Diễn biến vùng áp thấp còn hết sức phức tạp

Tuyết Chinh| 30/07/2020 15:32

(TN&MT) - Hồi 13 giờ hôm nay (30/7), vị trí trung tâm vùng áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về phía Đông. Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, vùng áp thấp chưa mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và diễn biến còn hết sức phức tạp.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13 giờ ngày 31/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vị trí và hướng di chuyển vùng áp thấp cập nhật tại Bản tin lúc 14h30 ngày 30/7/2020 của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 do áp thấp nhiệt đới): Phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông; phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên ở Biển Đông có mưa dông mạnh, ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao 2,0-3,5m; biển động. Ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; sóng biển cao 2-4 mét.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ chịu tác động cao của gió giật và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 01/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Ông Trần Quang Năng đánh giá, với khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, nguy cơ lớn nhất là sự kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh khiến cho toàn bộ vùng biển phía Nam giữa và Nam biển Đông sẽ có gió Tây Nam mạnh cấp 6, cấp 7. Vùng biển các tỉnh từ Ninh Bình xuống đến Cà Mau cần lưu ý hiện tượng gió mùa Tây Nam mạnh lên này.

Ngoài ra, do ảnh hưởng áp thấp mạnh lên trên biển Đông, mưa dông sẽ xuất hiện ở nhiều nơi, đặc biệt là những tàu bè hoạt động trên biển.

Còn trên đất liền, ông Năng cho rằng, hiện đang là vùng áp thấp nên các tính toán, phân tích vẫn đang có độ phân tán nhất định. Kịch bản xấu nhất mà cơ quan khí tượng thủy văn quốc giá đánh giá là vùng áp thấp này có khả năng di chuyển và ảnh hưởng trực tiếp vào các tỉnh miền Bắc nước ta.

“Với kịch bản xấu nhất như vậy, cơ quan dự báo quốc gia nhận định mưa có khả năng xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ trong vòng từ đêm 31/7 và kéo dài đến ngày 5/8”, ông Năng cảnh báo.

Chuyên gia khí tượng cũng lưu ý khả năng gây mưa kéo dài, mưa lớn tập trung vào các tỉnh Bắc Trung Bộ, sau đó là rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên cũng sẽ có mưa lớn trong khoảng thời gian này; tuy nhiên cường độ mưa lớn nhất vẫn tập trung ở khu vực Trung Bộ.

Tuy nhiên, vì đây là vùng áp thấp chưa mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, do đó diễn biến còn hết sức phức tạp. Không loại trừ khả năng kịch bản khác như là vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và đi vào khu vực Trung Quốc. Khi đó, tình hình mưa ở vịnh Bắc Bộ sẽ nhỏ hơn và tập trung ở các tỉnh Trung Bộ là chính.

Do vậy, chúng ta cần tiếp tục theo dõi những diễn biến mà Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia vẫn cập nhật trong các bản tin tiếp theo phù hợp với sự thay đổi cũng như phát triển của vùng áp thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn biến vùng áp thấp còn hết sức phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO