Thông tin do Tổ chức Tư vấn về khí hậu và năng lượng Ember vừa công bố trong báo cáo thường niên "Đánh giá Điện năng toàn cầu" lần thứ ba.
Theo các số liệu từ báo cáo, 7 quốc gia mới gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Việt Nam, Argentina, Hungary và El Salvador. Trong đó, Việt Nam đã cho thấy, quá trình chuyển dịch nhanh chóng nhất, đặc biệt trong lĩnh vực điện mặt trời khi sản lượng tăng tới 337% (+17 TWh) trong năm 2021.
Chỉ trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã chuyển hơn 8% tổng nhu cầu điện từ nhiên liệu hóa thạch sang điện gió và điện mặt trời (từ 3% cuối năm 2019 lên tới 11% năm 2021) – điều mà không quốc gia nào làm được trước đó. Sự tăng trưởng trong lĩnh vực điện mặt trời này đồng nghĩa rằng, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á đáp ứng được nhu cầu điện tăng thêm bằng điện gió và điện mặt trời.
Báo cáo chỉ ra, nhu cầu điện năm 2021 đã tăng trở lại với 1.414 TWh - mức tăng tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay, gần tương đương với việc bổ sung thêm một quốc gia như Ấn Độ vào nhu cầu điện của thế giới. Mức tăng nhu cầu trung bình khoảng 5,4% được cho là nhanh nhất trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay. Nguyên nhân do nhiều nền kinh tế tiên tiến đã phục hồi trở lại mức trước đại dịch, và tăng trưởng thực sự nằm ở châu Á. Trung Quốc có mức tăng nhu cầu điện lớn nhất với 13%.
Mặc dù sản lượng điện gió và điện mặt trời tăng kỷ lục nhưng chỉ đáp ứng được 29% nhu cầu điện gia tăng trên toàn cầu vào năm 2021. Do vậy, phần gia tăng nhu cầu điện còn lại được đáp ứng bằng nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó, điện than chiếm khoảng 59%.
Điều này kéo theo sản lượng điện than tăng cao kỷ lục, chiếm 36% lượng điện toàn cầu. Nhiều quốc gia ở châu Á đều xác lập mốc cao mới về tiêu thụ điện than, bao gồm Trung Quốc (+9%), Ấn Độ (+11%), Indonesia, Kazakhstan (+6%), Mông Cổ (+13%), Pakistan (+8%) và Philippines (+8%). Trong năm 2021, điện than ở Mỹ, EU và Nhật Bản tăng mạnh trở lại so với năm 2020, nhưng vẫn ở dưới mức của năm 2019. Phần trăm lượng điện than của Trung Quốc trong lượng điện than toàn cầu tăng từ 50% vào năm 2019 lên 54% vào năm 2021.
Lượng khí thải CO2 của ngành điện đã tăng lên kỷ lục của mọi thời đại 7% vào năm 2021 (778 triệu tấn) - mức tăng phần trăm lớn nhất kể từ năm 2010 và mức tăng tuyệt đối lớn nhất từ trước đến nay. Thời điểm đại dịch 2020, chỉ số này chỉ giảm 3%, có nghĩa là lượng khí thải hiện nay đã cao hơn so với trước khi xảy ra đại dịch.
Đây là thách thức lớn với thế giới trong các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Theo Lộ trình Phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điện gió và điện mặt trời cần đạt mốc 40% điện năng toàn cầu vào năm 2030, trong khi điện than cần giảm từ 36% xuống chỉ còn 8%.
Ông Dave Jones, lãnh đạo toàn cầu của Ember cho rằng: Quá trình cải cách hệ thống năng lượng hiện có đã bắt đầu. Điện gió và điện mặt trời tăng thêm vào lưới điện nhiều hơn bao giờ hết và được kỳ vọng sẽ cung cấp phần lớn lượng điện sạch cần thiết để dần thay thế tất cả điện từ nhiên liệu hóa thạch, đồng thời, giúp tăng cường an ninh năng lượng. Trong thập kỷ này, các quốc gia cần triển khai tiến trình này nhanh hơn nữa để đảo ngược sự gia tăng khí thải toàn cầu và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Báo cáo thường niên lần thứ ba của Ember nhằm đưa ra cái nhìn bao quát, khách quan về những thay đổi trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu trong năm 2021. Báo cáo phân tích dữ liệu sản xuất và nhập khẩu điện hàng năm của 215 quốc gia từ năm 2000 đến năm 2020, với dữ liệu năm 2021 của 75 quốc gia, chiếm 93% nhu cầu điện năng toàn cầu.