Biến đổi khí hậu

Đô thị nóng lên! - Bài 1: Khi thành phố trở thành “hòn đảo nóng”

Khánh Ly 25/07/2024 10:36

(TN&MT) - “Đảo nhiệt đô thị” - một thuật ngữ chuyên môn đang dần trở nên phổ biến với người dân thành phố. Hiểu nôm na là thành phố ngày càng nóng lên giống như một hòn đảo nhiệt tách biệt với xung quanh.

Nhiệt độ của các khu đô thị, thành phố đang thực sự nóng lên, gây bức bối với biểu hiện rõ nét ở các đợt nắng nóng liên tục gia tăng và kéo dài...

Hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” được định nghĩa là hiện tượng mà tại cùng thời điểm, nhiệt độ trung bình so với khu vực phát triển đô thị với nhiều công trình nhân tạo cao hơn ở khu vực công viên và nông thôn có môi trường tự nhiên xung quanh. Hiện tượng tăng nhiệt độ cục bộ này tạo nên một khu vực trung tâm như một “ốc đảo” có nhiệt độ cao hơn các nơi khác.

Nắng nóng gia tăng, thành phố “ngộp thở”

Trong vài năm trở lại đây, nắng nóng liên tục gia tăng. Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2021 đã xảy ra 11 đợt nắng nóng, đợt dài nhất là 22 ngày với nền nhiệt phổ biến là nắng nóng đặc biệt gay gắt. Tâm điểm là các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 38 - 400C, có nơi trên 410C. Năm 2022 có 14 đợt nắng nóng.

Năm 2023, cả nước xuất hiện 20 đợt nắng nóng diện rộng, nhiều nhất tính từ năm 2017. Đợt nắng nóng kéo dài nhất là 24 ngày ở Trung và Nam Trung Bộ (từ ngày 5 - 28/8).

Tháng 4/2024 được ghi nhận là tháng 4 nóng nhất lịch sử tính từ năm 1980 ở nước ta. Có 110/186 trạm quan trắc ghi nhận nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, trong đó có đến 44 trạm vượt giá trị lịch sử năm. Có tới 50/63 tỉnh, thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục của tháng 4, trong đó có 29 tỉnh/thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục của năm.

bai-1.jpg

Trên các bản tin cảnh báo về nắng nóng, cơ quan khí tượng luôn lưu ý: “Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2 - 40C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa”. Điều đó lý giải tại sao, cư dân mạng có thể thực hành việc rán trứng ở ngoài trời với nhiệt kế đo được lên tới trên 500C.

Điều này phản ánh phần nào hiện tượng đảo nhiệt đô thị đang diễn ra ngày càng gia tăng tại các thành phố ở Việt Nam. Khi ấy nhiệt độ không khí ở thành phố thường cao hơn ở nông thôn, còn độ ẩm lại thấp hơn. Vào mùa hè, nhiệt độ không khí ở thành phố có thể cao hơn các vùng nông thôn từ 2 - 60C, nhiệt độ tại những bề mặt phủ gạch, bê tông cao hơn nhiệt độ không khí từ 5 - 80C.

Nguyên nhân chính là do ở thành phố không khí lưu thông kém, vướng nhiều khu nhà cao tầng, làm giảm sự phân tán nhiệt. Nhiều xe máy, ô tô đi lại, nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất dùng lò đốt, điều hòa, máy lạnh thải nhiều nhiệt vào không khí. Gạch, bê tông, đường nhựa hấp thụ bức xạ mặt trời rất tốt, nóng lên và toả nhiệt vào không khí. Mặt nước ao hồ lại ít, đất bị phủ gạch, nhựa, bê tông không cho nước trong đất bốc hơi, vừa không tiêu hao được nhiệt, vừa làm không khí khô hơn.

Những ngày hiệu ứng đảo nhiệt đô thị diễn ra mạnh, người dân như ngộp thở trong khối không khí đặc quánh và nóng bức.

“Giải nhiệt” cho những thành phố nóng

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn), đảo nhiệt đô thị đã trở thành chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên thế giới những năm gần đây, do liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và chính sách quy hoạch, phát triển đô thị xanh, bền vững.

Như vậy, để “giải nhiệt” cho các thành phố không đơn giản như làm mát nhà bạn bằng quạt, điều hòa mà cần tổng thể các giải pháp về chính sách, quy hoạch, công trình và phi công trình.

Theo ông Nguyễn Thành Luân - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, giải pháp về hạ xanh có thể là giúp giải nhiệt cho “đảo nhiệt đô thị”. Cơ sở hạ tầng xanh là việc bổ sung các thành phần xanh lam (nước) và xanh lá cây (thực vật) tương phản với môi trường được xây dựng để cải thiện và quản lý hệ thống môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống trong hệ sinh thái. Có thể kể đến những mái nhà xanh; tường xanh; mặt tiền xanh; bãi đậu xe xanh, vỉa hè và những con đường rợp bóng mát. Nếu được quy hoạch và thiết kế tốt, hạ tầng xanh có thể giảm thiểu tác động tiêu cực của đảo nhiệt đô thị và biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Hạ tầng xanh giảm nhiệt đô thị

Về giải pháp phi công trình, các chuyên gia cho rằng, không nên phát triển quá nhiều siêu đô thị, bố trí đô thị rải rác ở nhiều nơi, nên hạn chế sự phát triển tập trung, co cụm; thay vào đó, phát triển đô thị theo nhiều hướng thay vì chỉ ở trung tâm hay tạo thành các khu trung tâm siêu tập trung.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất giải pháp về nâng cao nhận thức cộng đồng để người dân áp dụng các giải pháp về hạ tầng xanh; hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu về các mô hình đô thị thông minh cùng với việc cam kết thực thi các chính sách về làm mát đô thị, quy hoạch đô thị phù hợp với mỗi đô thị của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đô thị nóng lên! - Bài 1: Khi thành phố trở thành “hòn đảo nóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO