Đô thị nóng lên! - Bài 2: Nghịch lý làm mát
(TN&MT) - Nghịch lý nằm ở chỗ, con người càng làm mát trong những không gian nhỏ thì không gian lớn bên ngoài ngôi nhà, ngoài đường, cả thành phố, thậm chí toàn cầu lại càng nóng lên nhanh chóng.
Không cần là nhà khoa học, không cần các máy móc thiết bị đo nhiệt hiện đại, mỗi người dân ở các đô thị, đặc biệt là các đô thị lớn, đều cảm có thể nhận được nắng nóng tăng lên so với trước đây 10 - 20, 30 năm.
Nếu vài chục năm trước, ngồi dưới một bóng cây to hay dưới một mái tranh đã đủ để hạ nhiệt thì nay, cư dân đô thị cần sống liên tục trong những căn phòng lắp điều hòa mát rượi.
Nghịch lý nằm ở chỗ, con người càng làm mát trong những không gian nhỏ thì không gian lớn bên ngoài ngôi nhà, ngoài đường, cả thành phố, thậm chí toàn cầu lại càng nóng lên nhanh chóng.
Nhiệt sinh ra từ hoạt động của con người (gồm nhiệt sinh ra từ xe cộ, máy điều hòa không khí, tòa nhà và cơ sở công nghiệp) là một trong 5 nguyên nhân gây hiện tượng đảo nhiệt đô thị.
Cùng với sinh nhiệt, các thiết bị làm mát còn gây hiệu ứng nhà kính, gia tăng hiện tượng nóng lên ở quy mô toàn cầu. Ước tính, hoạt động làm mát thông thường như sử dụng điều hòa không khí, tủ lạnh lại gây phát thải hơn 7% khí nhà kính toàn cầu và là một trong nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nguồn phát thải chủ yếu đến từ điện năng sử dụng chạy các thiết bị làm mát, và lượng môi chất làm mát bên trong thiết bị - vốn có khả năng phát thải khí nhà kính cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần khí CO2. Nếu không được quản lý, nhu cầu năng lượng để làm mát không gian sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050, kéo theo làm tăng phát thải khí nhà kính.
Làm mát đô thị đồng thời giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam - quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh. Cả chính sách và hành động đều đang được triển khai nhanh chóng.
Năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương tham gia Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát (Cool Coalition) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khởi xướng. Điều này đã được hiện thực hóa vào cuối năm 2023 tại Hội nghị COP28 về BĐKH, Việt Nam tham gia Cam kết làm mát toàn cầu cùng 62 quốc gia khác.
Để cụ thể hóa cam kết này, giữa tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tích hợp các giải pháp làm mát bền vững.
Yêu cầu quan trọng nhất là về quy hoạch. Theo đó, các yêu cầu về giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và chống chịu với nắng nóng cực đoan phải được nghiên cứu, lồng ghép trong các chương trình phát triển đô thị cấp quốc gia, cấp tỉnh, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của quốc gia và từng địa phương, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan của tỉnh. Hoạt động làm mát bền vững được triển khai thực hiện tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I và loại II.
Theo lộ trình thực hiện, cùng với hoàn thiện cơ chế chính sách, Nhà nước sẽ từng bước áp dụng định mức sử dụng năng lượng cho các loại hình tòa nhà; cập nhật việc trang bị, mua sắm thiết bị lạnh và điều hòa không khí có chứa các chất được kiểm soát có tiềm năng nóng lên toàn cầu thấp, công nghệ làm mát tiết kiệm năng lượng áp dụng đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công; hướng dẫn kỹ thuật về tòa nhà đạt mức cân bằng về năng lượng; triển khai các mô hình về làm mát bền vững áp dụng các giải pháp làm mát thụ động, sử dụng các môi chất lạnh thân thiện khí hậu, công nghệ phát thải các-bon thấp, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; mô hình kinh doanh dịch vụ làm mát tại các tòa nhà văn phòng, thương mại hoặc công trình công cộng.
Từ năm 2040, các đô thị đặc biệt, đô thị loại I và loại II phải xây dựng và áp dụng đồng bộ các giải pháp về giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và chống chịu với nắng nóng cực đoan. 100% các công trình xây dựng mới đạt chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng và vận hành...
Trước đó, năm 2022, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng UNEP khởi động dự án hỗ trợ 3 thành phố là Cần Thơ, Đồng Hới (Quảng Bình), Tam Kỳ (Quảng Nam) tham gia chương trình “Làm mát đô thị bền vững tại khu vực đô thị ở Việt Nam”. Dự án kéo dài đến hết năm 2024. Thực tiễn triển khai dự án cho thấy hoàn toàn có thể nhân rộng ra hệ thống hơn 800 đô thị trên cả nước.
Vấn đề làm mát bền vững đã được luật hóa cũng như hướng dẫn thực hiện chi tiết. Theo ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, việc triển khai trong thời gian tới cần sự phối hợp tích cực của địa phương, cụ thể trong các chương trình phát triển đô thị cấp tỉnh, kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của địa phương.
Việc tăng các mảng cây xanh, hồ nước, thiết kế tối ưu thông gió tự nhiên, giảm sử dụng vật liệu hấp thụ nhiệt hay tiết kiệm năng lượng… sẽ là các giải pháp quan trọng để biến những “đảo nhiệt” thành “đảo mát”.