Xã hội

Đình Lập (Lạng Sơn): Tháo gỡ khó khăn để giảm nghèo bền vững

Hoàng Nghĩa 30/06/2023 - 23:06

(TN&MT) - Mục tiêu giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Đình Lập (Lạng Sơn) chú trọng triển khai, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống cho người dân nói chung và người nghèo, cận nghèo nói riêng.

Triển khai đồng bộ các chính sách

Đình Lập có 2 thị trấn, 7 xã vùng I, 3 xã vùng III, trong đó có 2 xã biên giới; 113 thôn bản, khu phố với 7 thôn giáp biên và 50 thôn, khu đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có trên 28.000 người, 85% là đồng bào DTTS.

Để hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, ngay từ đầu năm, huyện Đình Lập đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban chủ động phối hợp triển khai; hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện các chương trình, dự án do đơn vị phụ trách. UBND các xã, thị trấn xây dựng Kế hoạch thực hiện, giao chỉ tiêu giảm nghèo đến từng thôn, khu phố.

5-3-.jpg
Người dân Đình Lập tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, nâng cao thu nhập, góp phần ứng phó với BĐKH. 

Đồng thời, chủ động lồng ghép các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong nội dung quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng biến đổi khí hậu.

Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chương trình, dự án trồng rừng để góp phần bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho cộng đồng; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão và những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Huyện Đình Lập cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác trợ giúp xã hội dịp Tết Nguyên đán, hỗ trợ thiếu đói giáp hạt; triển khai hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tại 10 xã, thị trấn; hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp tại 5 xã.

Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tiền điện thắp sáng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, hỗ trợ 36 hộ có khó khăn về đất ở, nhà ở, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán 344 hộ, đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung tại 2 xã Châu Sơn và Lâm Ca…

Còn nhiều khó khăn

Theo Chủ tịch UBND huyện Đình Lập Nguyễn Văn Hà, những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thực hiện đồng bộ, tích cực, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững.

Qua đó đã giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn, xã nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, các dịch vụ xã hội được tiếp cận và sử dụng thuận tiện... góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn.

screenshot_20230629_201213_chrome.jpg
Huyện Đình Lập đang tập trung thực hiện các dự án để thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở xã, thị trấn có lúc chưa kịp thời, vai trò của một số thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trách nhiệm chưa cao.

Nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững mặc dù đã được phân bổ từ đầu năm, nhưng đến nay vẫn còn một số cơ quan, đơn vị được phân bổ nguồn vốn còn gặp khó khăn, vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn. Đối với các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tại một số xã, thị trấn còn khó khăn trong việc lựa chọn, xây dựng, thực hiện dự án...

Trong khi đó, nguồn thu ngân sách huyện còn hạn chế, việc cân đối, bố trí vốn đối ứng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn khó khăn, chưa thực hiện được. Công tác tuyên truyền đã có nhiều chuyển biến song nhiều nơi chất lượng tuyên truyền chưa cao, chưa huy động sự vào cuộc của người dân. Một bộ phận không nhỏ người nghèo chưa thực sự thay đổi về nhận thức, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa nỗ lực, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Đánh giá rõ thực trạng, những vấn đề còn tồn tại, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2%/năm trở lên, hộ cận nghèo từ 3% trở lên, huyện Đình Lập đang tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin.

Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo với phương châm Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, quán triệt đầy đủ đến các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư, nhất là người nghèo, hộ nghèo về quan điểm chỉ đạo, nội dung chương trình giảm nghèo của huyện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo; tuyên truyền phổ biến các mô hình, các cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo; giáo dục ý thức tự lực vươn lên, không ỷ lại cho hộ nghèo, người nghèo.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và năng lực tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là cấp xã để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức chỉ đạo thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo đã đề ra.

screenshot_20230627_141528_facebook.jpg
Một góc thị trấn Đình Lập (Đình Lập, Lạng Sơn).

Song song công tác giảm nghèo, huyện Đình Lập cũng chú trọng nâng cao các chỉ tiêu môi trường sống cho nhân dân. Đến nay, 75% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 99,4% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 96% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý; 95% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom, xử lý. Tỷ lệ tái sử dụng hoặc tái chế rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện đạt khoảng 30%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đình Lập (Lạng Sơn): Tháo gỡ khó khăn để giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO