Tòa án nhân dân cấp cao đang xem xét thụ lý vụ án
Theo đơn kêu cứu của ông Ngô Tiến Trọng, trú tại xóm 10, xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An gửi cơ quan chức năng nêu rõ: ông Trọng và bà Trần Thị Thục (nay đã chết), người thừa kế của bà Thục là con gái bà tên Ngô Thị Tấn, đang tranh chấp thửa đất số 765, tờ bản đồ số 04 (thửa mới là 101, tờ bản đồ 16), tại xóm 10, xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu.
Được biết, tại bản án Phúc thẩm số 33/2016/DSPT ngày 17/6/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Tòa đã xử cho bà Ngô Thị Tấn được thửa đất số 765. Tuy nhiên, khi bản án có hiệu lực, UBND huyện Diễn Châu đã phát hiện ra giấy chứng nhận QSDĐ của bà Tấn bị cấp sai quy định của pháp luật. Vì vậy, ngày 07/8/2018 ông Trọng đã viết đơn gửi Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, yêu cầu Tái thẩm lại vụ án theo bản án số 33/2016/DSPT ngày 17/6/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Sau đó, đơn của ông Trọng đã được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận và đang xem xét đơn đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật. Như vậy thửa đất 765, tờ bản đồ số 4 ở xóm 10, xã Diễn Xuân là đất đang tranh chấp, đang được tòa xử lý.
Thế nhưng bất chấp gia đình ông Trọng đang có đơn kêu cứu gửi khắp nơi nhưng ngày 05/3/2019 UBND huyện Diễn Châu đã ra Công văn số 353/UBND-TNMT "Về việc thực hiện lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" người ký văn bản là ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu. Tiếp đó, ngày 20/3/2019, UBND xã Diễn Xuân ra Thông báo số 103/TB-UBND về việc "Thông báo công khai kết quả kiểm tra hồ sơ đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu" cho bà Ngô Thị Tấn.
Theo ông Trọng, gia đình viết đơn kêu cứu gửi khắp nơi yêu cầu UBND huyện Diễn Châu dừng việc cấp giấy CNQSD cho bà Tấn dựa trên căn cứ như sau: “Cơ sở để Tòa sơ thẩm và Phúc thẩm ở Nghệ An xử tuyên tôi phải trả lại đất cho bà Thục là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A A 172949 do UBND huyện Diễn Châu cấp ngày 11/10/2004 mang tên bà Ngô Thị Chuân (tên thường gọi của bà Trần Thị Thục) ở xóm 10, xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu.
Tuy nhiên, giấy cấp sai quy định nên UBND huyện Diễn Châu ra Quyết định số 2564/QĐ - UBND ngày 31/10/2016 "Về việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thục". Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi bản án có hiệu lực thi hành (Án Phúc thẩm tuyên ngày 17/6/2016; trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thu hồi ngày 31/10/2016 - PV). Nay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Thục đã bị thu hồi nên vụ án phải được xử lại, không thể lấy vật chứng là “bìa đỏ” cấp sai quy định để làm căn cứ xét xử vụ án. Ngoài ra, đây là vụ án dân sự, tranh chấp đất đai, tôi đã gửi đơn lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và đang được xem xét để xử lại. Như vậy, đất đang tranh chấp nên Huyện không thể cấp sổ đỏ trên mảnh đất đó” – Ông Trọng khẳng định.
Chính quyền đang “lúng túng”?
Về vấn đề này ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch xã Diễn Xuân, cho biết: “Trong sự việc này chúng tôi làm theo Công văn chỉ đạo của Huyện chuyển xuống. Trong quá trình lập hồ sơ chúng tôi đã làm đúng theo các trình tự quy định của pháp luật. Và trong văn bản gửi lên Huyện đã ghi rõ đất tranh chấp và có bản án của tòa sơ thẩm và phúc thẩm; nay một bên đương sự đang gửi đơn lến tòa cấp cao hơn…”.
Cũng theo ông Thống, thẩm quyền của cấp xã là lập hồ sơ đúng với thực tế chứ cấp hay không là thẩm quyền của cấp Huyện. “Xã thấy sự việc rất phức tạp nên chưa muốn làm thủ tục cấp giấy CNQSDĐ cho bà Tấn; khi nào hai bên đương sự không còn đơn từ kiện cáo nữa thì cấp cũng chưa muộn. Thế nhưng, huyện chỉ đạo cứ lập hồ sơ theo thực tế, còn cấp hay không là thẩm quyền của huyện” – Ông Thống, cho hay.
Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết thêm: “Về nguyên tắc tòa đã xử phúc thẩm thì Huyện phải thực thi theo bản án là cấp “sổ đỏ” cho bà Ngô Thị Tấn. Còn chỗ ông Trọng lâu lâu lại làm cái đơn kêu cứu, trong đó nêu rõ là đất đang tranh chấp và đang được Tòa cấp cao xem xét, thụ lý. Nhưng toàn cấp cao xem xét thì phải có thời hạn nhất định, chứ không thể kéo dài mãi được. Về việc này UBND Huyện cũng đã cử cán bộ ra tận Tòa cấp cao để hỏi cho kỹ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng là có quyết định thụ lý vụ án không. Tôi cũng rất đau đầu và áp lực về vấn đề này, không cấp cho bà Tấn thì khả năng bị họ kiện vì tòa phúc thẩm đã tuyên. Còn cấp thì cũng khổ vì sợ sau này tòa cấp cao quyết định thụ lý vụ án lại. Cũng may hiện chưa cấp được vì bà Trần Thị Thục vừa mất và cũng chưa lấy được ý kiến khu dân cư”.
Theo cách trả lời của ông Vinh thì với vụ việc trên huyện cũng đang gặp khó khăn, lúng túng trong hướng giải quyết. Nếu không cấp “sổ đỏ” cho bà Tấn thì sợ bị kiện; còn nếu cấp thì liệu có đúng với quy định của pháp luật hay không khi Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đang “xem xét thụ lý” đơn của đương sự?
Được biết, ngay sau khi có Thông báo của UBND xã Diễn Xuân nội dung niêm yết công khai việc lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Ngô Thị Tấn, cán bộ, đảng viên và các hộ dân xóm 10 liền kề với khu đất nói trên đã họp và lập biên bản phản đối gửi UBND huyện Diễn Châu yêu cầu dừng ngay việc cấp bìa đỏ cho bà Tấn. Trong biên bản có ghi: "…Nếu các cơ quan chức năng ở xã Diễn Xuân, các cơ quan chức năng ở huyện Diễn Châu vẫn cố tình làm hồ sơ cấp bìa đỏ cho bà Ngô Thị Tấn là làm trái Điều 100, Điều 101, Điều 108 Luật Đất đai 2013 và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật".
Thiết nghĩ, việc UBND xã Diễn Xuân và UBND huyện Diễn Châu lập hồ sơ cấp “bìa đỏ” cho bà Ngô Thị Tấn tại miếng đất là tài sản đang tranh chấp trong mà Tòa án nhân dân cấp cao đang xem xét thụ lý, giải quyết theo đề nghị của ông Ngô Tiến Trọng là việc làm mà các cơ quan chức năng huyện Diễn Châu cần phải làm đúng với các quy định của pháp luật; tránh những sai sót, rắc rối có thể xảy ra trong tương lai. Mặt khác đất đang tranh chấp, đang bị nhân dân và cán bộ xóm 10, khu dân cư phản đối thì UBND huyện Diễn Châu chưa nên cấp GCNQSDĐ cho bà Ngô Thị Tấn vội.