạng lưới trạm KTTV tại tỉnh Lào Cai; trao đổi thông tin giữa Sở Nội vụ và các huyện biên giới với phía nước bạn trong việc bảo vệ nguồn nước; vấn đề bảo vệ hành lang an toàn nguồn nước; việc giám sát các hồ thủy lợi...
Ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phát biểu của thành viên Đoàn công tác. Đồng thời, cho rằng trong thời gian qua, các ý kiến chỉ đạo của Trung ương đến địa phương đã được địa phương thực hiện cơ bản kịp thời, với những vấn đề còn thiếu, tỉnh sẽ tiếp thu và tiếp tục hoàn thiện.
Với đề xuất của Tổng cục KTTV về việc tăng cường nhân lực KTTV cho địa phương, ông Hoàng Quốc Khánh cho biết, UBND tỉnh Lào Cai bày tỏ sự nhất trí với phương án này và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai có văn bản báo cáo UBND tỉnh quyết định. Đây là cơ hội để tỉnh tăng cường chất lượng nguồn nhân lực chuyên ngành KTTV, phục vụ hữu ích cho việc chỉ đạo, điều hành của địa phương về lĩnh vực này.
Ông Hoàng Quốc Khánh cũng cho biết, đối với các dự án sắp xếp dân cư, thời gian qua, khi tỉnh Lào Cai thực hiện đều là các dự án cấp bách, cần làm ngay, tuy nhiên, quá trình thực hiện phải tuân thủ các quy định hiện hành còn kéo dài. Đề nghị Đoàn công tác có ý kiến đề xuất với Chính phủ thay đổi các quy định này cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhấn mạnh, trong những năm qua, thiên tai, bão lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai rất phức tạp, đe dọa đến sự phát triển bền vững của tỉnh, gây thiệt hại về tính mạng và tải sản của nhân dân. Đồng thời, ghi nhận những kết quả tỉnh Lào Cai đã đạt được, như việc đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp tỉnh, huyện, xã, các sở, ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách PCTT và TKCN.
Về công tác xây dựng và triển khai kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025, kế hoạch PCTT năm 2022, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 25/3/2021 của UBND tỉnh về PCTT giai đoạn 2021-2025; các nhiệm vụ đã lồng ghép với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Trong công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 đã thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời và nhanh chóng thực hiện công tác hỗ trợ dân sinh, khắc phục sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng. Các địa phương rà soát được 638 hộ dân cư đang sinh sống trong khu vực thiên tai nguy hiểm. Đến 31/12/2021, đã tổ chức sắp xếp dân cư được 317/638 hộ, đạt 49,7%, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tại địa phương nhanh chóng di dời các hộ còn lại khi mùa mưa bão đang đến gần.
Đối với kết quả thực hiện phương châm 4 tại chỗ tại các địa phương, đặc biệt là xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9/7/2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo thống kê tổng hợp nhu cầu mua sắm, sửa chữa trang thiết bị; chủ động sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, vật tư, y tế, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, nước uống. Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trước mùa mưa, bão theo Kế hoạch số 50/KH-VPTT ngày 9/3/2022 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai. Xây dựng củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 9/7/2021.
Ông Trần Hồng Thái cũng đánh giá cao kết quả thực hiện của UBND tỉnh Lào Cai trong công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức công động về phòng, chống thiên tai; việc tổ chức kiện toàn, triển khai thu và sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ.
“Tỉnh đã cơ bản hoàn thành tốt công tác PCTT và TKCN trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, kịp thời hỗ trợ và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản; hỗ trợ việc ổn định tình hình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số đạt 90/100 điểm đứng thứ 2 toàn quốc là kết quả đáng ghi nhận”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp đã được thực hiện, phương tiện cho hoạt động của Văn phòng thường trực đã được tỉnh chú trọng đầu tư để đảm bảo yêu cầu làm việc. Các văn bản của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã được UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện và triển khai đến các sở, ban, ngành, các cấp ở địa phương để thực hiện. Tuy nhiên, trong báo cáo các kết quả đạt được vẫn mang tính chung chung, định tính chưa làm nổi bật các kết quả đạt được.
Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức công động về phòng, chống thiên tai được thực hiện dưới nhiều hình thức, đa nội dung trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với truyền thông cơ sở.
Bên cạnh các kết quả đạt được, ông Trần Hồng Thái cho rằng, một số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khi thực hiện Kế hoạch PCTT trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn chủ quan, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương về công tác PCTT; một số hộ dân còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả sau thiên tai, chưa thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ".
“Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở hoặc xử phạt theo quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTT, thủy lợi, đê điều theo đúng quy định tại Nghị định 03/2022/NĐ-CP”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa tại Dự án bố trí sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm Cam 3, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Đây là Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4770/QĐ-UBND ngày 30/10/2017, với quy mô bố trí sắp xếp 26 hộ dân.
Theo UBND huyện Bảo Yên, Dự án gồm các hạng mục: San gạt mặt bằng, cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt, trường học, nhà văn hóa, đường nội bộ khu dân cư, tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng. Giá trị quyết toán là 5,699 tỷ đồng. Hiện nay, Dự án đã hoàn thành, các hộ đã nhận đất và đang thực hiện di chuyển, làm nhà tại điểm dự án (hiện có 24 hộ đã di chuyển đến dự án).